Phóng sự - Ký sự

Kỳ 3: Bài học về trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở khu cách ly, tôi nghe rất nhiều lời phàn nàn đại loại như: “Cháu mà bị dương tính thì lây cho cả huyện rồi. Cháu đi nấu cỗ đám cưới, tiếp xúc với cả lãnh đạo huyện. Các ông ấy tiếp xúc với biết bao nhiêu người mà kể”; “Em đang ở rẫy thì họ kêu về. Ông xã đi theo công trình tận ngoài Bắc. Con cái đứa đi học, đứa công tác xa. Lên đây ăn rồi ngủ, việc nhà chẳng ai lo”; “Tôi về quê vào ở nhà cả chục ngày rồi còn bị bắt đi cách ly tập trung. Chắc họ sợ trách nhiệm”... Và cái câu “Chắc họ sợ trách nhiệm” cứ luẩn quẩn trong tôi.


“Nam ơi! Có quạt không cháu? Nóng quá bọn nhỏ không ngủ được”. “Dạ để cháu kiếm”.

“Nam ơi! Cho phòng này chai rửa tay”. “Vâng ạ”.

“Nam ơi! Cho cô cuộn giấy vệ sinh”. “Dạ, cô chờ cháu tý”.

“Anh Nam ơi! Em hết nước muối súc miệng rồi”. “Để lát anh đưa cho”.

“Anh Nam ơi! Cho em bì xà phòng nữa nhé”. “Ừ!”…

Nghe những câu đối thoại ấy, tôi hình dung nó giống như một bản nhạc lúc bổng, lúc trầm. Nhìn Thiếu úy Phạm Văn Nam thoăn thoắt đi lên, đi xuống cầu thang, ánh mắt luôn cười mà thương. Chuyện gì cũng anh Nam. Tuy nhiên, đến ngày được về thì 3 cô bé ở phòng số 8 lại đem bức tranh các cô ấy vẽ tặng cho Đại úy Phạm Duy Đông mới lạ. Thấy vậy, tôi hỏi: “Sao không tặng anh Nam?”. Một cô bé lém lỉnh: “Anh Nam có quà đặc biệt cô ạ!”. Rồi các cô đưa mắt nhìn nhau, khúc khích cười. Tôi quay sang nhìn Đại úy Đông đang nâng niu bức tranh trên tay, mắt ánh lên niềm vui. Đại úy Đông ngước nhìn Thiếu úy Nam đang có phần bẽn lẽn ở phía góc phòng, nói: “Chuyện của những người trẻ đấy cô ạ!”. Rồi anh giải thích thêm: “Cô ơi! Chúng cháu có cùng sở thích. Cháu cũng biết vẽ đấy cô ạ!”.

Đại úy Phạm Duy Đông chụp ảnh lưu niệm cùng người tặng tranh. Ảnh: Nguyễn Dung
Đại úy Phạm Duy Đông chụp ảnh lưu niệm cùng người tặng tranh. Ảnh: Nguyễn Dung

Từ khi có sự hiện diện của các bạn sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh, khu cách ly nhộn nhịp hẳn lên. Chiều nào các bạn cũng rủ nhau đánh bóng chuyền, cầu lông. Tiếng cười, nói giúp mọi người tạm quên đi nỗi lo dịch bệnh ngày càng lan rộng. Ngày nào khu cách ly cũng đón thêm người. Phòng chúng tôi được xếp thêm 2 giường để chuyển mẹ con chị Kpuih H’Nga (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) và Phạm Thị Hồng Ngọc (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) ở phòng số 9 sang, lấy chỗ bố trí người mới. Những người mới vào chưa có kết quả xét nghiệm khiến Nam vất vả hơn, phải đem cơm vào từng phòng. Ngày 2-6, mẹ con chị Linh và mẹ con chị Kpuih H’Nga được về. Còn lại 2 cô cháu, Ngọc bảo: “Hôm bầu cử, cháu đi sau cái anh bị dương tính nên cũng lo. May kết quả xét nghiệm của cháu âm tính”.

Những người cách ly chơi cầu lông để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Dung
Những người cách ly chơi cầu lông để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Dung

Ngày 5-6, một chiếc xe bán tải chở hàng chạy vào khu nhà bếp. Tìm hiểu thì tôi được biết đó là nhóm từ thiện do chị Vũ Thị Tam-Trưởng ban G7 Bảo Việt Nhân thọ Gia Lai khởi xướng lên trao quà. Đây là lần thứ 2 nhóm trao quà cho mọi người ở khu cách ly. Tổng 2 đợt gồm: 570 kg bí; 70 kg bắp sú và rau dền, rau đay; 10 kg khoai lang; 100 quả trứng gà; 13 thùng mì tôm; 20 kg xoài. Hôm đó cũng là ngày Ngọc về. Trời mưa nên tôi chỉ tiễn Ngọc ra cầu thang. Đến tối, Thượng úy Nguyễn Đức Tùng lên gặp tôi nói: “Xin phép cô cho 1 bạn người địa phương (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) ở cùng với ạ. Cháu biết ngày mai cô được về nhưng không phòng nào còn chỗ ở. Cô thông cảm. Bạn ấy đã âm tính lần 1 và sẽ nằm giường sát cửa, khoảng cách đến giường cô đảm bảo đủ an toàn ạ”. Tôi biết Tùng làm công tác tư tưởng cho mình. Tôi đâu có quyền cho hay không. Đành lẳng lặng gật đầu.

Trao quà từ thiện ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung
Trao quà từ thiện ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Dung

Qua trao đổi với Đại úy Võ Văn Định-Chỉ huy Trung tâm cách ly tập trung tỉnh, tôi được biết: Trung tâm có 15 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ. Về cơ sở vật chất có 4 dãy nhà gồm 25 phòng với 160 giường tầng. Những đợt dịch trước, lúc cao điểm, khu cách ly tiếp nhận 315 người (xét nghiệm âm tính 2 lần là bố trí ở giường tầng). Đợt dịch này, vi rút có nhiều biến thể phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, mức độ nguy hiểm cao nên chỉ bố trí mỗi giường 1 người. Đại úy Định trải lòng: “Anh em làm nhiệm vụ ở đây chịu nhiều áp lực lắm. Cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa xuống cấp, nhất là khu vệ sinh nữ. Mặc dù anh em đã tìm mọi cách khắc phục, song cũng chỉ tạm thời. Người cách ly đông, lực lượng phục vụ lại mỏng (chỉ có 2 người phục vụ 1 dãy nhà), không thể tránh khỏi thiếu sót. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm. Ví như hôm 4-6, anh con rể bà Trịnh Thị Phòng (huyện Ia Grai) ở phòng số 9 đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh gọi điện đường dây nóng ra Bộ Y tế phản ánh con gái anh là Trần Hoàng Bảo Thy (SN 2017) đang ở khu cách ly cùng bà ngoại không được chia suất ăn. Thực tế là do bà ấy nói cháu bé không ăn bao nhiêu nên 2 bà cháu ăn chung 1 suất. Với những trường hợp có cháu nhỏ ăn kèm, tôi chỉ đạo anh em chia phần nhiều hơn”. Tôi hỏi về việc có người đã về nhà 10 ngày rồi mới đưa đi cách ly tập trung? Đại úy Định trả lời: “Nếu đúng thế thì đơn vị y tế làm sai”.

Sự cẩn trọng, quyết liệt trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 là cần thiết. Song, thiển nghĩ những trường hợp thuộc diện cách ly tập trung thì phải đưa họ đi ngay khi đến địa phương (như tôi). Còn trường hợp đã về nhà 10 ngày thì nên lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính cho họ cách ly tại nhà và làm tốt công tác giám sát. Nên chăng các cơ quan chức năng nắm thật kỹ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp phù hợp.

NGUYỄN DUNG

Có thể bạn quan tâm