Do nắng nóng kéo dài, từ tháng 11-2009 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất đang diễn ra gay gắt.
Thiếu nước trên diện rộng
Huyện Krông Pa có tổng diện tích 1.628,14 km2 nhưng chỉ có 2 thôn Quất Lưu, Đồng Tỉnh (xã Chư Drăng) là có khả năng sử dụng được nước ngầm, còn lại đều bị nhiễm phèn, sắt không thể sử dụng vào việc ăn, uống. Hệ thống nước máy chủ yếu cung cấp cho thị trấn Phú Túc, 13 xã còn lại chỉ dựa vào nước từ sông suối và các công trình thủy lợi. Hiện tại, toàn huyện có 54 công trình thủy lợi nhưng chỉ có 17 công trình sử dụng có hiệu quả, 13 công trình cho hiệu quả sử dụng kém và 24 công trình không hoạt động.
Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng nên cây trồng của huyện chủ yếu là các loại cây có khả năng chịu hạn như: Mì, đậu, bắp, thuốc lá, điều… Một số khu vực gần sông, suối mới canh tác lúa nước. Trong vụ Đông Xuân này, vì nắng nóng nên năng suất các loại cây nông nghiệp đã giảm từ 10% đến 20%. Xã Uar do thiếu nước nên 10 ha lúa nước bị khô cháy. 600 ha thuốc lá trên toàn huyện bị khô hạn, cho năng suất kém. 292 ha diện tích đất nông nghiệp khác do thiếu nước đã không thể canh tác.
Người dân phải khó khăn lắm mới vét được một ít nước sinh hoạt. Ảnh: Hồng Sơn |
Không chỉ trong sản xuất, trong chăn nuôi và sinh hoạt của người dân nước vẫn không đủ cung cấp. Chỉ có công trình Nam Uar là có cung cấp nước sinh hoạt, còn lại người dân tự xoay xở nguồn nước trong mùa khô hạn. Đàn bò của huyện với khoảng 55.000 con đang trong tình trạng bị đe dọa vì thiếu thức ăn và nguồn nước uống. Dọc các thôn buôn, đâu cũng thấy đồng bào đi xa hàng cây số gùi từng bình nước từ các sông, suối về. Anh Rô Mun-buôn Sai, xã Chư Ngọc cho biết: Mỗi ngày phải đi gùi nước từ sông Ba từ 2 đến 3 lần. Tắm rửa, giặt giũ đều phải ra sông. Các giếng khoan đều cạn khô, lại nổi cáu vàng nên không thể dùng được. Gia súc hàng ngày cũng phải gùi nước về cho chúng uống.
Nỗ lực chống hạn
Để khắc phục tình trạng trên, theo lãnh đạo huyện Krông Pa, biện pháp trước mắt là nâng cấp và hoàn thiện các công trình thủy lợi nhằm đem lại hiệu quả. Đồng thời, triệt để áp dụng lịch điều tiết nước tại các hồ đập, mang lại hiệu quả sử dụng trên toàn vùng và tối ưu khả năng tiết kiệm nước. Tại hồ Phú Cần, tình trạng khô kiệt nước đang xảy ra. Để khắc phục, hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT phải điều tiết bằng biện pháp tiếp nước từ trạm bơm Cầu 2. Huyện ưu tiên nguồn nước đối với diện tích canh tác lúa nước. Triệt để tận dụng nguồn nước ngầm bằng các biện pháp lọc, khử phèn để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt. Nâng cấp các hệ thống kênh mương, tăng cường bê tông hóa nhằm tránh tình trạng thất thoát nước. Khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng địa bàn. Vùng khô hạn thì chuyển đổi sang cây trồng thích hợp.
Huyện cũng đang tích cực rà soát đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo lên tỉnh và có các hộ bị thiệt hại, có chính sách hỗ trợ kịp thời về nguồn giống, chuẩn bị cho vụ tới. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị giống, đặc biệt là giống mì. Vận động nông dân dọn đồng, chuẩn bị sức kéo, chủ động các loại giống để khi thời tiết chuyển mưa thì đồng loạt sản xuất.
Hồng Sơn