Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kiên quyết không để xảy ra hộ dân nào đói, thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 25-3, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh và Bí thư các Huyện ủy, Thị ủy và Thành ủy để chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách trong công tác phòng-chống hạn. Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
 

Ảnh: L.N

Tại cuộc họp lãnh đạo UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh, Bí thư các Huyện ủy, Thị ủy và Thành ủy đã báo cáo tình hình hạn hán và các phương án phòng-chống hạn đã được địa phương triển khai trong thời gian qua. Theo đó, các địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình khô hạn, triển khai nạo vết kênh mương, khơi thông dòng chảy; khoan giếng, múc hồ và bố trí một số bồn nước để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân; mua máy bơm nước cho các hộ dân mượn chống hạn trên cây trồng; hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số nạo, vết giếng để lấy nước sinh hoạt…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ tháng 1-2016 đến nay trên hầu hết các địa phương không có mưa dẫn đến tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 340 công trình thủy lợi với năng lực thiết kế tưới cho 54.684 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài nên mực nước các công trình thủy lợi xuống thấp, cạn kiệt nên năng lực tưới giảm hơn 810 ha lúa nước so với vụ Đông Xuân trước.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 13.515 ha cây trồng bị hạn. Trong đó, 4.410 ha lúa nước, hơn 4.209 ha cà phê, 1.486 ha hồ tiêu, 247 ha bắp, hơn 616 ha mì, 2.314 ha mía, hơn 150 ha thuốc lá, 80,6 ha rau màu các loại… ước thiệt hại do hạn hán gây ra hơn 151,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hạn hán còn làm cho hơn 7.036 hộ thiếu nước sinh hoạt tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Kbang, Đak Pơ, Ia Pa, Kông Chro, Chư Prông. Hạn hán trong vụ Đông Xuân có thể làm 14.695 hộ với 64.289 khẩu có khả năng thiếu đói. Hiện các địa phương đã dùng ngân sách hỗ trợ mua 238 tấn gạo cứu đói cho 1.891 hộ, còn lại đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ khoảng 1.510 tấn gạo.

Trước tình hình trên, trong thời gian qua UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác phòng-chống hạn, thống kê đánh giá tình hình khô hạn, thiệt hại do hạn hán gây ra và công tác khắc phục thiệt hại. Thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình hạn hán, phòng-chống cháy rừng và trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp chống hạn tại các địa phương góp phần hạn chế tác động tiêu cực của hạn hán gây ra.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo các biện pháp cấp bách trong công tác phòng-chống hạn. Ảnh: L.N

Phát biểu kết luận buổi làm việc đồng chí Hồ Văn Niên-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Theo dự báo tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra trên diện rộng và rất khốc liệt nên các địa phương cần nghiên cứu triển khai các giải pháp chống hạn hiệu quả; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác chống hạn và khắc phục hạn hán; triển khai các biện pháp, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên chống hạn đối với cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao; đề nghị ban chỉ đạo các địa phương phải thường xuyên nắm tình hình và báo cáo cho tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời; quản lý tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng-chống hạn, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh nguồn nước; về lâu dài các Sở, Ngành và địa phương cần phải triển khai các biện pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Kết thúc buổi làm việc đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh làm sao phải kiên quyết không để xảy ra hộ dân nào bị đói, bị thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh xảy ra.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm