Phóng sự - Ký sự

Kỳ 2: Mưu sinh nơi đất khách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cũng vì nhu cầu chẳng đặng đừng “cơm áo gạo tiền” mà hàng ngàn người dân Gia Lai đổ vào các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với hy vọng có được việc làm và thu nhập ổn định. Nhưng cuộc sống nơi đất khách vốn chẳng dễ dàng lại càng thêm khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát.
Chật vật mưu sinh
Ngồi bên thềm nhà nhìn ra màn mưa trắng xóa, chị Kpă Seng (làng Bak Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) nhớ lại: “Mình đi Bình Dương làm được 2 tháng. Lúc về đến Gia Lai, mình thì đi cách ly tập trung, còn tiền taxi người nhà phải vay mượn để trả”. Năm 2018, vợ chồng chị Seng mượn 10 triệu đồng để sửa lại căn nhà ọp ẹp. Nhà đã sửa nhưng lấy tiền đâu để trả nợ trong khi không đất đai, không ruộng vườn, thu nhập từ việc làm thuê lại quá bấp bênh. Vì vậy, vợ chồng chị cùng em gái quyết định vào Bình Dương xin làm công nhân trong khu công nghiệp. 
Gửi 2 con cho chị cả chăm sóc, vợ chồng chị dẫn theo cậu con trai út gần 4 tuổi đi cùng. Đúng với suy nghĩ của vợ chồng chị, Bình Dương là vùng đất không thiếu việc để làm, từ bảo vệ, công nhân giày da đến xưởng gỗ, xí nghiệp may… cứ xin là được. Nhưng ngược lại, các khu nhà trọ quanh khu công nghiệp đều chật chội, nóng nực và mọi chi phí đều đắt đỏ. “Trong đó chỉ mua quần áo là rẻ thôi còn chi phí khác đều cao lắm! Đi cả gia đình nên mình phải mua sắm từ chăn màn, chiếu đến xoong nồi, chén bát và hết sạch tiền mang theo”-chị Seng trải lòng. Xin vào làm công nhân xưởng gỗ, mỗi ngày, vợ chồng chị rời nhà trọ từ 6 giờ sáng đến hơn 8 giờ tối mới trở về. Lương mỗi người được 5 triệu đồng/tháng. Ngoại trừ những chi phí bắt buộc: tiền nhà trọ 2,2 triệu đồng/tháng, tiền gửi con 1,5 triệu đồng/tháng, số lương còn lại vợ chồng chị chi tiêu dè xẻn hết mức để sớm trả được nợ. 
Sau 2 tháng mưu sinh nơi đất khách, khi về đến làng, gia đình chị Kpă Seng (làng Bak Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) phải vay tiền người thân để trả tiền thuê xe taxi. Ảnh: Phương Dung
Sau 2 tháng mưu sinh nơi đất khách, khi về đến làng, chị Kpă Seng (làng Bak Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) phải vay tiền người thân để trả tiền thuê xe taxi. Ảnh: Phương Dung
Làm được 1 tháng, vì nhớ con nên vợ chồng chị đón 2 đứa ngoài quê vào ở cùng. Bố mẹ đi làm, 3 đứa trẻ ở nhà tự nấu ăn, tắm giặt, chăm sóc lẫn nhau. Cuộc sống khó khăn song vợ chồng chị cũng tạm hài lòng, vì dù sao cũng có công việc, có thu nhập để trang trải. Vợ chồng chị dự định làm đến Tết sẽ dành dụm đủ tiền trả nợ, dư ra một chút sẽ mua sắm thêm cho con vài bộ quần áo mới và năm sau rủ thêm người thân đang không có việc làm ở quê vào cùng. Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã chấm dứt mọi dự định. Chưa kịp nhận tháng lương thứ 2, vợ chồng chị phải vội vã đưa con trở về quê tránh dịch. Không có xe máy, cũng không mua được vé xe khách, vợ chồng chị gọi điện thoại cầu cứu người thân. “Mấy chị em ở nhà lo lắng không sao ngủ được, còn bao nhiêu tiền gom hết lại rồi mượn cho đủ 6 triệu đồng để thuê taxi đưa gia đình chị Seng về. Về đến làng, bàn giao đồ đạc xong, tài xế mới lấy tiền, may quá”-chị Kpă Soan (em gái chị Seng) nhắc lại. Từ ngày về, vợ chồng chị không tìm được việc làm phù hợp, nợ mới, nợ cũ cứ chồng lên nhau. Chưa kể, gạo ăn hàng ngày cũng phải nhờ người thân hỗ trợ.
Trước khi tỉnh Bình Dương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh Klui (làng Groi Vết, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã thất nghiệp do Công ty Rochdale Spear tạm ngưng hoạt động. Anh và vợ chồng người em họ quanh quẩn trong phòng trọ chưa đến 20 m2 với hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế như những lần trước. 10 ngày trôi qua, số tiền lương 14 triệu đồng mới nhận chưa kịp gửi về quê của 3 anh em đều hết. “1 kg su su ở làng mình có thể xin được, nhưng trong này giá tới 40 ngàn đồng. Muốn mua gạo, mắm đều phải nhờ chủ dãy trọ chứ mình đâu ra ngoài được”-anh Klui nói. Tiền hết, việc không có, số ca mắc Covid-19 ngày càng nhiều, cả 3 không dám nấn ná thêm đành khăn gói về quê.
Đã thấm thía cảnh khổ khi tha hương, nhất là lúc đau ốm không người chăm sóc, dịch bệnh không nơi nương tựa, song khi hỏi về dự định tương lai, anh Klui vẫn chọn rời quê. Bởi theo anh, công việc đóng gói, vận chuyển hàng hóa trong kho phù hợp với sức khỏe, độ tuổi ngoài 40 của mình. Hơn thế, chỉ có thể xa quê làm công nhân, có nguồn thu nhập ổn định thì số nợ 80 triệu đồng của gia đình mới trả được. “Mình có 3 đứa con gái, 1 đứa đã lập gia đình. Cà phê chia bớt cho con rồi, giờ chỉ còn 400 cây. Năm ngoái, mình vay 80 triệu đồng mua thêm 6 sào đất trồng cà phê để sau này có cái chia cho con khi chúng “bắt chồng” ra ở riêng. Mình còn sức khỏe, định đi làm công nhân chừng 1 năm sẽ gom đủ tiền trả nợ, sau này đất đai của mình rồi cứ thế canh tác. Thế nhưng...”-anh Klui buông tiếng thở dài.   
Bà Kpui H’Blê (thứ 2 từ trái qua)-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thăm hỏi tình hình kinh tế, cuộc sống của các công dân trở về quê tránh dịch. Ảnh: Phan Lài
Bà Kpui H’Blê (thứ 2 từ trái sang)-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thăm hỏi tình hình cuộc sống của các công dân trở về quê tránh dịch. Ảnh: Phan Lài
Dùng dằng ở-đi 
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 9 tháng năm 2021: Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là trên 17 tỷ đồng, hỗ trợ cho 2.517 đơn vị, doanh nghiệp với 44.206 người lao động. Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 4.455 lao động với số tiền gần 6,7 tỷ đồng và đã chi trả cho 3.587 lao động với số tiền gần 5,4 tỷ đồng.
Mặc dù đã trở về nhà an toàn nhưng chị Lê Thị Duyên (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) vẫn không khỏi lo âu khi chồng đang mắc kẹt tại tỉnh Đồng Nai. Như nhiều gia đình, năm 2012, cùng với số tiền 120 triệu đồng tích cóp trước đó, vợ chồng chị quyết định vay ngân hàng thêm 250 triệu đồng để đầu tư trồng 2.500 trụ hồ tiêu. “Vườn hồ tiêu phát triển xanh tốt, đến năm 2015 thì cho thu bói. Vợ chồng khấp khởi trong lòng vì nếu hồ tiêu được mùa, được giá, chẳng mấy chốc gia đình sẽ có thu nhập để trả nợ, tích lũy. Ai ngờ, năm 2016, vườn hồ tiêu bị thối rễ, rụng lá, cây khô héo hết dù tôi đã tìm đủ cách cứu vãn”-chị Duyên buồn rầu kể.
Từ một “triệu phú” hồ tiêu, bỗng chốc gia đình chị rơi vào cảnh nợ nần. Đất sản xuất bán không ai mua, nợ thì mỗi lúc một tăng, 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học cần nhiều chi phí… Không còn cách nào khác, năm 2017, gia đình chị quyết định rời quê vào miền Nam tìm việc làm. Anh chị dẫn theo cậu con trai út mới hơn 1 tuổi, còn 2 đứa con đang theo học THPT thì gửi ông bà nội nhờ chăm sóc. Ở TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chị Duyên làm việc cho công ty giày da An Khánh với thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng, chồng thì làm phụ hồ với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, vợ chồng chị đặt ra mục tiêu dành dụm 3-4 triệu đồng gửi về quê. Vì thế, chị Duyên luôn cố gắng dè sẻn chi tiêu, giảm mức chi phí sinh hoạt hàng ngày. Năm 2019, sau khi học xong THPT, 2 người con của anh chị cũng xin vào làm cho công ty điện tử ở Dĩ An với mức lương 5 triệu đồng/tháng những mong phụ giúp cha mẹ trang trải nợ nần.
