Theo đó, thực hiện Thông báo số 127/TB-HĐND ngày 19-6-2023 của Thường trực HĐND tỉnh về kết luận tại Phiên giải trình về “Các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023”, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải, kéo dài (đặc biệt các danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia).
Lãnh đạo tỉnh và TP. Pleiku thực hiện nghi thức khởi công Dự án đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Minh Triều |
Đồng thời, các sở, ban ngành, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời, tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Dứt khoát không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân do nguyên nhân chủ quan.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tính toán, rà soát các nguồn vốn để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cho các dự án lớn, quan trọng, cấp thiết và các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Đồng thời, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm hoặc chưa triển khai sang dự án đạt khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn để thi công.
Đặc biệt, đối với dự án Đường Hoàng Sa nối dài (đoạn nối từ đường Trường Chinh đến đường Nguyễn Chí Thanh) để đảm bảo không bị Trung ương thu hồi số vốn 131,4 tỷ đồng, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. Pleiku đề xuất phương án xử lý số vốn trên và các bước, quy trình, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các dự án bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022: Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện: Mang Yang, Phú Thiện, Chư Prông lập kế hoạch chi tiết triển khai của từng dự án, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai, đảm bảo khối lượng và tiến độ giải ngân, không để mất vốn.
Riêng các dự án vướng mặt bằng thi công, gồm: Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19); dự án đường liên huyện Chư Pưh - Chư Sê - Chư Prông; cầu qua sông Ayun vào xã Ia Yeng (từ Quốc lộ 25 đi xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện); các dự án: đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Trường Chinh đến Lê Duẩn), đường Nguyễn Văn Linh, khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku); đường nội thị huyện Phú Thiện; đường nội thị thị xã Ayun Pa: yêu cầu các địa phương, các chủ đầu tư tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chậm trễ, không có mặt bằng thi công dẫn đến mất vốn.
Gia Lai đang chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn |
Các sở, ban, ngành rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến thủ tục đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xác định giá đất,... để kịp thời có hướng xử lý hoặc tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cùng với đó, các đơn vị rút ngắn tối đa thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; công khai danh sách các đơn vị tư vấn có nhiều hồ sơ kém chất lượng dẫn đến phải trả hồ sơ nhiều lần, trên cơ sở danh sách công khai trên trang tin điện tử của các sở các chủ đầu tư hạn chế ký hợp đồng đối với các đơn vị tư vấn trên. Rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hạn chế việc đề xuất gia hạn thời gian hợp đồng thi công do nguyên nhân chủ quan của các chủ đầu tư.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án theo đúng quy định.
Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Chính phủ.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT (các cơ quan Thường trực của Tổ công tác theo Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 11-4-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2023) tích cực theo dõi tình hình triển khai các dự án do các đơn vị phụ trách, tham mưu Tổ trưởng tổ công tác và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công năm 2023...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Thường trực HĐND các huyện, thị xã thành phố chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, không được để chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công.
Tại công văn này, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp việc triển khai các nội dung nói trên và gửi về UBND tỉnh trước ngày 15-8-2023 để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.