Krong, ân tình và trăn trở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ba mươi sáu năm sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, bao lớp người vẫn hướng về Krong (huyện Kbang)- mảnh đất anh hùng, cái nôi chở che, đùm bọc cho cách mạng Gia Lai suốt những năm kháng chiến chống Mỹ- với tất cả ân tình thủy chung sâu nặng song cũng không khỏi trăn trở trước cuộc sống còn bộn bề gian khó nơi đây.
Có một Krong để nhớ
“Về Krong giống như là trở về nhà mình vậy”- ông Lâm Huế- nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Gia Lai hồ hởi nói với chúng tôi như vậy ngay khi vừa cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đội đặt chân tới mảnh đất căn cứ cách mạng năm xưa. Đây là lần thứ hai ông trở lại vùng căn cứ kháng chiến này kể từ sau ngày giải phóng. Trước đó, giữa năm 2009, theo lời mời của Tỉnh đội, ông đã trở lại Krong để tìm lại dấu tích Sở chỉ huy Tỉnh đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chuyến ấy, phải mất trọn 3 ngày vạch rừng, lội suối, đoàn mới tìm được nền nhà Sở chỉ huy ngày xưa nằm giữa um tùm cây lá bên cạnh hai con suối Đak Tơ Loh và Đak Tơ Nan.
Ông Lâm Huế (đi đầu) cùng cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đội về thăm căn cứ cách mạng Krong. Ảnh: Tiến Dũng
Ông Lâm Huế (đi đầu) cùng cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đội về thăm căn cứ cách mạng Krong. Ảnh: Tiến Dũng
Niềm hân hoan được trở lại Krong khiến ông Lâm Huế dường như quên hết cả nỗi mệt nhọc sau hơn 3 giờ ngồi xe vượt gần 150 cây số từ Pleiku. Xe vừa dừng lại, người lính già năm nay đã 87 tuổi chẳng cần phải nghỉ ngơi hăng hái leo lên con dốc dài gần 2 cây số dẫn tới vị trí Sở chỉ huy Tỉnh đội năm nào. Ngồi nghỉ trong căn lán sinh hoạt mà Tỉnh đội mới phục dựng, ông bồi hồi nhớ lại những năm tháng sống và chiến đấu ở căn cứ Krong. Năm 1970, theo chủ trương của Mặt trận B3, ông Huế khi ấy đang là Trung đoàn phó Trung đoàn 95 chuyên đánh địch trên đường 19 được điều về tăng cường cho Tỉnh đội Gia Lai đến tận ngày giải phóng.
Suốt những năm chiến đấu ở căn cứ cách mạng Krong, ông Lâm Huế và những đồng đội, đồng chí của mình đã được sống trong sự thương yêu, đùm bọc, chở che của những người dân Bahnar hiền hậu, thủy chung, một lòng tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, vào cách mạng. Nhắc lại ân tình của người dân Krong với cách mạng, ông Huế nói: “Chính nhờ có người dân Krong mà căn cứ cách mạng này mới tồn tại được suốt những năm chống Mỹ”. Họ không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm để nuôi sống cán bộ và bộ đội trong vùng căn cứ mà còn thường xuyên cung cấp cho cách mạng những thông tin về tình hình địch, từ quy luật hoạt động đến những vị trí địch đồn chốt. Nhiều người đã bị địch bắn chết trong khi đi tiếp tế, báo tin cho cách mạng nhưng “căn cứ lòng dân” ở Krong vẫn tiếp tục tồn tại vững vàng.
Không chỉ ông Lâm Huế, mà tất cả những ai từng sống và chiến đấu ở căn cứ Krong, khi về lại mảnh đất này đều có cảm giác như được trở lại nhà mình. Chính vì thế, những năm gần đây, không cứ những ngày lễ, Tết, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã trở lại thăm Krong để tìm lại những kỷ niệm của một thời gian khó mà hào hùng, để được gặp lại những người dân Bahnar từng một thời chung vai sát cánh vì sự nghiệp cách mạng. Rồi Tỉnh ủy, Tỉnh đội và nhiều cơ quan, đoàn thể khác trong tỉnh cũng đã trở lại Krong thăm hỏi, giúp đỡ người dân trong xã; đồng thời tìm lại, phục dựng lại những dấu tích ngày xưa với mong muốn biến vùng căn cứ cách mạng Krong thời kỳ chống Mỹ thành một bảo tàng ngoài trời để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này.
Và một Krong còn nhiều trăn trở
Từ sau ngày giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, Krong đã có khá nhiều đổi thay. Con đường từ huyện vào xã nay đã được rải nhựa, thông thoáng, ô tô các loại có thể ra vào thoải mái; trường học, trạm y tế, trụ sở xã cũng đã được xây dựng khang trang; điện cũng đã được kéo về tất cả các thôn làng. Nhưng tất cả những đổi thay ấy dường như chỉ là sự đổi thay mang tính bề mặt, do Nhà nước đầu tư. Còn cuộc sống của những người dân trong xã, bao năm qua vẫn loay hoay, ì ạch trong sự nghèo khó.
Trong số các em học sinh này ở Trường THCS Krong, ai sẽ tiếp tục học lên cấp 3. Ảnh: Tiến Dũng
Trong số các em học sinh này ở Trường THCS Krong, ai sẽ tiếp tục học lên cấp 3. Ảnh: Tiến Dũng
Là một xã đất rộng người thưa, cứ bình quân 2 nhân khẩu thì có 1 ha đất nông nghiệp, vậy mà dân Krong vẫn nghèo vì quanh đi quẩn lại hầu như chỉ biết trồng mì, trồng bắp, lúa rẫy. Đã vậy, trình độ canh tác lạc hậu thành thử hiệu quả kinh tế chẳng bao nhiêu. Thế nhưng khi nghe Chủ tịch UBND xã Đinh Ních bảo, sau khi điều tra theo tiêu chí mới, hiện xã có đến 86,7% hộ nghèo, số còn lại gần như ở mức cận nghèo, chúng tôi vẫn không khỏi sửng sốt.
Mà đâu chỉ “nghèo cái bụng”, người Krong còn đang “nghèo cái đầu”. Ai đời, đến tận bây giờ mà cả xã (trừ số cán bộ xã ở nơi khác đến công tác) vẫn chưa có ai học hết lớp 12 hệ chính quy. Ngay cả số học hết lớp 12 hệ bổ túc, Đinh Ních đếm mãi cũng chỉ có 4 người, trong đó có cả mình. Học sinh trong xã, hễ cố được hết lớp 9 là nghỉ ở nhà vì không muốn hoặc không có điều kiện ra thị trấn học. Cách đây 2 năm, xã được huyện cho 3 chỉ tiêu lên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh học. Nhưng đến nay thì đã có 2 học sinh bỏ về, trong đó có một em… về lấy chồng. Còn lại 1 em đang học lớp 11 nhưng cũng chẳng biết có theo được nữa hay không?
Thực trạng đáng buồn ấy ở Krong khiến không ít người cảm thấy xót xa, thậm chí thấy mình có lỗi với bà con nhân dân nơi đây như một lần ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-đã tâm sự. Nhưng làm thế nào để dân Krong thoát nghèo, làm thế nào để trẻ em Krong không chỉ học hết cấp II mà còn học hết cấp III rồi vào đại học, cao đẳng hay chí ít là đi học nghề thì vẫn còn là điều phải trăn trở.
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm