Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kông Chro hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Kông Chro (Gia Lai) đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.

Nỗ lực vượt khó

Trong những ngày đầu thành lập, huyện gặp muôn ngàn khó khăn phải giải quyết. Cụ thể, sản xuất còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế-xã hội hầu như không có; giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 90%; dân trí thấp; đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa chưa nắm được cơ sở…

 

Đồng chí Phan Văn Trung. Ảnh: Đ.T

Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã bắt tay củng cố tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo… Đồng thời, tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhờ sự nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, những năm qua, kinh tế-xã hội huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, Kông Chro đã trở thành một địa phương có bước phát triển khá của tỉnh; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,8%; tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt trên 3.500 tỷ đồng; lương thực bình quân đầu người tăng 5,4 lần so với năm 1990; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17,5 triệu đồng, gấp 14,2 lần so với năm 2000.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng. Hiện nay, huyện đã có 1 xã đạt 11 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 4 xã đạt 8 tiêu chí, 3 xã đạt 7 tiêu chí và 1 xã đạt 6 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hàng năm giảm trên 7%, năm 2017 còn 37,37% theo tiêu chí đa chiều; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục-đào tạo được chú trọng và không ngừng nâng cao, hiện toàn huyện đã có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, cơ sở vật chất của ngành Y tế được đầu tư, nâng cấp từ huyện tới cơ sở; hiện 100% số xã của huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020...

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông đều có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị của huyện hoạt động đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố; dân chủ được phát huy, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.

 

Một góc thị trấn Kông Chro. Ảnh: Võ Chiến

Phát triển nhanh và bền vững

Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào sau 30 năm thành lập, song huyện Kông Chro vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; tăng trưởng kinh tế chưa cao, vẫn còn là huyện nghèo nhất tỉnh… Thực tế này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện phải đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh.

Theo đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực hiện có, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng cạnh tranh của hàng nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến; chú trọng thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Phấn đấu giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng bình quân hàng năm 7,5%.

Với lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 13,4%/năm, huyện sẽ tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh kêu gọi thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Có giải pháp cụ thể định hướng và hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là những ngành nghề chế biến, ngành nghề truyền thống, sử dụng nguyên-vật liệu, lao động tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp huyện để thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.

Về thương mại-dịch vụ, huyện chú trọng phát triển mạng lưới chợ gắn với quy hoạch dân cư; nâng cấp chợ trung tâm huyện; đồng thời phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bưu chính-viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế. Tạo điều kiện phát triển các ngành dịch vụ trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại để phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện cũng sẽ quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao, bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2015-2020, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,5%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 25 tỷ đồng vào năm 2020 (bình quân hàng năm tăng 5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng vào năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6-7%/năm; đến năm 2020 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Với những thành tựu đã đạt được trong suốt 30 năm qua, với truyền thống đầy tự hào và những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, tin tưởng rằng, huyện Kông Chro sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ngày 30-5-1988, huyện Kông Chro được thành lập theo Quyết định số 96-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở chia tách huyện An Khê (cũ). Thời điểm đó, huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 17,5 ngàn người, diện tích tự nhiên trên 143 ngàn ha. Đến nay, huyện đã có 14 đơn vị hành chính cấp xã với dân số trên 51 ngàn người. 30 năm sau ngày thành lập, Đảng bộ, quân và dân huyện Kông Chro đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất; được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2016 và nhiều năm được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của tỉnh.

Phan Văn Trung
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm