Thời sự - Bình luận

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Mới đây, Bộ Công thương giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật VN, nếu không sẽ có giải pháp chặn nền tảng này. Đây là động thái cần thiết để kiểm soát giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.

Động thái này diễn ra sau khi Temu có màn "đổ bộ" khá ồn ào vào thị trường VN. Nhưng thực tế, không riêng gì Temu mà còn nhiều sàn thương mại điện tử khác âm thầm hơn cũng đang ăn nên làm ra từ những khách hàng VN. Đó không chỉ là những trang bán lẻ thông thường mà còn có những trang bán sỉ, nổi bật phải kể đến sàn thương mại điện tử 1688 hay Alibaba cho phép nhập hàng với số lượng lớn từ Trung Quốc về VN. Kèm theo đó là một chuỗi cung ứng từ đặt hàng thay, nhận hàng rồi chuyển về đến tận các tỉnh thành VN mà người mua chỉ cần ngồi làm việc trên máy tính là xong.

Nhưng kỳ lạ thay, như Thanh Niên từng điều tra thì gần như chuỗi cung ứng vừa nêu chỉ thu phí vận chuyển mà không thấy tính thuế. Như vậy, không chỉ các giao dịch nhỏ lẻ bị "lọt" mà cả các đơn hàng số lượng nhiều. Không những vậy, việc tự nhập hàng Trung Quốc để bán tại VN dễ hơn bao giờ hết, kéo theo sự bùng nổ "mở shop bán hàng online".

Vấn đề của sự bùng nổ vừa nêu không chỉ đang tồn tại sự thất thu về thuế mà còn chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa. Đây là lỗ hổng không nhỏ dẫn đến hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang ngày ngày được tiêu thụ khắp hang cùng ngõ hẻm thông qua đội ngũ bán hàng trực tuyến, giao nhận tận nơi nhanh chóng.

Thực trạng này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, gây đe dọa lớn đến hàng hóa và doanh nghiệp VN. Trong khi đó, người dân dễ bị mua phải những hàng hóa kém chất lượng và khi bị thiệt hại thì "không biết kêu ai". Cứ thế, mối nguy lâu dài đối với nền kinh tế là không nhỏ.

Không chỉ đáng lo về vấn đề kinh tế mà tình trạng hàng hóa trôi nổi như trên còn ẩn chứa những rủi ro an ninh, trật tự xã hội. Điển hình chính là việc nguy cơ lộ lọt thông tin từ các camera an ninh được mua bán trôi nổi trên thị trường.

Tương tự, còn có các loại camera hành trình gắn trên xe hơi, các bộ tiếp sóng và khuếch đại sóng wifi... Tất cả đều là những nguồn nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu rất cao. Vấn đề không chỉ là thông tin, dữ liệu của số ít gia đình, người dùng; nếu những dữ liệu như thế được tập trung ở quy mô lớn thì hậu quả không hề quá lời là nguy cơ bị kiểm soát, thao túng từ nước ngoài.

Thời gian qua, rất nhiều quốc gia đã phải sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát hàng hóa vì rủi ro vừa nêu thực tế rất hiện hữu, chứ không xa vời. Chính vì thế, VN chúng ta cần nhanh chóng áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp để kiểm soát hiệu quả luồng hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử. Nếu chậm trễ, hậu quả không chỉ về kinh tế mà còn hơn thế nữa.

Theo Phát Tiến (TNO)

Có thể bạn quan tâm