Đã nửa năm nay, cứ mỗi lần giá xăng tăng , tôi lại nghe thấy những câu cảm thán kiểu 'lần trước đi đổ đầy bình hết 100.000 đồng, lần này hết 120.000 đồng'. Ngoảnh đi ngoảnh lại, vài cái 'lần này', một bình xăng đã tăng giá gấp đôi.
Giá xăng cứ miệt mài phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác, đến mức không ai còn có ý định “rượt đuổi” để tiết kiệm ổ bánh mì, tô hủ tiếu hay cuốn tập cho con nữa. Nhớ hồi đầu năm, mỗi lần xăng chuẩn bị tăng giá, người dân lại chen nhau xếp hàng đổ xăng, mang cả chai, can nhựa đi chứa... bất chấp rủi ro. Trạm bơm xăng thì găm hàng, không bán, gây náo loạn cả thị trường.
Giờ thì hết, không còn ai xếp hàng, không còn cây xăng nào treo biển nghỉ bán. Vì giá xăng tăng liên tục, tranh thủ được một lần rồi cũng phải mua xăng với giá cao hơn. Quan trọng hơn, có lẽ ai cũng mệt mỏi. Bởi họ đâu chỉ chạy đua với mỗi giá xăng. Xăng tăng là tương cà mắm muối, rau gạo đều tăng. Chi phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu, chi phí sản xuất... đều có sự góp mặt của xăng. Doanh nghiệp cầm cự không nổi, phải tăng giá sản phẩm. Còn người dân, họ buộc phải cầm cự vì không mua xăng thì chỉ có đi bộ. Có thể tiết kiệm áo quần nhưng vẫn phải ăn để sống. Thế nên, cách duy nhất mà họ có thể làm là thắt chặt chi tiêu, cắt xén dè xẻn, gói ghém sao cho thu nhập trang trải đủ ngày hết tháng.
Đó là lý do nhiều nước phải trợ giá, những nước giàu có cũng phải xả kho dự trữ để kiểm soát giá xăng. Bởi kiểm soát được giá xăng sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá cả tiêu dùng ổn định, cũng chính là giữ chất lượng cho mâm cơm của mỗi gia đình, mỗi người dân.
Giá xăng tại VN hiện “cõng” khoảng 30 - 32% thuế, phí trong cơ cấu giá thành, tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít, theo tính toán của Bộ Công thương trước thông tin giá xăng tại Malaysia chỉ ở mức 13.000 đồng/lít. Như vậy, nếu không có thuế, phí thì giá xăng VN sẽ ở mức khoảng 20.000 đồng/lít. Ở mức giá này, chắc chắn giá xăng sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và nhìn rộng ra là cho chương trình phục hồi kinh tế đang gặp khó vì tắc giải ngân. Xin nhắc lại rằng, một số loại thuế, phí đang đánh trên xăng như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... đã được phân tích rất rõ là không hợp lý. Nên chuyện giảm, thậm chí bỏ hẳn các loại thuế, phí này, nhất là trong giai đoạn hiện nay, là cần thiết và cấp bách. Đáng nói là những đề xuất, kiến nghị giảm thuế, phí kiểm soát giá xăng đã được đưa ra nhiều lần nhưng chưa được quan tâm.
Trước nay, các đề xuất giảm thuế, phí thường bị ngó lơ hay bàn lùi đều vì áp lực ngân sách. Lần này tưởng cũng vậy, nhưng hình như không phải. Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 1.6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay giá xăng của VN còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng “chảy” xăng dầu ra nước ngoài. Bộ trưởng còn lo ngại, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Xin thưa với Bộ trưởng, đã so sánh giá xăng thì phải so với thu nhập bình quân đầu người chứ không thể nói khơi khơi như vậy. Còn chi phí đầu vào thấp sẽ tăng sự cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường xuất khẩu, từ đó tăng kim ngạch, nguồn ngoại tệ thu về nhiều hơn chứ sao lại thiệt hại cho nền kinh tế ?
Liệu có phải vì suy nghĩ như vậy mà đến giờ lãnh đạo Bộ Công thương vẫn chưa chủ động đề xuất giảm thuế, phí - vấn đề cấp bách hàng đầu để giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế lúc này?
Theo Nguyên Khanh (TNO)