(GLO)- Đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã bước đầu hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung với diện tích hơn 14 ha. Trong thời gian tới, huyện huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định lâu dài.
Dưới cái nắng tháng 5 gay gắt, ông Nguyễn Văn Ân (làng Hrách, xã Đak Kơ Ning) đang tranh thủ thu hoạch số cà gai leo còn lại trong vườn. Với 1,5 ha, ông Ân dự ước thu về khoảng 1,5 tấn cà gai leo khô. Tất cả sản phẩm được Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg.
Ông Ân chia sẻ: “Trước đây, khu đất này bỏ hoang. Khi nghe cán bộ tuyên truyền về lợi ích từ cây dược liệu, tôi đã đăng ký trồng thử nghiệm 1,5 ha. Ở năm đầu tiên, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ về cây giống, phân bón; cán bộ nông nghiệp xuống tận vườn để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tôi nhận thấy cây cà gai leo dễ trồng, ít sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Đặc biệt, chúng có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc 3-5 năm, mỗi năm thu hoạch 2-3 đợt. Vụ tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì diện tích cà gai leo này, đồng thời trồng thêm 1 ha đinh lăng xen với cây ăn quả”.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro (bên trái) hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cà gai leo. Ảnh: Mộc Trà |
Gia đình ông Đinh Pít (làng Kươk, xã Sró) cũng vừa thu hoạch xong 5 sào cà gai leo đợt 3 với gần 5 tạ sản phẩm khô. Ông Pít bảo rằng, trồng cây cà gai leo nhàn hơn nhiều so với bắp, đậu. “Tuy dễ trồng nhưng hiệu quả kinh tế mà cà gai leo mang lại khá cao. Vì vậy, tôi cùng một số hộ dân trong làng đã mạnh dạn trồng thử. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá sản phẩm giảm thấp. Hy vọng khi tình hình ổn định, cà gai leo nói riêng và cây dược liệu nói chung có thể giúp bà con Bahnar từng bước giảm nghèo”-ông Pít bày tỏ.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3-7-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) “Về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Huyện phân công đầu mối quản lý và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, ban ngành và UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý, phát triển cây dược liệu; đồng thời, khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị.
Huyện Kông Chro đã làm việc với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 6 ha cà gai leo tại xã Sró và Đak Kơ Ning. Ảnh: Mộc Trà |
Đến nay, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích 14,6 ha gồm 6 ha cà gai leo, 5 ha sâm bố chính và 3,6 ha đinh lăng. Huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai để bao tiêu sản phẩm cho 6 ha cà gai leo tại xã Sró và Đak Kơ Ning. Vừa qua, huyện cũng đã tiến hành rà soát, xây dựng dự án trồng các loại cây dược liệu quý với tổng diện tích 399 ha.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Minh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện-cho biết: Thời gian đến, huyện tập trung triển khai thực hiện Dự án trồng cây dược liệu quý trên địa bàn khi được cấp trên phê duyệt, phân bổ vốn; gắn công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn và phát triển dược liệu; đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, huyện tiếp tục tuyên truyền và tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản dược liệu để duy trì và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ dược liệu với nông dân.
MỘC TRÀ