 Chị Lê Thị Duyên (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) lo lắng vì chồng đang mắc kẹt tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phan Lài
Chị Lê Thị Duyên (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) lo lắng vì chồng đang mắc kẹt tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phan Lài
Dịch bệnh bùng phát, công ty đóng cửa, gia đình chị Duyên buộc phải thắt chặt chi tiêu, cầm cự qua ngày. Khi dịch bệnh kéo dài, chị Duyên lo lắng cho sức khỏe của cả gia đình bởi phòng trọ thì chật chội, nguy cơ lây nhiễm cao. Hết đường xoay xở, cũng như hàng ngàn gia đình tha hương khác, gia đình chị kéo nhau trở về quê. Nhưng về bằng cách nào khi cả nhà chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng và phương tiện duy nhất là chiếc xe máy? Cuối cùng, chị nhờ người thân gửi xe máy từ Gia Lai vào để giảm bớt chi phí vé xe khách. Khi chồng đi theo công trình còn mắc kẹt ở tỉnh Đồng Nai, 4 thành viên chất hết đồ đạc lên 2 chiếc xe máy và bắt đầu hành trình trở về đầy nhọc nhằn. “Công ty thì đã đóng cửa, không có thu nhập mà ở lại phòng trọ thì tốn nhiều chi phí. Về nhà thì an toàn hơn, mình có sức khỏe thì còn cơ hội để làm việc”-chị Duyên tâm sự.
Hoàn thành cách ly theo quy định, trở lại cuộc sống bình thường song hàng ngày, chị Duyên vẫn theo sát thông tin dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh Đồng Nai vì chồng còn trong đó. Chị Duyên buồn rầu cho biết: “Tôi mới bán hơn 1 ha đất để trả nợ ngân hàng. Dịch bệnh ổn định, gia đình tôi chắc sẽ lại “Nam tiến”.
Cùng chung hoàn cảnh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội để vào tỉnh Đồng Nai làm công nhân. 2 năm làm việc, tiết kiệm chi tiêu, cuộc sống của vợ chồng chị cũng tạm ổn với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng từ việc làm gậy bóng chày. Làm việc tuy có vất vả nhưng vợ chồng chị có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm đầy đủ nên yên tâm gắn bó với công ty. “Xa con, vợ chồng tôi cũng nhớ lắm nhưng cố gắng vượt qua. Có điều kiện là vợ chồng tôi cố gắng tham gia tăng ca để thêm thu nhập. Mỗi tháng tằn tiện chi tiêu chỉ một nửa thu nhập, một nửa gửi về quê lo cho con”-chị Nhung trải lòng.
Những đợt dịch trước, ca nhiễm bệnh ít nên công ty vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động, chính quyền địa phương cũng tặng nhiều phần quà, nhu yếu phẩm để công nhân xa quê vơi bớt khó khăn. Cuối tháng 7-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, hàng xuất khẩu không được, công ty không chủ động được nguồn nguyên vật liệu nên dừng hoạt động, vợ chồng chị Nhung bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên, công ty vẫn cam kết khi hoạt động trở lại sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng lao động với vợ chồng chị Nhung. Vét sạch ví, 2 người cùng đi test nhanh Covid-19, mua thêm bánh mì, lương khô và nước uống rồi về quê.  “Trước đây, vợ chồng tôi đi xe giường nằm, lần này về bằng xe máy nhưng không biết đường. Chúng tôi hỏi dò rồi cứ nhập vào đoàn người cùng đi để tìm về quê”-chị Nhung chia sẻ.
Mặc dù đã yên ổn ở quê nhưng chị Nhung vẫn luôn canh cánh nỗi lo. Hàng tháng, chị phải trả 2 triệu đồng để giữ phòng trọ với hy vọng ngày được quay lại làm việc. “Chúng tôi về quê vì lo lắng dịch bệnh, lỡ gặp chuyện không may, 2 đứa con nhỏ lại bơ vơ. Về gấp nên chúng tôi chỉ kịp thông báo với cô chủ trọ khi nào hết dịch lại vào. Nhưng tình hình này chẳng biết bao giờ mới hết dịch để có thể yên tâm đi làm”-chị Nhung thở dài. Kế tiếp nỗi lo tiền phòng trọ là mối lo thất nghiệp kéo dài. Từ lúc trở về, vợ chồng chị không có tiền chi tiêu. “Trước mắt, ai thuê gì chúng tôi làm nấy để kiếm tiền trang trải hàng ngày, hết dịch sẽ lại vào Đồng Nai làm tiếp. Chấp nhận xa quê, xa con một thời gian nữa để có chút vốn liếng”-anh Phạm Văn Thương (chồng chị Nhung) cho hay. 
-------------------------------------------------------------
Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ để tạo việc làm
PHƯƠNG DUNG - PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm