Thời sự - Bình luận

Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những nội dung quan trọng được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận tại các buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 2 là cử tri rất quan tâm đến hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta tiến hành.

Trong đó, cử tri kiến nghị cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát quyền lực, không để quyền lực bị lạm dụng vì mục đích cá nhân; đặc biệt là giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, phát hiện và ngăn chặn các vụ việc tiêu cực trước khi xảy ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 5/8/2021. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng- chống tham nhũng, ngày 5-8-2021. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN


Kiến nghị như vậy là bởi cử tri thấy rằng, mặc dù mấy năm nay, cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, nhiều “con sâu” lớn bị truy tố trước pháp luật, nhưng tệ nạn này vẫn chưa thực sự bị đẩy lùi. Ngay trước Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, hàng loạt tướng lĩnh của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển bị kỷ luật, cách chức. Mới đây, Thứ trưởng Trương Quốc Cường và hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế cũng phải nhận án kỷ luật, miễn nhiệm, bị khởi tố... Hy vọng những mảng tối tồn tại dai dẳng trong ngành Y tế sẽ được bóc gỡ.  

Hiến pháp 2013 quy định tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân ủy quyền (giao quyền) cho Nhà nước để triển khai những hoạt động vì lợi ích chung. Tuy nhiên, thực tiễn vận hành cho thấy, chủ thể nắm giữ quyền lực, dù là quyền lực tự thân hay quyền lực được ủy quyền vẫn luôn có xu hướng lạm quyền hoặc lộng quyền. Chính vì thế, vấn đề mấu chốt là làm sao Nhân dân không bị mất quyền sau khi ủy quyền cho cán bộ.

Muốn vậy, phải đẩy mạnh kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực là một yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, một khi quyền lực bị trao nhầm vào tay những cán bộ thiếu đạo đức, không lấy việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, cống hiến của người đảng viên thì quyền lực ấy dễ bị vật chất làm cho tha hóa, bị lợi dụng để kiếm chác. Mà kiếm chác của công thì bao giờ cũng nhiều, cũng lớn.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Nói cụ thể hơn là cần một hệ thống pháp luật đủ rộng, đủ mạnh để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn, tiến tới tận diệt tham nhũng, tiêu cực.

Đó cũng là nội dung của Hội thảo quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hôm 29-11. Tại đây, bên cạnh ghi nhận những thành tựu trong công tác lập pháp và thi hành pháp luật thời gian qua, nhiều diễn giả cho rằng, hệ thống pháp luật của ta vẫn cồng kềnh, chồng chéo; một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; chất lượng một số luật ban hành còn thấp, tính khả thi không cao; tình trạng “luật ống”, “luật khung” còn nhiều…

Nguyên nhân là vì còn nhiều quan điểm khác nhau về việc “bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Công tác lập pháp vẫn còn những kẽ hở, còn bị lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của các ngành, cơ quan, đơn vị… Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên quyết liệt, dưới xuê xoa, “dĩ hòa vi quý”.

Vì vậy, cần thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực. Bắt đầu từ việc phân công trách nhiệm giữa các chủ thể trong quy trình lập pháp thực sự rành mạch, rõ ràng; quy định rõ giới hạn phạm vi và mức độ ủy quyền của Quốc hội cho các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, đảm bảo pháp luật thực sự là công cụ kiểm soát quyền lực đủ mạnh của Nhà nước để hỗ trợ tích cực cho cuộc chiến phòng-chống tham nhũng đạt hiệu quả.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm