(GLO)- Dù đã nỗ lực nhưng các trạm y tế xã của huyện Krông Pa, Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dân đến khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trạm Y tế xã Chư Drăng được xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 20 năm qua với tổng diện tích sử dụng trên 120 m2. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Trạm chưa một lần được cải tạo, nâng cấp nên nhiều phòng chuyên môn hiện đã xuống cấp, thiếu giường dành cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Bác sĩ Ksor Dung-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Drăng-cho biết: Trạm thực hiện khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 5.000 người dân trên địa bàn xã. Trong khi đó, điều kiện của Trạm còn quá khó khăn, phòng chuyên môn không đủ, trang-thiết bị y tế thiếu thốn, nguồn nước sinh hoạt chỉ đủ vào mùa mưa. Hàng năm rất ít trường hợp đến đây để sinh nở hay điều trị bệnh mà chủ yếu lên tuyến trên. Hiện cơ sở vật chất chỉ đảm bảo thực hiện cấp thuốc bảo hiểm y tế cũng như tổ chức các chương trình tiêm chủng mở rộng, y tế dự phòng và các chương trình quốc gia về y tế...
Trạm Y tế xã Chư Drăng. Ảnh: N.S |
Tương tự, Trạm Y tế xã Chư Gu cũng đang gặp khó khăn trong công tác khám và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Theo bác sĩ Rcom Pơn-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Gu, những năm qua, mặc dù Trạm đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Hiện Trạm đang gặp rất nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Đến nay, việc phân bổ biên chế cho Trạm vẫn chưa đảm bảo cơ cấu cán bộ theo 5 nhóm chức danh chuyên môn là bác sĩ, y sĩ, hộ sinh trung học, điều dưỡng trung học, dược sĩ trung học. Toàn đơn vị chỉ có 5 người, trong đó có 2 bác sĩ, 2 y sĩ và 1 nữ hộ sinh. “Từ khi thực hiện thông tuyến đến nay, mặc dù Trạm có tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm nhiều nhưng hầu hết bệnh nhân đều chọn các cơ sở khám-chữa bệnh có trang-thiết bị hiện đại. Nhân viên của Trạm hiện chủ yếu làm công tác dự phòng”-bác sĩ Rcom Pơn chia sẻ.
Nhà chỉ cách Trạm Y tế xã gần 1 km nhưng mỗi khi đau ốm, chị Nay H'Nhâm ở thôn Tập đoàn 3 (xã Chư Gu) đều đến Trung tâm Y tế huyện để khám-chữa bệnh. Chị H'Nhâm cho biết, gia đình còn khó khăn nên việc phải lên tuyến trên khám và điều trị sẽ khá tốn kém. “Mình cũng rất muốn đến Trạm Y tế xã cho tiện nhưng ở Trung tâm Y tế huyện có nhiều bác sĩ, trang-thiết bị đầy đủ khiến mình thấy yên tâm hơn”.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn ở các trạm y tế xã trên địa bàn huyện, bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-cho biết: Vai trò của trạm y tế xã là hết sức quan trọng, có thể giải quyết được trên 70% các loại bệnh thường gặp tại cơ sở. Đến nay, công tác y tế trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, nhất là chức năng phòng-chống dịch bệnh được quan tâm đúng mức. Công tác dự phòng phát triển có chiều sâu, được nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác khám-chữa bệnh của các trạm y tế xã chưa thực sự mang lại hiệu quả do những khó khăn về cơ sở vật chất, trang-thiết bị và nguồn nhân lực.
“Thời gian tới, ngành Y tế cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở các trạm y tế xã để có được đội ngũ cán bộ y tế xã đủ mạnh và có tiềm lực. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư đủ các phòng chức năng và trang-thiết bị để triển khai tốt công tác khám-chữa bệnh. Giải quyết được những vấn đề trên thì mới thu hút được người bệnh đến tuyến cơ sở, vừa giảm tải vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi không phải đi xa để khám-chữa bệnh”-bác sĩ Đinh Viết Bửu đề xuất.
Ngọc Sang