Phóng sự - Ký sự

Kỳ 1: Khai hoang vỡ đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đất nước có những thành phố bên sông có tuổi đời hàng trăm năm, mang bản sắc văn hóa mà khi nhắc đến như một đại diện cho quê hương xứ sở.

Cũng theo sự cắt nghĩa đó, Lao Bảo, thành phố bên sông Sê Pôn ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng vậy dù “thâm niên” chỉ có vài chục năm. Và chỉ một nửa dòng sông, nửa dòng bên kia thuộc biên giới Lào. Nhưng khát vọng vươn lên trong hội nhập quốc tế thì cả một trái tim nguyên vẹn!

Những ngày vỡ đất khai hoang, tiếng bom nổ diễn ra như cơm bữa. Sau những tiếng nổ kinh hoàng đó là những tang thương. Người ta bỏ cuốc, bỏ cày lao theo tiếng nổ ấy để nhận diện xem có phải là người thân của mình hay không. Ở cái xóm kinh tế mới có vẻn vẹn hơn hai chục ngôi nhà, cùng nhau tha phương từ làng quê, tối sớm có nhau; chia nhau củ sắn, miếng khoai thì cái tình thân ở chốn hoang sơn này có thua gì máu mủ!

 

Thị trấn Lao Bảo bây giờ nhìn từ trên cao.
Thị trấn Lao Bảo bây giờ nhìn từ trên cao.

Nhân chứng sống vông đồng

Trong những ngày hè oi bức. Để trốn cái nắng như rang đám học trò ở vùng biên ải thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) thường ngồi dưới những tán cây vông đồng trong khuôn viên di tích nhà đày Lao Bảo để học bài. Những tán vông đồng như chiếc ô che cả khoảng trời bình yên. Và trong những lúc nhắm mắt miên man theo bài học lịch sử, trong cái thinh lặng của chốn thâm nghiêm nghe lách tách những trái vông đồng rơi trên nền lá. Tiếng rơi ấy như tiếng thì thầm của lịch sử...

Về sự hình thành của vùng đất biên giới Lao Bảo, có lẽ cây vông đồng là “nhân chứng” đầu tiên và mãi đến bây giờ. Năm 1622, Chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh Ai Lao để coi giữ vùng đất biên giới phía Tây Quảng Trị.

Đến năm 1883, vua Minh Mạng hạ lệnh đắp dinh Ai Lao và đổi tên thành Bảo Trấn Lao với chu vi chín mươi trượng, cao sáu thước, mở hai cửa có năm mươi lính đóng quân. Cho đến năm 1908, thực dân Pháp đã dựa trên khuôn viên của dinh Bảo Trấn Lao để lập nên nhà tù khét tiếng ở Đông Dương, gọi là nhà đày Lao Bảo.

Địa điểm lập dinh nằm ngay trên làng Bảo, làng người Vân Kiều, chỉ vẻn vẹn chục ngôi nhà đơn sơ với những rẫy sắn và lúa. Những cây vông đồng mọc tự nhiên bên dinh canh phòng thuở Chúa Nguyễn được giữ lại và phát triển. Từ đó đến nay gần 400 năm, những cây vông đồng nảy chồi, lan dần tạo nên một rừng cây như ngày nay.

Từ bước chân đầu tiên của đội quân Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đến khi nhà tù khét tiếng do Pháp dựng lên, Lao Bảo được biết đến như chốn thâm sơn cùng cốc; chốn rừng thiêng nước độc mà con người đặt chân đến đó được xem như một đi không trở lại.

Bởi thế, tờ Đông Pháp thời báo số 755 ra ngày 11.8.1928 có bài bàn về "Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Lôn (Côn Đảo)" của Phan Khôi trong đó ông cắt nghĩa hai chữ "bị’ hay ‘được’. “Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Lôn chứ không phải bị dời vô Côn Lôn". Bởi vì đày đi Lao Bảo là nơi gần hơn song không có ngày về, còn Côn Lôn là nơi xa hơn nhưng còn có ngày về.

