(GLO)- Lời Tòa soạn: Người Jrai theo chế độ mẫu hệ. Có lẽ vì vậy mà nhiều vùng vẫn tồn tại tục lệ: Sau khi vợ chết, người đàn ông gần như không còn trách nhiệm gì với phía nhà vợ. Trước đây, khi còn tục “nối dây”, nếu phía vợ còn chị em gái chưa chồng thì người đàn ông sẽ cưới để tiếp tục “ở rể”, cùng chăm lo con cái. Nếu không, gia đình vợ sẽ “trả” con rể về. Khi người đàn ông ra đi, hầu như toàn bộ tài sản đều để lại cho con cái. Nhưng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ: Mất mẹ cũng có nghĩa là không còn cha. Khoảng trống để lại từ tục lệ này khiến cho bao người xót xa, trăn trở.
“Mồ côi cha ăn cơm với cá/Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”-câu ca ấy đã lưu truyền từ lâu trong dân gian, nói về nỗi thiệt thòi chung của những đứa trẻ mồ côi mẹ. Với những đứa trẻ Jrai ở một số vùng trên địa bàn tỉnh, thực tế này còn khắc nghiệt hơn nhiều.
Gánh nặng tục lệ
Chúng tôi tìm về vùng “chảo lửa” Krông Pa và trên đường đưa P.V đến thăm một số gia đình, ông Ksor Ngak-Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-chuyện trò: “Với người dân nơi đây, tài sản có giá trị là đất ở, đất sản xuất, bò… Nhưng khi vợ chết, người đàn ông không được chia con bò nào, mảnh đất nào. Chỉ một số người được nhà vợ thương, chia cho ít của cải. Nhiều ông chồng đã đi rồi là không quan tâm gì đến con cái nữa. Những đứa trẻ không được cha mẹ chăm nom sẽ phát sinh nhiều gánh nặng cho xã hội như: học hành không đến nơi đến chốn, hư hỏng, sa vào tệ nạn…”.
Theo ông Ngak, ngoài ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ, phía nhà gái cũng có lý do để không giao cháu cho con rể nuôi dưỡng là bởi lo sợ anh ta sa đà vào rượu chè, không thể quan tâm chăm sóc con cái chu đáo.
Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà sàn của bà Ksor H’Mun (55 tuổi, tổ 7, thị trấn Phú Túc). Giữa trưa, đứa cháu mới 2 tuổi mất mẹ đang rúc vào bầu ngực nhăn nheo của bà hòng kiếm tìm giấc ngủ. Trong ngôi nhà trống huơ đượm vẻ hiu quạnh, bà H’Mun vừa ôm cháu dỗ dành, vừa buồn rầu cho hay: Con gái bà là Ksor H’Ber (SN 1994) mất vào tháng 2-2020 trong lúc chuyển dạ sinh đứa con thứ 2. Khi được đưa từ nhà rẫy ở sát chân núi Chư Mố đến bệnh viện, H’Ber đã không qua khỏi do bục vết mổ cũ. Các bác sĩ chỉ cứu được con.
Bà Ksor HMun (tổ 7, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) ngổn ngang nỗi lòng khi con gái vừa mất thì con rể đã bỏ đi, để lại cho bà 2 đứa cháu còn quá nhỏ. Ảnh: Phương Duyên |
Nói rồi, bà H’Mun thở dài: Từ lúc lấy nhau cho đến khi H’Ber chết, vợ chồng con gái bà không có tài sản chung. Sau khi chôn cất vợ, thay vì phải ăn nhà mả xong (1 tháng sau) mới về lại nhà cha mẹ thì con rể là Kpă Sor đã bỏ đi ngay, đến giờ chưa một lần về thăm con. Nhà nội ở xã Chư Ngọc cũng không thấy lui tới. Giờ đây, cháu lớn là Ksor H’Nhiu được bà chăm sóc; đứa nhỏ hơn là Ksor H’Gua được dì ruột nuôi dưỡng. Trong khi đó, gia cảnh bà cũng chẳng khá giả gì. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các nhà hảo tâm đã phải hỗ trợ gia đình nhiều mặt, đồng thời vận động gửi tiết kiệm được 40 triệu đồng.
Rời nhà bà H’Mun, chúng tôi tiếp tục ghé thăm một gia đình ở buôn Blak (xã Ia Rmok). Chị gái đi vắng nên bà Alê H’Tơn (60 tuổi) thay mặt tiếp chuyện. Không chồng con, bà sống cùng người chị và các cháu. Giọng đôi khi gay gắt, bà H’Tơn kể lại: Cháu gái bà là Alê H’Jur (SN 1989) qua đời cách đây 5 năm do đau ốm, để lại 3 đứa con. Hiện đứa lớn nhất học lớp 8, đứa nhỏ nhất lớp 1. Mẹ mất, cả 3 khóc mãi mới nguôi nỗi buồn nhớ. Ngay sau khi đưa tang vợ, cha các em là Ksor Cheh liền quay về nhà chị em ruột ở buôn Thêm (xã Phú Cần) và không một lần trở lại thăm nom. Ba anh em cứ thế lớn lên trong tình yêu thương của những người thân còn lại.
“Đất vườn, đất rẫy mà hai vợ chồng sản xuất đều của phía vợ, không có tài sản gì chung nên không chia của cho Cheh. Trước đó, Cheh cũng hay rượu chè, không quan tâm nhiều đến vợ con”-bà H’Tơn nói. Cả 3 đứa trẻ đều đi học, không có nhà nên chẳng thể hiểu nỗi lòng chúng ra sao, khoảng trống mà chúng đối mặt lớn đến nhường nào khi hoàn toàn thiếu vắng hơi ấm mẹ cha…
Nói về những trường hợp trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa bức xúc cho rằng, không những bị chi phối bởi tục lệ mà những người đàn ông nói trên còn quá vô tâm. Vì trên thực tế, sau khi về lại nhà cha mẹ, một số người vẫn lui tới thăm con và dành sự quan tâm nhất định.
Những khoảng trống
Ông Ksor Yin-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:“Gần đây, tôi về lại một số vùng, nhất là vùng Đông Nam tỉnh, vẫn thấy tình trạng này còn tương đối phổ biến. Những đứa trẻ đã mất mẹ, nay lại không có cha thì càng chới với. Người đàn ông cũng thiệt thòi vì ra đi tay trắng (trừ những người chưa có tài sản riêng) nên không có điều kiện chu cấp cho con cái. Nếu không tuyên truyền và có giải pháp hiệu quả thì tục lệ này khó mà thay đổi”. |
Không phải là tất cả song hầu hết trẻ em có hoàn cảnh mẹ chết, bố đi lấy vợ khác mà chúng tôi gặp đều lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất, hụt hẫng về tình cảm, nhận thức... Nhà ngoại dù có quan tâm, bù đắp nhưng vẫn không thể thay thế được vai trò của người cha, người mẹ. Huống hồ, đa phần ông bà chúng đều đã lớn tuổi, lại nghèo khó nên cuộc sống của các em cũng chẳng thể đủ đầy.
Trong ngôi nhà cũ mái tôn rách lỗ chỗ, chị Rơ Mah Blin (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) buồn rầu khi nhắc về cái chết của chị gái Rơ Mah Blý cách đây 7 năm. Theo lời kể của chị Blin, chị Blý bị nhiều bệnh kéo dài suốt 3 năm trước khi chết. Gia đình chị gái nghèo, không có đất sản xuất nên bố mẹ phải vay mượn nhiều nơi, nhiều người để thuốc thang. Chị Blý qua đời vài hôm thì anh rể cũng bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng Tung (cùng xã), để lại 2 đứa con cho phía ngoại. Ông bà ngoại đều đã lớn tuổi, thu nhập chỉ trông vào 5 sào điều, lúa, lại đang mắc nợ nhiều người vì chữa bệnh cho con gái nên càng nặng gánh khi phải nuôi thêm 2 đứa cháu.
Chị Blin chia sẻ: “Cháu Khan học đến lớp 6 thì nghỉ, còn San không chịu đi học nữa. Ông bà đưa đến lớp xong quay trở về thì San cũng chạy theo, động viên mãi cũng không chịu. Nó bảo chỉ thích theo ông bà vào ở trong rẫy điều thôi”.
Vì lao lực nên ông bà ngoại của Khan, San thường xuyên đau bệnh, việc chăm sóc 2 đứa cháu giao lại cho vợ chồng chị Blin. Nhưng thật không may, gần 3 năm trước, chồng chị Blin cũng mất vì bạo bệnh, để lại người vợ trẻ cùng 2 con. Giờ đây, mọi gánh nặng đều dồn hết lên vai người phụ nữ chưa đầy 30 tuổi. Ngoài công việc chính là công nhân khai thác mủ cao su của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), chị còn tất tả làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
“Anh rể lấy vợ khác ở làng Tung, thỉnh thoảng cũng ghé nhà chơi với 2 cháu rồi về chứ không phụ giúp kinh tế. Mình phải lo hết nên nhiều lúc đau ốm không dám nghỉ, vì sợ không có tiền lo cho cả nhà. Cũng buồn vì 2 đứa cháu lớn rồi nhưng chưa hiểu chuyện, đòi hỏi ông bà đáp ứng nhiều thứ ngoài khả năng”-chị Blin buồn rầu.
Kpă Nhiên (làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) và cậu em út Kpă Chiu trong ngôi nhà trống trước, trống sau. Ảnh: Phương Dung |
Hoàn cảnh của 3 chị em Kpă Nhiên (làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cũng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chuyện xảy ra khi cô bé Nhiên mới 11 tuổi. Giờ đây, em đã bước sang tuổi 18 và đã làm mẹ. Nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt Nhiên đượm buồn xa xăm. Mẹ mất vì đau bệnh, Nhiên cùng các em là Kpă Chinh (6 tuổi), Kpă Chiu (4 tháng tuổi) dọn về sống với bà ngoại, cậu ruột ở cùng làng. Ba chị em lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người thân bên ngoại nhưng cả Nhiên và Chinh đều chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ. Năm 16 tuổi thì Nhiên đã “bắt chồng”.
Vợ chồng Nhiên trồng có 1 sào lúa, mỗi vụ thu khoảng 15 bao và vay mượn người thân trồng 300 cây cà phê trên diện tích đất bố mẹ để lại. Cuộc sống khó khăn nên ngôi nhà của gia đình Nhiên trống huơ trống hoác từ trước ra sau. Ngay cả gạo, mắm cũng mua từng bữa. Hỏi về cuộc sống sau này của 3 chị em, Nhiên không dám nhìn người đối diện mà chỉ cúi mặt xuống rồi nói: “Em cũng không biết nữa!”.
Tương tự, câu chuyện của 4 bà cháu ở làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê) mà Báo Gia Lai đã từng phản ánh cũng phần nào khắc họa những khoảng trống của tục lệ. Con gái Siu Hoet chết năm 2013, con rể bỏ đi biệt tích, một mình bà Siu A Yoai (SN 1955) phải gồng gánh nuôi 3 đứa cháu ngoại: Siu Thăm (SN 2006), Siu Nam (SN 2009), Siu H’Than (SN 2012). Chỉ có 1 sào lúa rẫy nên cuộc sống của 4 bà cháu vô cùng khó khăn, 3 đứa trẻ đều suy dinh dưỡng, còi cọc so với bạn bè cùng trang lứa. Thương các cháu, bà cứ lầm lũi hết đi làm thuê cho người dân quanh vùng, lại đi lượm lặt ve chai, chặt củi về bán lấy tiền mua gạo. Nhưng số tiền ít ỏi ấy cũng chẳng đủ để 4 bà cháu có những bữa cơm no...
PHƯƠNG DUYÊN-PHƯƠNG DUNG