Phóng sự - Ký sự

Kỳ 1: Chồng cùng vợ chèo ghe cứu 15 người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh Lê Văn Quả (40 tuổi) ở xóm Soi, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), người cùng vợ cứu 15 người thoát chết trong lũ dữ, nói: 'Tui cứu bà con vì họ là hàng xóm, không cần phải trả ơn…'.
 

Anh Quả và chiếc ghe nhỏ cứu người trong lũ
Anh Quả và chiếc ghe nhỏ cứu người trong lũ



Phóng viên đã trở lại vùng rốn lũ gặp anh Lê Văn Quả (40 tuổi) ở xóm Soi (hay Nhất Đông), xã Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), người đã cùng vợ lấy ghe nhà cứu 15 người thoát chết trong lũ dữ.

Anh Quả bảo: "không có gì để viết cả. Tui không phải người hùng. Tôi cứu bà con vì họ là hàng xóm. Tui cứu người nhưng không cần phải trả ơn. Bổn phận làm người là cứu người hoạn nạn".


 

 Gia đình ông Hiền, bà Tân được vợ chồng anh Quả cứu trưa 5-11
Gia đình ông Hiền, bà Tân được vợ chồng anh Quả cứu trưa 5-11


"Làm người ai nỡ bỏ con"

Trên đời này, kẻ ba hoa làm ít thì nói nhiều. Còn anh Lê Văn Quả và vợ là Huỳnh Thị Nữ thì ngược lại: Khi trò chuyện về những điều phi thường vợ chồng anh đã làm trong ngày 5.11, cứu những con người chấp chới, tuyệt vọng trong lũ thì kiệm lời hết mức.

Giờ tôi mới hiểu thêm lời anh Võ Đức Diên, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, khi tôi hỏi về anh chàng nông dân này. Anh Diên nói: "Chuyện cứu người của thằng Quả là 100%. Nhưng nó kỳ lắm, chú mày hỏi cho hay nó mới chịu nói. Nó có hồi e ngại chư con gái".

"Nó là vậy đó, tốt bụng, thiệt thà lắm, nhưng không nói nhiều đâu", ông Hồ Hiền (63 tuổi) ở xóm Soi nói. Theo lời ông Hiền, trưa ngày 5-11, "hai vợ chồng thằng Quả không đưa ghe sang cứu, nhà ba người dễ chết chung lắm!".


 

 Bà Bùi Thị Tân miêu tả chuyện được cứu
Bà Bùi Thị Tân miêu tả chuyện được cứu



Do nằm cách bờ sông chừng trăm mét nên nước sông Trà Bồng hôm đó tràn vào xóm Soi như thác. Nhà trên của ông Hiền ngập cao hơn cái máng, còn nhà dưới dù nền nhà cao hơn, ông kê một đoạn gỗ trên miệng cái thùng phuy rỗng bị thủng nhưng nước vẫn ngập ngang người. Ông Hiền cùng vợ, bà Bùi Thị Tân (61 tuổi) bảo nhau: thôi thì đồ đạc trôi mấy cũng được, miễn là người sống.

Bà leo lên gác xép có sàn bằng ván cây ghép lại. Còn ông thì cố đưa con gái 15 tuổi tên Hồ Thị Như, bị bệnh tâm thần, lên chõng tre để kéo lên gác xép. Hai vợ chồng sức yếu, kéo con lên không được, bà đành leo từ gác xép xuống nền nhà, nước đã lút tận cổ. Ông Hiền lúc ấy cố dìu con gái lên mặt thùng phuy, một tay ôm con chặt vào lòng, một tay bấu vào gạch gió để giữ thăng bằng khi con nước tràn vào chao đảo.

"Con bé cứ cựa quậy hoài, tui cố hơn 30 phút thì rã rời. Bà vợ tui thì kiễng chân cố đi ra ngoài hiên kêu cứu. Có chết thì ba người chết chung. Lúc này tui chua chát nghĩ trong lòng vậy", ông Hiền kể.