Cái chốn khắc nghiệt tưởng chừng như bị thượng đế bỏ quên, đầy “ma ám” và lắm huyền tích thêu dệt dù nó chỉ cách đường Một chưa đầy trăm cây số. Cho đến một ngày sau khi tiếng súng vừa dứt, những nam thanh nữ tú, gia đình nhiều con cái của các xã ở vùng đồng bằng huyện Triệu Phong với hành trang là lòng nhiệt huyết và niềm vui nước nhà thống nhất đã chung lưng đấu cật biến nơi bạt ngàn lau sậy, hoang liêu  thành “đô thị vàng” sau gần nửa thế kỷ.

 

Những cây vong đồng có tuổi đời hàng trăm năm ở nhà tù Lao Bảo.
Những cây vong đồng có tuổi đời hàng trăm năm ở nhà tù Lao Bảo.

Nhặt bom trên những luống cày

Ngồi bên quán trà trên con đường mang tên nhà chí sỹ Lê Thế Tiết, người bị giam cầm tại nhà tù Lao Bảo trong những năm 1930 và hi sinh tại nơi này vào năm 1940, ông Đặng Quang Giải (70 tuổi ở khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo) sờ lên vết sẹo ở ngực phải bồi hồi nhớ về những ngày đi “xăm bom”, vỡ đất.

Đó là mùa hè năm 1975, những thanh niên xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) theo tiếng gọi của Đảng xung phong đi kinh tế mới ở vùng lam sơn chướng khí Lao Bảo. Hào khí hừng hực khắp thôn xóm, cứ mong đến ngày đi tới vùng đất hứa ở nơi biên ải.

“Lúc chúng tôi đặt chân đến đây chỉ có vài ngôi nhà của người Vân Kiều sống lẻ loi, lưa thưa trải dài dọc sông Sê Pôn. Có lẽ hố bom nhiều hơn những nóc nhà. Khắp nơi bạt ngàn lau lách và cây cổ thụ. Đêm ngủ tạm nhà dân bản còn nghe rất rõ tiếng thú đi ngoài cửa sổ”, ông Giải cho hay.

Để có những thước đất canh tác đầu tiên, người dân cùng bộ đội, dân quân du kích đã cùng đi “xăm bom”. Mỗi người cầm một chiếc gậy, có đầu nhọn làm bằng kim loại. Cứ thế dàn hàng ngang. Mỗi hàng chừng chục người. Cứ thế mà bước đi, vừa đi vừa chọc cây gậy xuống đất. Nếu gặp kim loại thì đánh dấu để đào.

Thường thì bên cạnh những khu đất vừa xăm xong sẽ có một đống bom, đạn các loại ở bên cạnh. Đất vừa xăm xong sẽ giao lại cho các hộ gia đình canh tác. Có khi trên những luống cày đầu tiên bom lại trồi lên. Và cứ thế, người dân vẫn điềm nhiên, vô tư nhặt lên như nhặt một củ khoai vùi trong đất.

“Như mọi ngày, tôi cuốc đất để trồng sắn ở khoảnh đất bên nhà. Mới cuốc được vài nhát thì một tiếng nổ long trời. Một quả bom bi vừa nổ chát chúa, mảnh của nó găm vào ngực phải của tôi phía gần bả vai. Sức ép của quả bom làm cho mắt trái của tôi mờ hẳn. 3 tháng nằm bệnh viện và nhiều năm sau tôi mới phục hồi và cầm cuốc làm việc”, ông cho biết.

Với cách rà phá bom mìn bằng gậy xăm xuống đất như thể mò kim đáy bể. Để có “đất sạch” thì ít nhiều phải trải qua vài ba mùa vụ, khi đất được cày xới nhiều lần. Mỗi lần cày là một lần phát hiện bom mới. Nhưng để có mỗi mét vuông đất sạch thì máu, xương phải đổ xuống. Trong lịch sử khai hoang mở cõi và cải hóa đất đai, có lẽ sự gan lỳ, dũng cảm của những người Quảng Trị đã làm cho đất trời lung lay?

Những ngày vỡ đất khai hoang, tiếng bom nổ diễn ra như cơm bữa. Sau những tiếng nổ kinh hoàng đó là những tang thương. Người ta bỏ cuốc, bỏ cày lao theo tiếng nổ ấy để nhận diện xem có phải là người thân của mình hay không.

Ở cái xóm kinh tế mới có vẻn vẹn hơn hai chục ngôi nhà, cùng nhau tha phương từ làng quê, tối sớm có nhau; chia nhau củ sắn, miếng khoai thì cái tình thân ở chốn hoang sơn này có thua gì máu mủ!

Những con người không may mắn đã vĩnh viễn nằm xuống trên những luống cày của vùng đất hứa mà chưa kịp nhận thấy màu xanh của thành quả ở vùng kinh tế mới Lao Bảo này rất nhiều. Như ông Nguyễn Đức Viện ở khóm Cao Việt, bà Trần Thị Tâm ở khóm Duy Tân, ông Nguyễn Văn Du ở khóm An Hà...

 

Ông Đặng Quang Giải kể lại những năm đầu lên vùng kinh tế mới.
Ông Đặng Quang Giải kể lại những năm đầu lên vùng kinh tế mới.

Làm thuê cho... đồng bào thiểu số

Khi lương thực nhà nước cấp 3 tháng đã hết. Cái đói ập đến sau khi những cây sắn, cây khoai chỉ vừa kịp bén đất nảy mầm. Những năm khai hoang vùng đất hứa, người Pa Cô, Vân Kiều ở vùng đất Lao Bảo như bản Khe Đá, Ka Tăng, Ka Túp được xem như “địa chủ” trên những rẻo núi cao. Họ đã định cư ở đây hàng trăm năm. Người đồng bào quen sống với núi đá, hơi sương, sốt rét... nên đời sống của họ dù không giàu có nhưng cũng không đứt bữa như người anh em dưới xuôi lên.

Một điều có thể nói là “may mắn” cho người Vân Kiều khi nền kinh tế tập thể - hợp tác xã ở vùng kinh tế mới Lao Bảo diễn ra thì họ không tham gia (có thể do một số lý do nào đó) nên gạo sắn dư dã, có cái cất trữ. Do đó, người dân ở các tập đoàn sản xuất khi hoàn thành phần việc của mình mà muốn có thêm thu nhập thì phải đi làm chui cho người Vân Kiều.

Thậm chí, có gia đình phải lội sông Sê Pôn qua tận Lào để phát rẫy, dọn cây nhằm kiếm cơm ăn qua ngày đoạn tháng, cầm hơi đợi những chuyến “viện trợ” từ người thân ở đồng bằng lên thăm.

“Các thôn như Tân Kim, Duy Tân thì lên rẫy làm thuê cho các hộ ở bản Ka Túp; thôn Cao Việt thì làm ở bản Ka Tăng, Khe Đá. Cứ một ngày công là một giăng lúa (1 giăng khoảng 30 lon lúa). Nếu không lấy lúa thì có thể lấy sắn, lấy khoai.” – ông Giải cho biết.

Chính vòng tay đùm bọc của người đồng bào ở núi cao đã giúp người miền xuôi qua cơn bĩ cực. Những đùm lúa, đùm khoai và rau rừng có khi như “cho vay” một cách vô điều kiện từ tấm lòng trong sáng như nước sông Sê Pôn.

Ngoài làm thuê cho người đồng bào anh em, người dân kinh tế mới tìm mọi cách để bám trụ ở vùng đất này. Chính bom đạn, đói rét không làm họ nao núng mà còn giúp họ nghĩ ra những cách kiếm tiền, kiếm gạo bằng cách này hay cách khác. Khi nhưng rẫy sắn, nương khoai hay những tấm ruộng ít ỏi ở dọc khe suối chưa thu hoạch được, họ cùng nhau qua Lào, lùng sục trong những cánh rừng già dọc hai bên đường 9 để tìm xác máy bay. Vốn bản tính thông minh và lanh lợi họ mua vàng, nhôm từ xác máy bay gùi về Khe Sanh, Đông Hà bán. Lấy số tiền lời ấy, họ lại “bay” qua Lào cõng lương thực về chia nhau.

Có lẽ những chuyến giao dịch mua bán tự phát ấy đã mở đầu cho ngành xuất nhập khẩu của hai nước Việt - Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sau này?

Yên Mã Sơn/laodong

Có thể bạn quan tâm