Thời sự - Bình luận

Kinh đô xưa, vận hội mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huế đang chuyển mình đón nhận một sự kiện mới: tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc T.Ư.

Thuở xưa, phủ Thừa Thiên là kinh đô, là trung tâm chính trị - văn hóa của một nước Việt Nam thống nhất, là vùng đất kinh kỳ, vừa hội tụ tinh hoa truyền thống của dân tộc, vừa là một trung tâm tiếp biến văn hóa, đón nhận nhiều giá trị của thời đại, từng là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế… đặc sắc của Việt Nam. Qua những biến động lịch sử, có lúc phải đối mặt với chiến tranh ác liệt, với cơ chế quản lý không phù hợp, Thừa Thiên-Huế đã từng bị tụt hậu, lúng túng trong mô hình phát triển, chưa tìm được hướng đi thích hợp.

Trải qua những bước gập ghềnh, Thừa Thiên-Huế dần bắt nhịp được với xu thế phát triển của đất nước, hình thành mô hình phát triển xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; huy động nguồn lực của xã hội và cảm hứng của người dân để đầu tư chỉnh trang cảnh quan, mở rộng đô thị; tạo điều kiện để Huế liên tục được vinh danh là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố du lịch sạch ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia".

Công cuộc xây dựng mô hình đô thị di sản Huế đã được T.Ư thúc đẩy hỗ trợ. Ngày 10.12.2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Sau 5 năm dồn sức thực hiện, ngày 30.11.2024, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành 95,62%, đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Huế đã trở lại với vị thế vốn có của mình: Thành phố Di sản cấp quốc gia. Vận hội mới đã đến với kinh đô xưa!

Trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, cùng với Đà Nẵng hình thành một cực phát triển của khu vực Duyên hải miền Trung, trong điều kiện kinh tế đô thị của Huế phát triển còn chậm, kết cấu hạ tầng đô thị Huế trên vùng đất gần 5.000 km2 (gấp 4 lần Đà Nẵng) còn chưa đồng đều, đời sống người dân còn khó khăn… là một thách thức lớn với Huế. Tuy nhiên, nếu khai thác tốt vận hội mới này, Huế sẽ tạo ra sức bật mới để vươn lên, thực hiện thành công chiến lược phát triển mà T.Ư đã đặt ra là đến năm 2030, "Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao".

Theo Nguyễn Xuân Hoa (TNO)

Có thể bạn quan tâm