Cả nhà ông Hiền đang tuyệt vọng thì hai vợ chồng anh Quả đưa thuyền đến. Cả ba người trong nhà ông Hiền được dìu xuống ghe. Vậy là sống. "Hóa ra, con gái tui sống ở trên Kon Tum, gọi tui hoài không được nên gọi qua số của vợ chồng cháu Quả. Nói thật, nếu chừng 30 phút nữa không ai cứu, tui không bị nước cuốn thì cũng lạnh chết cóng, vì ngâm lâu trong nước lạnh", ông Hiền nói. Ông xoay qua bên vợ bảo: "Hôm nào tui và bà sang nói tiếng phải tiếng không với vợ chồng cháu Quả. Nó cứu cả nhà mình mà mình thì lu bu dọn lũ miết. Dở quá!".

 

 Rác còn bám trên dây điện ở xóm Soi
Rác còn bám trên dây điện ở xóm Soi



"Đã làm người thì phải cứu người vậy thôi"

10 giờ sáng ngày 5.11 là lúc lũ đạt đỉnh ở xóm Soi, thôn Tân Phước, xã Bình Minh. Nay về lại rốn lũ này, thấy rác bám đầy trên các dây điện cao hơn 3m. Ấy vậy mà mấy người dân ở đây bảo: nước lũ còn cao hơn dây điện này hơn 1m nữa.

Nhà vợ chồng Quả có gác xép cao ráo, đổ bê tông hẳn hoi. Gần trưa 5.11, khi dọn đồ đạc và đưa hai đứa con (16 tuổi và 11 tuổi) lên gác xép xong, hai vợ chồng anh Quả lật đật lội qua căn nhà bị ngập nửa vách để cứu 2 con bò của một người hàng xóm bị trôi.

Tìm mãi không thấy bò, hai vợ chồng buồn bã chèo ghe về. Giữa đường, nghe bà con gọi í ới. "Trời mưa lắm, tiếng gọi kêu cứu, tiếng mưa liên tục, rất sốt ruột", Quả kể. Rồi hai vợ chồng anh ghé qua nhà ông Hiền, cứu 3 người đưa về gác xép gia đình, đưa đồ ấm cho họ thay rồi chèo ghe đi cứu người tiếp.

Gia đình thứ hai được cứu là hai vợ chồng bà Huỳnh Thị Ninh. Lúc ghe vợ chồng anh Quả đến, nhà Ninh ngập đến nóc. Hai vợ chồng bà Ninh ướt cóng, phải lật ngói chui ra từ mái nhà mới lên ghe đi được. Đêm ấy, hai gia đình nói trên tá túc ở gác xép nhà vợ chồng Quả. Họ được gia chủ cho ăn uống, thay đồ ấm nghỉ ngơi, sáng hôm sau khi nước rút thì được chèo ghe đưa về nhà.


 

 Đoàn viên thanh niên giúp dân xã Bình Minh dọn vệ sinh đường giao thông xã
Đoàn viên thanh niên giúp dân xã Bình Minh dọn vệ sinh đường giao thông xã



Chiều 5-11, thấy ghe nhỏ quá không dám xông pha, để vợ ở nhà, Quả dùng ghe lớn của xóm đi cùng ông Năm Long và ông Hiếu hàng xóm tiếp tục hành trình cứu người trong lũ. Đoạn đường 500 mét đưa hàng chục người qua lại trên dòng lũ, tay chân của Quả tê rần. May mà quen nghề sông nước và sức khỏe tốt, Quả mới vượt qua được những giờ phút vật lộn với dòng nước dữ.

Tôi nhờ anh Quả đưa ra xem chiếc ghe. Men lối mòn sình lầy, tôi đến tận bến nhỏ nơi Quả đậu ghe của mình. Chiếc ghe này cũ quá, bằng nhôm và hai vợ chồng anh nông dân này đã đóng và dùng hơn 10 năm nay. "Hết ruộng đồng, em xuống ghe đánh lưới. Người quê em là vậy, làm ơn và cứu người nhẹ như không. Đã làm người thì phải cứu người vậy thôi. Dù người đó quen hay không, có thù hay không cũng cứu", Quả nói hiền lành.

Lúc tôi ra về, đến ngõ, Quả còn theo chân tôi dặn: "Có viết báo thì anh đừng viết quá lên nhé. Em dị lắm!".

Phạm Anh (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm