(GLO)- Ngày 5-5, đồng chí Dương Văn Trang-Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Krông Pa về việc dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến xã Ia Hdreh phát rừng làm rẫy. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện Krông Pa…
Ảnh: Quang Ngọc |
Sau khi Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và huyện Krông Pa đi thị sát tại khu vực các hộ dân di cư tự do đến phát rừng làm rẫy. Nghe báo cáo của huyện Krông Pa về 40 hộ với gần 70 nhân khẩu là dân tộc H’Mông thuộc các tỉnh Đak Lak và Đak Nông di cư đến phát 8 ha rừng thuộc xã Ia Hdreh để làm nương rẫy vào đầu tháng 4-2015. Ngay sau khi phát hiện, huyện Krông Pa đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, đồng thời vận động, tuyên truyền các hộ dân di cư tự do về nơi ở cũ, kiên quyết không để các hộ dân ở lại trong khu vực rừng thuộc địa phận xã Ia Hdreh. Tuy nhiên, qua kiểm tra huyện cũng đã phát hiện thêm 19 hộ là đồng bào dân tộc Jrai của các xã lân cận đến đây phát rừng để làm rẫy với diện tích 23 ha.
Nghe những ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo huyện Krông Pa cũng như những ý kiến tham mưu đề xuất của lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện Krông Pa trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến nhân dân trên địa bàn huyện; vận động người dân không được phá rừng làm rẫy, nếu vi phạm thì tùy mức độ xử lý; kiên quyết không để hộ dân tộc H’Mông nào không có hộ khẩu thường trú cư trú trên địa bàn.
Đối với các dân tộc Jrai ở địa phương vào phá rừng trên địa bàn thì vận động và đưa các hộ này về nơi ở cũ; hàng tháng các ngành chức năng của huyện, xã thường xuyên đi kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng; Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh có văn bản thông báo đến các tỉnh có dân đi di cư tự do. Lực lượng chức năng của huyện Krông Pa điều tra làm rõ hành vi phá rừng, nếu cấu thành thì khởi tố hình sự.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần tăng cường cán bộ kiểm lâm đến vùng nhạy cảm và vùng nóng trong đó có địa bàn huyện Krông Pa.
Ngoài ra, huyện Krông Pa cần tiếp tục đề nghị tỉnh thành lập Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba để quản lý trên 5.000 ha rừng phòng hộ thuộc các xã Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh và đôn đốc, giúp đỡ các địa phương thực hiện có hiệu quả quỹ dịch vụ môi trường rừng, qua đó góp phần đảm bảo những cánh rừng trên địa bàn huyện Krông Pa duy trì được diện tích như hiện nay.
Quang Ngọc