Phóng sự - Ký sự

Kiệt quệ vì "Ma rừng": Không thể tuyên truyền suông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian trước, quan niệm khi đau ốm tới thầy cúng chữa bệnh diễn ra nhiều nơi ở Đắk Lắk nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế, đã gần như loại bỏ các tập tục này
Chuyện "sâu thuốc độc", "ma thuốc độc" hay "trùng độc" vốn là truyền thuyết dân gian, lưu truyền nhiều ở miền Trung. Vài năm trước, chuyện hoang đường này lan truyền lên Đắk Lắk gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe của người dân.
Điên đảo vì "trùng độc"!
Xã Ea Kly, huyện Krông Pắk là một trong những địa phương mà câu chuyện "trùng độc" làm điên đảo người dân. Chị Trần Thị Nh. (ở thôn 7A) đã gửi đơn tới UBND xã tố cáo về việc gia đình mình bị bà Vũ Thị H. vu khống nuôi "trùng độc". Bà H. cho rằng chị Nh. đã bỏ "trùng độc" giết con bà.
Còn bà Trần Thị K. (ngụ thôn 8) trong một bữa tiệc liên hoan đã cầm ly bia đi mời một vài phụ nữ. Sau tiệc, những phụ nữ này cảm thấy mệt mỏi, cùng lúc trong thôn có người chết vì bệnh máu trắng nên mọi nghi ngờ đổ dồn vào bà K.
Cộng tác viên y tế huyện Krông Bông đến tận từng nhà tuyên truyền để người dân hiểu đau ốm phải tới bệnh viện
Cộng tác viên y tế huyện Krông Bông đến tận từng nhà tuyên truyền để người dân hiểu đau ốm phải tới bệnh viện
Sau đó, nhiều người trong thôn kéo đến nhà bà K. đập vỡ cửa kính, rắc muối và những thứ dơ bẩn lên bàn thờ, chăn chiếu, nền nhà để giết "trùng độc". Nhóm người còn cầm dao đuổi chém bà K. nhưng bà nhanh chân chạy thoát.
Vì cho rằng bị "trùng độc" làm hại nên nhiều người đã không đến bệnh viện điều trị mà mời "thầy" về nhà hoặc tìm đến "thầy" chuyên chữa "trùng độc". Sau khi kéo tới nhà bà K. quậy phá, ông Bùi Văn S. (cùng ngụ thôn 8) đã vay mượn mấy chục triệu đồng đưa vợ ra Hà Tĩnh tìm "thầy" chữa trị nhưng cuối cùng "tiền mất tật mang".
Câu chuyện "trùng độc" cũng gây rối loạn xã Phú Xuân, huyện Krông Năng. Bà Nguyễn Thị H. ở xã này cho biết chồng mình dính "trùng độc" từ cuối năm 2013, đã mời 2 "thầy" về nhà cúng, chữa trị. Thậm chí, con gái của bà H. vừa tốt nghiệp đại học đang làm việc ở TP HCM, một năm chỉ về nhà vài lần mà cũng dính "trùng độc". Gia đình bà phải đưa con về Hà Tĩnh chữa bệnh.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, cho biết chuyện tin "trùng độc" rồi nghi kỵ lẫn nhau xuất hiện tại địa phương trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2014. Sau những sự việc xảy ra tại thôn 7A và 8, UBND xã đã tổ chức họp dân, họp các hội, đoàn thể để vận động giải thích cho người dân hiểu. Cán bộ xã cũng đến từng nhà cho rằng bị bỏ "trùng độc" để giải thích cụ thể. "Từ đó đến nay, câu chuyện về "trùng độc" đã tan biến, người dân đau ốm bệnh tật đều đến các cơ sở y tế chữa bệnh chứ không còn mời thầy cúng hay tìm tới các "thầy" chữa bệnh qua áo" - ông Sâm cho biết thêm.
Cộng tác viên y tế huyện Krông Bông tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh tật
Cộng tác viên y tế huyện Krông Bông tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh tật
Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Công an xã Phú Xuân, khi câu chuyện "trùng độc" lan truyền, chính quyền địa phương đã tới từng thôn, buôn vận động, giải thích cho người dân hiểu đó là chuyện hoang đường. Chính quyền cũng điều tra, xử lý các phần tử xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân xuyên tạc, xúi giục đổ thuốc sâu vào hồ cá, giếng nước. "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời vào cuộc xử lý khi những mâu thuẫn nhỏ mới xảy ra nên trong khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn không còn những tin đồn về "trùng độc" - ông Phương nói.
Tại huyện Krông Bông có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống người dân khó khăn, trình độ dân trí thấp nên những năm trước đây, tình trạng người dân đau ốm không tới bệnh viện mà mời "thầy" về nhà rất phổ biến. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là ngành y tế, nên hiện nay, tình trạng này gần như không còn.
Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Krông Bông, cho biết những năm qua, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Cụ thể, trung tâm tổ chức truyền thông lưu động bằng cách lập các đoàn tới từng thôn, buôn nói chuyện để người dân nhận biết dấu hiệu bệnh tật. Thường xuyên phát sóng trên đài xã để tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe. Lồng ghép tuyên truyền về sức khỏe vào cuộc họp dân.
Hiện toàn huyện có 180 cộng tác viên y tế thôn, buôn. Chỉ tiêu mỗi cộng tác viên phải đến thăm ít nhất 10 hộ gia đình/tháng, tập trung vào các đối tượng đau ốm, người có con suy dinh dưỡng, phụ nữ đang mang thai để từ đó có những hướng dẫn cụ thể. "Nhờ làm tốt công tác truyền thông sức khỏe nên hiện nay gần như không còn trường hợp khi đau ốm, bệnh tật mời "thầy" về cúng mà người dân đã hiểu phải đến cơ sở y tế mới lành bệnh" - bác sĩ Vũ cho biết thêm.
Còn bác sĩ Hoàng Đức Hưng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk), kể trước đây, ông gặp một số người mắc cúm, sốt siêu vi,... nhưng cho rằng mình bị "trùng độc". "Họ đã đến "thầy" bốc thuốc về uống. Các loại bệnh này nhiều khi không cần chữa trị vẫn tự khỏi nhưng khi hết bệnh, họ cứ nghĩ "thầy" cao tay. Từ đó, họ đồn thổi, thần thánh hóa "thầy, bà" khiến không ít người tin rằng có "trùng độc" - bác sĩ Hưng giải thích. 
Xem áo chữa bệnh
"Thầy" Thiện ở TP Buôn Ma Thuột nổi danh hơn cả trong giới "thầy, bà" chữa trị "trùng độc". Để tìm hiểu, chúng tôi tìm đến nhà "thầy" Thiện bịa chuyện: "Ông anh tôi mấy hôm nay chẳng ăn uống được gì, đi nhiều bệnh viện mà vẫn không khỏi. Giờ anh ấy yếu lắm, chẳng đi lại được. Nghe nói thầy có thể xem áo chữa bệnh…".

Chúng tôi lấy chiếc áo của mình đã chuẩn bị sẵn trong giỏ, đưa cho "thầy". Chưa đầy 10 giây, "thầy" phán: "Bị nội tạng rồi đó! Bị dạ dày, đường ruột… mà nguyên nhân là do nhiễm "trùng độc" nên nó mới hành như vậy. Bây giờ, tôi cắt thuốc về uống cho tống nó ra. Tống nó ra thì mới ăn được, ngủ được".

Cao Nguyên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm