Phóng sự - Ký sự

Kon Pne dần ấm no, hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kon Pne là một xã thuộc huyện Kbang (Gia Lai), lúc bấy giờ có 3 làng với gần 1.000 dân, 100% là bà con dân tộc Bahnar. Trước năm 2004, xã này được coi là khó khăn nhất tỉnh Gia Lai bởi không có điện, không có đường ô tô: trường học và trạm y tế có cũng như không, vậy nên nhiều người ví Kon Pne là ốc đảo. Để đến được xã này từ thị trấn huyện lỵ Kbang phải qua con đường đất dài chừng trăm cây số; đặc biệt, từ xã Đak Rong vào chưa đầy 30 km mà phải mất một ngày đi bộ, vượt qua không biết bao nhiêu dốc cao dựng đứng, vực sâu thăm thẳm, rừng rậm hiểm nguy.
Đầu những năm 2000, có 2 luồng ý kiến về “vấn đề Kon Pne”. Luồng ý kiến đầu tiên cho rằng cần di dời gần 300 hộ với khoảng 1.000 dân ra khỏi “ốc đảo” này; luồng ý kiến thứ 2 đề xuất cần đầu tư mở đường, đưa điện về, vực Kon Pne lên chính từ con người và tiềm năng đất đai, rừng và lâm sản dưới tán rừng… Ý thứ 2 dễ thuyết phục hơn, nhưng ngoảnh lại, nguồn ngân sách nhiều chục tỷ đồng từ đâu để làm việc ấy trong khi huyện, tỉnh đều nằm trong tốp nghèo của cả nước? Câu hỏi không hề dễ có lời đáp. Cái khó rồi cũng “ló cái khôn”, quyết tâm làm đường vào Kon Pne được Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ-ông Nguyễn Tuấn Khanh-đi đầu, tìm nguồn đầu tư từ Bộ Giao thông-Vận tải. Gần 30 tỷ đồng đổ vào con đường chưa đầy 30 km, tính từ xã Đak Rong, sau gần một năm khởi công đã hoàn thành bước một, thông xe. Ấy là hồi cuối năm 2004. Khi đó, Kon Pne là nơi cuối cùng của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã.
 Làm đường vào xã Kon Pne. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Làm đường vào xã Kon Pne. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Có mặt trong ngày làm lễ thông xe đường vào Kon Pne, tôi chứng kiến niềm vui khôn tả của cán bộ, nhân dân trong xã, nhưng không lời nào nói hết. Cả đêm hôm đó, gần như người dân ở đây thức trắng; nhiều bò, heo được mổ thịt, rượu ghè sắp từng hàng dài đến… không đếm xuể, cồng chiêng rộn rã, vang lên đến tận rừng xanh, vút xa đến tận suối sâu. Đêm cuối năm, cái lạnh ở thung lũng Kon Pne xuống đến con số 4 độ C. Sau chương trình văn nghệ, từng đống lửa được nhóm lên, từng tốp người tụ lại quanh những đống lửa ấy râm ran trong bao câu chuyện về người, về quê hương, về quá khứ và tương lai của vùng đất có bề dày truyền thống trong đấu tranh sinh tồn và góp phần chống giặc ngoại xâm. Đã từng có thời Kon Pne là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Gia Lai, nhưng rồi cũng có lúc về địa giới hành chính thì Kon Pne lại thuộc huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Đó là việc của chính quyền, của công tác quản lý hành chính, còn người Bahnar Kon Pne vẫn vậy, thủy chung với cách mạng, chăm chỉ trong lao động và quyết liệt trong đấu tranh sinh tồn.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, giải quyết xong về giao thông cho “ốc đảo”, năm 2005, điện cũng đã về với Kon Pne. Với nguồn vốn 5,7 tỷ đồng, ngành Điện lực đã đầu tư kéo đường điện trung thế từ Đak Rong vào Kon Pne, có chiều dài 28 km, với 3 trạm biến áp và đường dây hạ thế. Ngày 30-4-2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Điện lực đã phối hợp với địa phương tổ chức lễ đóng điện cho Kon Pne. Đây cũng là xã cuối cùng của tỉnh có điện lưới quốc gia, với hầu hết các hộ gia đình bà con Bahnar trong xã có điện ngay trong ngày đóng điện.
Điện, đường, trường, trạm cho xã nghèo ốc đảo Kon Pne đã hoàn thành với sự quan tâm đầu tư xây dựng của các ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Và, phải khẳng định rằng, quyết định khắc phục khó khăn về vốn, đầu tư hạ tầng cho xã nghèo Kon Pne là một quyết định táo bạo, đúng đắn để có một diện mạo của xã này như ngày hôm nay.
Năm 2017, với tư cách là người đại diện Ban Liên lạc những người kháng chiến của tỉnh, chúng tôi về thăm lại Kon Pne và tặng ít quà cho người già và trẻ nhỏ. Nơi đây đã đổi thay quá nhiều. Các cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội như trường học (cả phổ thông và nội trú), trạm y tế, trạm truyền thanh, đường giao thông nông thôn đã nhựa hóa và bê tông hóa, trụ sở xã khang trang, nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà mới kiên cố, bán kiên cố song song với những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn mình trong những ngôi làng định cư được quy hoạch khá bài bản. Dọc con suối Pne, ruộng lúa Đông Xuân xanh mướt. Đấy là cánh đồng hàng trăm héc ta được khai hoang, phục hóa từ khá lâu, nhưng đến những năm gần đây khi có đường và điện thì mới được bà con khai thác hết năng suất. Nhờ vậy, Kon Pne không còn hộ đói. Trẻ em trong độ tuổi đi học đã được đến trường, ốm đau có thầy thuốc ở trạm Y tế chăm sóc.
Giờ đây, sau khi “xóa” xong 2 từ “ốc đảo” trong định kiến của nhiều người về Kon Pne, cho dù nơi này vẫn còn nghèo, vẫn cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn về mọi mặt của huyện, tỉnh, sự tiếp tục ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân, các nhà làm công tác xã hội, từ thiện; song có thể khẳng định một Kon Pne đang vươn mình sánh vai cùng các xã trong vùng hướng đến ấm no, hạnh phúc… Có được điều đó, bà con nơi đây quên sao được công lao của những người đã một thời xa cũ hết mình cho xứ nghèo ốc đảo Kon Pne!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm