(GLO)- Huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho năm học 2018-2019. Đặc biệt, năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện rất chú trọng đến công tác duy trì sĩ số học sinh.
Trường lớp sẵn sàng
Trước thềm năm học 2018-2019, Phòng GD-ĐT huyện Kông Chro đã chỉ đạo các trường tổ chức vệ sinh trường lớp, chỉnh trang khuôn viên sân trường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp để chào đón học sinh. Cô Lại Thị Thúy-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung) nói: “Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, các thầy-cô giáo đã có mặt tại trường theo đúng quy định. Giáo viên trong trường đã quét dọn sạch sẽ các lớp học, phát cỏ dại, trồng hoa, cây cảnh…”.
Xây dựng trường lớp khang trang sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: N.M |
Thầy Huỳnh Toàn-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ngày 1-8, các thầy cô đã đến trường để triển khai công tác đầu năm, phân công nhiệm vụ, dọn dẹp trường lớp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ. “Nhà trường đã rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, tu sửa một số phòng học xuống cấp tại khu vực khối Tiểu học. Riêng khu vực khối THCS mới được đưa vào sử dụng gần 1 năm nên phòng học, khu sinh hoạt, học tập của học sinh còn khang trang, sạch đẹp, chỉ cần dọn dẹp, kê lại bàn ghế cho học sinh. Nhà trường dự kiến sẽ tiêu hủy hóa chất đã hết hạn sử dụng, bổ sung hóa chất cho hoạt động thí nghiệm, mua sắm thêm đồ dùng học tập, sửa máy tính... với kinh phí trên 20 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống trường, lớp xuống cấp để tham mưu UBND huyện có phương án sửa chữa, đầu tư xây dựng mới. Theo đó, huyện đã tiến hành sửa chữa 25 phòng học xuống cấp, xây mới 22 phòng học và hàng chục hạng mục công trình như: xây hàng rào, đổ sân bê tông, làm mái che, xây dựng khu vui chơi, xây nhà đa năng, làm thư viện, nhà vệ sinh… tại 21 trường với tổng vốn đầu tư trên 28,8 tỷ đồng. Đi đôi với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; chỉ đạo các trường triển khai công tác tuyển sinh đúng kế hoạch.
Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT huyện Kông Chro cũng tiến hành sáp nhập 12 đơn vị trường học. “Sau khi sáp nhập, toàn huyện còn 31 trường thuộc sự quản lý của Phòng GD-ĐT huyện. Việc sáp nhập đã làm giảm 22 lớp học ở bậc Mầm non và Tiểu học nhưng tăng 4 lớp ở bậc THCS. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành không bị dôi dư. Hiện các trường đã bố trí, phân công nhiệm vụ, biên chế trường lớp, tất cả sẵn sàng cho năm học mới”-ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chrocho biết.
Phấn đấu duy trì sĩ số
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện, với đặc thù huyện có số học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, Phòng đã tiếp tục chỉ đạo các trường phải có các giải pháp đảm bảo duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục.
Rà soát các điều kiện trước thềm năm học mới. Ảnh: N.M |
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Kông Yang) có 419 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Cô Nguyễn Thị Quýt-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngay sau khi kết thúc năm học, trường đã lập danh sách các học sinh có nguy cơ bỏ học, học sinh có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn… để cử giáo viên theo sát tổ chức ôn tập, phụ đạo kiến thức. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, tập thể cán bộ, giáo viên cùng bàn bạc đưa ra các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế từng làng, từng học sinh để vận động các em tới trường; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh đầu cấp; xây dựng phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, học sinh giỏi kèm học sinh yếu. Trường cũng đã kêu gọi các trường có điều kiện thuận lợi tại TP. Pleiku hỗ trợ 5.000 quyển vở, đảm bảo học sinh đủ sách vở khi tới trường.
Những năm gần đây, ngành GD-ĐT huyện Kông Chro còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, quy chế nhằm huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, học sinh đi học không đúng độ tuổi; thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch năm học. “Từ các giải pháp, cách làm trên, trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học năm sau luôn thấp hơn năm trước. Năm học 2017-2018, tỷ lệ hpcj sinh bỏ học còn 0,4%, giảm 0,35% so với năm trước. Năm học 2018-2019, toàn huyện có 12.811 học sinh, cao hơn năm trước trên 400 học sinh”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro cho hay.
Ngoài thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số, Kông Chro cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Đó là duy trì hiệu quả mô hình nội trú, bán trú dân nuôi các cấp học; triển khai sáng tạo và hiệu quả các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh đầu cấp bậc Tiểu học; xây dựng kế hoạch giúp học sinh ôn bài vào ban đêm; phát động phong trào tạo góc học tập tại nhà... góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
Ngọc Minh