Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nông dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Đột phá từ chuyển đổi cây trồng
Để hỗ trợ người dân tiếp cận các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác, huyện Kông Chro đã đầu tư xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 27-KH/HU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, phát triển cây dược liệu, thay đổi bộ giống cũ năng suất thấp bằng những giống mới năng suất cao, cơ giới hóa, đầu tư phát triển theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Lợ (thôn 9, xã Yang Trung) chia sẻ: “Năm 2008, sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, tôi chuyển đổi 2 ha măng Điền Trúc và xoài sang loại cây này. Cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 6 tháng. Bình quân mỗi đợt, tôi thu hơn 10 tấn quả. Hiện nay, giá dao động trong khoảng 7-8 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về khoảng 250-300 triệu đồng”.
Nông dân huyện Kông Chro thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tương tự, ông Trần Văn Luyện (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) cho hay: Năm 2011, ông mua hơn 300 cây mắc ca về trồng xen trong vườn cây ăn quả. Năm 2015, cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch. Những năm đầu, ông bán cho thương lái. Khoảng 3 năm nay, gia đình đầu tư máy móc chế biến nên giá cao hơn. “Cây mắc ca ít dùng nước tưới, phân bón và công chăm sóc so với cây trồng khác. Hiện giá bán quả tươi khoảng 80 ngàn đồng/kg, còn qua chế biến khoảng 160 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, tôi còn lãi khoảng 100 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ các loại cây ăn quả”-ông Luyện cho hay.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo Chủ tịch UBND xã Yang Trung Đặng Thế Quyền, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của huyện, nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có 143 ha cây ăn quả cho thu nhập 350-400 triệu đồng/ha. Ngoài ra, người dân còn phát triển thêm 26,6 ha cây dược liệu. “Nhờ giá thị trường ổn định nên thu nhập của bà con nông dân được cải thiện, tạo động lực để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Những năm tới, chúng tôi tiếp tục phát triển cây ăn quả và cây dược liệu để tạo thành vùng chuyên canh”-ông Quyền cho hay.
Cây bơ phát triển trên vùng đất khó Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sau khi thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông-lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đến nay, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp huyện đạt 9,1%. Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Võ Nguyên Nam cho biết: Những năm gần đây, huyện tập trung đầu tư tái cơ cấu ngành nông-lâm nghiệp toàn diện gắn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân học tập. Bên cạnh đó, tăng cường dự báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi giúp người dân chủ động phòng-chống. Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình tiên tiến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: cơ giới hóa, phát triển cây trồng theo hướng chuyên canh VietGAP, có chứng nhận, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản theo hướng trang trại, gia trại góp phần giảm ô nhiễm môi trường”-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết thêm.
Ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: Xác định nông-lâm nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương nên những năm gần đây, huyện tập trung đầu tư tái cơ cấu ngành nông-lâm nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân học tập áp dụng. Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường dự báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi giúp người dân chủ động phòng-chống. Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm