Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro: Cây trồng vụ mùa gặp hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tháng 5 đến nay, nắng nóng kéo dài đã gây hạn cục bộ trên một số cây trồng vụ mùa ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai). Theo đó, toàn huyện có 365 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có 42,7 ha lúa, hơn 253 ha bắp, 43,9 ha mì cao sản, 25 ha đậu các loại…

Kông Chro có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào các công trình thủy lợi nhỏ, phần lớn diện tích cây trồng phụ thuộc vào nước trời. Vì vậy, nỗi lo hạn hán, thiếu nước tưới trong mỗi vụ sản xuất luôn hiện hữu. Vụ mùa 2022 cũng không là ngoại lệ khi nắng nóng kéo dài hơn 2 tháng khiến cây trồng bị thiếu nước, gây thiệt hại cho người dân.

Vụ mùa năm nay, toàn huyện đã xuống giống hơn 20.000 ha cây trồng các loại. Từ tháng 5 đến giữa tháng 7, nắng nóng kéo dài nhiều ngày gây hạn cục bộ tại xã An Trung và thị trấn Kông Chro. Theo đó, 365 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có 42,7 ha lúa, hơn 253 ha bắp, 43,9 ha mì cao sản, 25 ha đậu các loại… Hầu hết các khu vực bị hạn không nằm trong vùng tưới của công trình thủy lợi.

Nhiều diện tích đậu xanh của người dân Kông Chro bị giảm năng suất do nắng hạn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Kiều Đình Huy (làng Biên, xã An Trung) cho biết: Thời tiết năm nay diễn biến rất khó lường. Từ đầu vụ, mưa rải đều, đất đủ độ ẩm nên người dân xuống giống bắp, lúa... Tuy nhiên, từ tháng 5 đến giữa tháng 7, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến cây bắp lai và lúa rẫy. “Gia đình tôi trồng 2,5 ha mía và 1,2 ha bắp lai. Cây mía thì không đáng ngại vì chịu được hạn; riêng cây bắp thì phải cắt bỏ 3 sào do xa nguồn nước tưới, còn lại sử dụng máy bơm nước từ sông Ba lên tưới để gỡ tiền đầu tư. 1 ha bắp lai đầu tư hơn 10 triệu đồng, nắng hạn khiến nhiều hộ dân lao đao vì mất tiền và công sức đầu tư “-ông Huy nói. Còn ông Lâm Thế Trung (thôn 2, xã An Trung) thì cho hay: “Tôi trồng 1 ha bắp lai được hơn 2,5 tháng. Bắp đang vào giai đoạn trổ cờ, kết hạt thì gặp phải đợt nắng nóng kéo dài khiến cây phát triển kém, giờ phải cắt bỏ cho bò ăn”.

Tương tự, tại thị trấn Kông Chro, cây bắp lai và đậu xanh cũng bị thiệt hại do hạn hán. Bà Đinh Thị Kech (tổ dân phố Plei Ktỏh) chia sẻ: “Tôi trồng 2,4 ha đậu đen, chi phí mất vài chục triệu đồng. Nắng hạn kéo dài khiến cây đậu phát triển kém, ít hạt. Vừa rồi, tôi thu hoạch chỉ được 3 bao, không đủ tiền đầu tư”. Cùng cảnh ngộ, ông Đinh Văn Hlinh (cùng tổ dân phố) bộc bạch: “Vụ này, tôi trồng khoảng 1,5 ha bắp lai. Do nắng hạn nên cây bắp không phát triển, tôi đã cắt về cho bò ăn gần một nửa diện tích. Tiền đầu tư gần 20 triệu đồng, giờ hạn hán không có thu hoạch nên lỗ vốn là chắc”.

Ông Chu Văn Thuần-Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro-cho biết: Khi hạn cục bộ xảy ra, UBND thị trấn đã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc những diện tích chủ động nguồn nước tưới từ các ao, hồ để giảm thiệt hại. Đối với những diện tích mất trắng, bà con thống kê báo cáo về huyện. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với tổ dân phố xuống các điểm bị thiệt hại vận động bà con tiến hành trồng lại những diện tích đã mất trắng.

Bắp bị hạn, người dân chấp nhận cho bò ăn. Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn theo ông Vũ Đức Thịnh-Phó Chủ tịch UBND xã An Trung: Thiệt hại do hạn cục bộ gây ra chủ yếu là cây bắp và lúa cạn. Vừa rồi, trên địa bàn đã có mưa. Cùng với việc thống kê thiệt hại, xã vận động người dân khôi phục sản xuất đối với những diện tích mất trắng để có nguồn thu nhập.

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Văn Hưng cho hay: Trước tình hình hạn cục bộ xảy ra tại xã An Trung và thị trấn Kông Chro, chúng tôi hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện bơm tưới, tăng cường giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để chống hạn. Thời gian tới, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đề xuất huyện hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

 

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm