Krông Pa chủ động đảm bảo an toàn hồ đập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho các công trình hồ, đập là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các đơn vị quản lý, khai thác thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Pa hết sức quan tâm.

Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa hiện quản lý, khai thác 9 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng năng lực tưới theo thiết kế trên 1.700 ha cùng hàng trăm ki-lô-mét kênh mương. Các công trình đầu mối hồ chứa và hệ thống kênh do đơn vị quản lý mặc dù đã được sửa chữa, nâng cấp nhưng trước diễn biến bất thường của thời tiết nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Vì vậy, đơn vị đã có kế hoạch chủ động đối phó với các tình huống bất lợi nhất của thời tiết, đảm bảo an toàn cho công trình nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra trong mùa mưa lũ.

 

Công trình hồ chứa Ia Hdreh (huyện Krông Pa). Ảnh: N.S
Công trình hồ chứa Ia Hdreh (huyện Krông Pa). Ảnh: N.S

Ông Bùi Văn Xóa-Trưởng ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa, cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã thường xuyên tiến hành kiểm tra các công trình hồ chứa; sau kiểm tra đã xây dựng kế hoạch, phân loại công trình và tiến hành gia cố khắc phục, sửa chữa những hạng mục xung yếu, hư hỏng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. “Mùa mưa lũ năm nay, đơn vị đã chủ động lập phương án phòng-chống lụt bão; kiểm tra lại tất cả vật tư thiết bị, sửa chữa hạng mục công trình theo kiểm định của Sở Nông nghiệp và PTNT; thường xuyên theo dõi mực nước hồ. Đến nay, các hồ chứa của đơn vị quản lý vẫn đảm bảo an toàn”-ông Xóa cho biết thêm.

Ngoài 9 công trình thủy lợi vừa và nhỏ do Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa quản lý, khai thác thì trên địa bàn huyện còn có công trình hồ thủy lợi Ia Mlah được khai thác và vận hành bởi Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah-trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai. Bước vào mùa mưa lũ năm nay, Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah đã tăng cường các giải pháp, phối hợp với các địa phương đảm bảo an toàn cho công trình. Trong 2 ngày đầu tháng 11, lưu lượng nước về hồ tương đối nhanh do mưa lớn. Vì vậy, Xí nghiệp phải điều tiết nước qua tràn xả lũ trong 4 ngày với lưu lượng 90 m3-120m3/giây.

Ông Vũ Văn Hưởng-Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah, cho biết, đơn vị không chủ quan trong khâu phòng-chống lụt bão, an toàn hồ đập. Chúng tôi đã lập phương án cụ thể trong công tác phòng-chống lụt bão, đảm bảo nhân lực, vật lực. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đưa ra nhiều tình huống giả định và phương án xử lý, quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên, các đơn vị trực thuộc Xí nghiệp để khi có tình huống xấu xảy ra chủ động xử lý. Trong các phương án, Xí nghiệp đã phân công cụ thể lực lượng chia làm nhiều tổ gồm: tổ thông tin cảnh giới, tổ cứu hộ cứu nạn, tổ hậu cần, tổ xử lý sự cố, tổ vật tư vật liệu để phối hợp với chính quyền các địa phương hưởng lợi từ công trình.

 

Ông Vũ Văn Hưởng-Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah: “Đơn vị thường xuyên phân công lịch trực theo dõi diễn biến thời tiết, theo dõi lượng nước, lượng mưa. Căn cứ vào quy trình đã được phê duyệt, nếu lượng nước vượt quá thì sẽ báo cáo lãnh đạo Công ty, chính quyền địa phương để xả. Trước khi xả, đơn vị sẽ gửi thông báo, nhắn tin đến chính quyền địa phương và UBND huyện thông báo rộng rãi đến nhân dân. Đồng thời, đơn vị tích nước theo quy trình đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn hồ chứa”.

Để bảo đảm an toàn các hồ chứa, trong mùa mưa bão hàng năm, các đơn vị quản lý và khai thác tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống công trình, nhất là đối với 2 hồ chứa lớn là Ia Hdreh và Ia Mlah. Hàng năm, tập trung xây dựng phương án đảm bảo an toàn của từng công trình sát với thực tế; kết hợp với việc chuẩn bị vật tư, trang-thiết bị và lực lượng ứng phó các tình huống mưa bão có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) nhằm chủ động ứng phó trong mọi tình huống mưa bão có thể xảy ra. Đồng thời, chủ động cùng chính quyền các địa phương, các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp trong mọi tình huống mưa bão nhằm bảo đảm an toàn công trình, tài sản và tính mạng của người dân vùng hạ du.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm