(GLO)- Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn thị trấn Phú Túc, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trong huyện tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Cách đây hơn 1 tuần, đàn heo của gia đình ông Hoàng Thái Cảnh (tổ 6, thị trấn Phú Túc) bỗng nhiên bị ốm và có những triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi. Ông Cảnh cho biết: “Trước đó, khi có thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), giáp ranh với huyện Krông Pa, gia đình tôi đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, đến ngày 19-7, đàn heo của gia đình bỗng nhiên bị ốm, bỏ ăn. Ngay sau đó, tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống kiểm tra tình hình”.
Cán bộ thú y phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện lưu thông qua chốt. Ảnh: L.N |
Nhận tin báo của gia đình ông Cảnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống kiểm tra và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Ngày 20-7, Chi cục Thú y vùng V trả lời mẫu xét nghiệm dương tính vi rút dịch tả heo châu Phi. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Khi có kết quả, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật của huyện đã triển khai ngay các biện pháp chống dịch; lập biên bản kiểm đếm và tiêu hủy toàn bộ 12 con heo mắc bệnh (2 heo nái và 10 heo thịt) của gia đình ông Cảnh. Huyện cũng tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và nhiều khu vực chăn nuôi xung quanh ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo ra vào địa bàn thị trấn Phú Túc. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân khi đàn heo của gia đình có dấu hiệu bất thường phải thông báo ngay cho các cơ quan chuyên môn để tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời, không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng.
Cũng theo ông Trung, đến thời điểm này, Trung tâm đã phân bổ 600 lít hóa chất Benkocid cho các địa phương cấp phát đến người chăn nuôi để tiến hành phun tiêu độc khử trùng với tổng diện tích khoảng 1 triệu m2. Hàng ngày, Trung tâm đều tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại chợ Phú Túc và các lò giết mổ tập trung. Đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện ổn định, chưa xuất hiện thêm ổ dịch khác.
Ngay sau khi công bố bệnh dịch tả heo châu Phi tại thị trấn Phú Túc, UBND huyện Krông Pa đã có công điện khẩn chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó, khống chế dịch. Đặc biệt, huyện yêu cầu UBND thị trấn Phú Túc huy động mọi nguồn lực của địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế dập tắt ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng; thành lập các tổ lưu động để phát hiện kịp thời người dân di chuyển heo bệnh ra khỏi địa bàn… Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thành lập tổ chốt kiểm soát dịch bệnh động vật; đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật, xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp chống dịch, thông báo số điện thoại đường dây nóng để các địa phương và người dân kịp thời phản ánh thông tin về dịch bệnh.
Chốt tạm thời được đặt tại khu vực giáp ranh với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Ảnh: L.N |
Ông Huỳnh Nam Long-Tổ trưởng tổ chốt kiểm soát dịch bệnh động vật-cho biết: “Ngay sau khi tổ chốt được thành lập, chúng tôi đã xuống địa bàn giáp ranh với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) lắp barie và phân công lực lượng trực 24/24 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông qua. Đồng thời, chúng tôi cũng phun hóa chất tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện lưu thông qua vị trí đặt tổ chốt”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Pa có khoảng 2.900 hộ chăn nuôi heo với khoảng 19.400 con. Đa số người dân chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, theo phương thức thả rông nên công tác phòng-chống dịch bệnh gặp khó khăn. Vì vậy, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tiến hành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đến tận hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp heo bệnh, nghi bệnh và xử lý ngay khi có dịch bệnh xảy ra. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân để vừa đảm bảo yêu cầu phòng-chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh gây hoang mang trong cộng đồng”.
LÊ NAM