(GLO)- Người Bahnar ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) xem chiếc gọ (nồi đồng) là tài sản quý gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt hàng ngày. Với họ, cất giữ nồi đồng cho con cháu là gìn giữ bản sắc văn hóa ông cha.
Tài sản quý
Thông thường, 1 bộ gọ có 7 chiếc: gbung (to nhất), gbay (to nhì), lần lượt gba, grông, gọ kăng, gọ rôn và gọ môt là nhỏ nhất. Hầu hết nồi đồng không có vung và được gắn 2 hoặc 4 cái quai-nơi luồn dây để khiêng, bưng bê cho tiện. Ngoài công dụng cầm nắm, quai còn là vật trang trí, kết hợp với họa tiết hoa lá cách điệu, điêu khắc xung quanh sẽ làm tăng giá trị nồi đồng. Tùy theo kích cỡ của nồi mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày hay trong lễ hội.
Ông Đinh Keo (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) cho biết: Với những loại nồi to, bà con thường dùng để đựng nước chế vào bình rượu cần, nấu thức ăn, nấu cháo trong các lễ hội như mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ đâm trâu hoặc những dịp cưới hỏi, ma chay. Còn nồi nhỏ thì dùng vào việc nấu cơm, luộc khoai, luộc mì, nấu rượu ghè… trong sinh hoạt hàng ngày. “Nồi đồng không chỉ là vật dụng hữu ích mà còn là thước đo của sự giàu sang. Muốn sở hữu nồi đồng, đặc biệt là bộ nồi “mẹ bồng con”-nồi to kèm theo nồi nhỏ, ông bà xưa phải đổi bằng những con trâu đực to khỏe hoặc nhiều heo, nhiều lúa. Vì thế, khi nhìn vào số lượng nồi có thể đánh giá tiềm lực kinh tế, thậm chí tầm ảnh hưởng của gia đình đó với cộng đồng làng, xã”-ông Keo cho hay.
Nồi đồng gắn bó mật thiết trong đời sống của người Bahnar ở huyện Kông Chro. Ảnh: Ngọc Minh |
Ở tổ dân phố Plei Pyang, gia đình chị Đinh Thị Pranh sở hữu nhiều nồi đồng nhất. Biết được thông tin này, nhiều nhà sưu tầm đồ cổ tìm đến hỏi mua, trả giá cao nhưng gia đình nhất quyết không bán. Chị tâm sự: “Các cụ để lại cho bố mẹ tôi 16 cái nồi đồng. Nhiều lúc khó khăn nhưng bố mẹ tôi không bán mà giữ lại cho con cháu. Đây là nét văn hóa của ông cha, chúng tôi phải trân trọng, gìn giữ”.
Gìn giữ vật báu của cha ông
Đưa chúng tôi tham quan những vật dụng của gia đình, ông Đinh Keo trải lòng: Trước đây, gia đình ông có 14 cái nồi đồng lớn, nhỏ. Năm 2002, kẻ gian lấy mất gần hết, trong đó có chiếc nồi lớn trong bộ nồi “mẹ bồng con”. Vì thế, ông chuyển số nồi đồng còn lại vào kho khóa cẩn thận. Tại các buổi họp tổ dân phố, ông cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn dân làng cách bảo quản, gìn giữ nồi đồng. “Qua đó, bà con nâng cao ý thức, cất giữ cẩn thận. Đến nay, người dân trong tổ còn gìn giữ hơn 200 cái nồi đồng các loại”-ông Keo thông tin.
Trong ngôi nhà kiên cố, ông Đinh Hnhơch (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) dành 1 căn phòng làm nơi cất giữ những bộ chiêng cổ và nhiều nồi đồng quý. Chỉ tay về phía những chiếc nồi đồng miệng to xòe, úp chồng lên nhau, ông cho hay: 10 chiếc nồi này là do cha mẹ để lại, trong đó có 1 bộ gồm 10 chiếc lớn nhỏ khác nhau. Để giữ vật quý cho con cháu, từ thời chiến tranh, cha mẹ phải chôn toàn bộ cồng chiêng, nồi đồng xuống đất.
Không chỉ là đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nồi đồng còn là vật dụng quan trọng trong lễ hội. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn ông Đinh Văn Khê (làng Kpiêu Kông, xã Đak Tơ Pang) thì chia sẻ: “Tôi lớn lên đã thấy nhiều nồi đồng xếp cạnh những ghè rượu. Trong đó có những cái nồi chỉ để nấu cơm gạo mùa mới, nấu thức ăn dâng cúng thần linh. Sau khi chia cho con cái, tôi còn 8 cái nồi đồng. Gia đình cất giữ cẩn thận làm vật kỷ niệm và chỉ đem ra sử dụng trong những sự kiện đặc biệt”.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với người Bahnar, gìn giữ nồi đồng cũng chính là gìn giữ vật báu của ông cha, đồng thời cũng là bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
NGỌC MINH