Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kông Chro: Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Qua hơn 10 năm triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa và thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, tỉnh ta đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, hầu hết các gia đình và thôn, làng, tổ dân phố đều tổ chức triển khai xây dựng nếp sống văn hóa”-ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết. 
Năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai có 264.693/347.372 gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 76,19%, tăng 0,76% so với cuối năm 2017; có 1.650/2.161 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 76,35%, tăng 1,67% so với cuối năm 2017.
  Nhà văn hóa thôn 2 (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) được xây dựng khang trang.  Ảnh: Đ.Y
Nhà văn hóa thôn 2 (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) được xây dựng khang trang. Ảnh: Đ.Y
Theo ông Phạm Hồng Phong, để có được kết quả trên, việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu văn hóa hàng năm luôn bám sát những tiêu chí: nâng cao đời sống vật chất của nhân dân; bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp mang tính chọn lọc; xây dựng nếp sống mới, trong đó chú trọng đẩy lùi tệ nạn xã hội; phát triển cơ sở vật chất để tổ chức sinh hoạt cộng đồng... Trên cơ sở những tiêu chí đề ra, phong trào đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng, thúc đẩy nâng cao đời sống nhân dân. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đưa ra các nguyên tắc cơ bản của việc bình xét các danh hiệu văn hóa, xây dựng tiêu chí bình xét danh hiệu; thang điểm và phương thức chấm điểm; quy trình xét tặng và biện pháp quản lý nhà nước... để làm cơ sở thực hiện. Nghị định cũng quy định việc bình xét, công nhận danh hiệu phải dựa trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia.
“Do đó, việc xây dựng các danh hiệu văn hóa cũng là cơ hội để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiến bộ khoa học kỹ thuật đi vào thực tế đời sống ở nông thôn; kích thích lòng tự trọng, ý thức vươn lên của người dân và khơi dậy tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Những địa phương có phong trào xây dựng gia đình văn hóa và thôn, làng, tổ dân phố văn hóa mạnh cũng chính là nơi đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận xét.
Kông Chro là huyện nghèo nhất tỉnh. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, huyện này luôn dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giảm nghèo (6%/năm). Một trong nhiều nhân tố góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện là phong trào xây dựng gia đình văn hóa và thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. Các tiêu chí trong phong trào được triển khai tới từng khu dân cư, hộ gia đình cũng như sự tự nguyện đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu văn hóa được công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định. Kết quả, tính đến cuối năm 2018, huyện Kông Chro còn 3.437 hộ nghèo, giảm 695 hộ; 1.184 hộ cận nghèo, giảm 114 hộ so với cuối năm 2017. Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: “Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, triển khai nhiều biện pháp truyền thông, lồng ghép các chương trình trong các ngày hội đại đoàn kết ở cơ sở; biểu dương người tốt việc tốt; đánh giá việc thực hiện các quy ước, hương ước và thực hiện gia đình đạt văn hóa... Qua đó phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, yếu kém. Đến nay, Kông Chro có 50% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, 75% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa”.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa cũng còn nhiều mặt hạn chế. Theo đó, không ít gia đình truyền thống chịu sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây ra những biến đổi nhất định, làm nảy sinh những mâu thuẫn về quan niệm sống, hành vi ứng xử dẫn đến khủng hoảng. Trong cơn lốc thị trường, những mối liên kết truyền thống đang bị phá vỡ và làm mất đi những giá trị tốt đẹp, trong đó nổi lên là tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình ngày càng gia tăng.
“Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa, đồng thời cử những cán bộ có năng lực tham gia ban chỉ đạo các cấp. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng danh hiệu văn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện tốt hơn nữa phương châm xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở cơ sở”-ông Phong nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm