Phóng sự - Ký sự

Kỳ 3: Hai "núi băng" vật vã ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không ào ạt chiếm đất rồi triển khai dự án dang dở như ở Quảng Nam, cũng không “lách luật”, đền bù giá rẻ gây bất công, khiếu nại như ở Nha Trang, Khánh Hòa, các dự án du lịch tại Bình Định lại “án binh bất động”.

Dẫu vậy, hậu quả của việc chiếm đất rồi để “đóng băng” cũng không hề nhẹ. Trong khi có nhà đầu tư xuất hiện muộn nhưng triển khai nhanh, sớm gặt hái thành công thì ngược lại, không ít dự án du lịch ở Bình Định cứ dãi nắng dầm mưa hết năm này sang năm khác.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định ấn định thời hạn 15.6.2018 để các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường và Ban quản lý Khu Kinh tế “điểm danh” những cái tên ì ạch, trễ nải. Dẫn đầu nhóm dự án trên, chắc chắn có địa chỉ từng được kỳ vọng như những động lực nền tảng.

 
Vĩnh Hội, nhìn từ con đèo giáp ranh xã Cát Tiến.
Vĩnh Hội, nhìn từ con đèo giáp ranh xã Cát Tiến.

Vĩnh Hội: 10 năm giằng co, bất an đi - ở

Năm 2009, để phục vụ việc nắn con đường 639, đoạn qua dự án xây dựng Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, khoảng 100 hộ dân thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát đã cắn răng chấp nhận rời bỏ quê cha đất tổ, chuyển sang khu tái định cư ở xã Cát Tiến kề bên. Nâng lên đặt xuống, 21 gia đình “cốt cán”, chủ yếu là cán bộ, đảng viên được lựa chọn cho đợt đầu tiên. Gia đình ông Võ Hữu Đức là một trong số đó.

“Tôi có tổng cộng 6.500m2 đất, được áp giá đền bù 1,6 tỉ đồng. Vợ chồng tôi được “giao” trên bản đồ 200m2 đất ở, 50m2 đất hỗ trợ giải quyết việc làm và cái hẹn “7 ngày có tiền, có đất”.

Gần 10 năm đã trôi qua, không chỉ 21 hộ “đồng thuận cao” mà cả thôn Vĩnh Hội không một ai biết tương lai đi, ở ra sao”- ông Đức, nay là Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội, chua chát nói về tình cảnh “kẹt cứng” của mình.

Trưởng thôn Trần Văn Mính bổ sung: “Tình trạng lửng lơ không hồi kết khiến đời sống bãi ngang vốn đã khó khăn càng thêm ngột ngạt. Hàng trăm ha thu hồi cho dự án khiến cơn khát đất sản xuất mỗi năm một trầm trọng hơn. Nhà cửa dột nát, hư hỏng không được xây mới. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng không cách nào “xoay” được mảnh đất an cư.

Vĩnh Hội hiện có 117 hộ như vậy. Nhiều gia đình gá ghép, chen chúc sống mòn 3, 4 thế hệ. Cơ hội phát triển bị tước đoạt; chúng tôi gần như đứng ngoài chương trình xây dựng nông thôn mới. Kêu lắm thì vừa rồi, chỉ điểm trường mẫu giáo mới được tu sửa”.

Chủ tịch UBND xã Cát Hải - Lê Văn Diêu vò đầu bứt tai: “Người dân phấp phỏng không yên. Tiếp xúc cử tri từ huyện lên tỉnh, đến quốc hội, không cuộc nào câu hỏi về số phận dự án Vĩnh Hội không được gay gắt nêu ra. Làm không xong thì giao nhà đầu tư khác, chứ bươi ra bỏ đó, chúng tôi biết ăn nói thế nào. Dân bữa nay còn chẳng buồn hỏi han đến xã, rất khó điều hành”.

Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội từng là giấc mộng lớn của du lịch Bình Định. Khởi công rầm rộ tháng 12.2007 với vốn đăng ký 250 triệu USD, dự án do Cty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ làm chủ, bao phủ toàn bộ thôn Vĩnh Hội với 324 ha đất ven biển. Ở thời điểm ra đời, Vĩnh Hội là dự án lớn nhất chọn Bình Định làm điểm đến.

Theo cam kết từ chủ đầu tư, Vĩnh Hội là 1 quần thể đa chức năng bao gồm trung tâm hội nghị, khách sạn, quảng trường, sân golf 18 lỗ, khu resort nghỉ dưỡng, khu thể dục thể thao, giải trí biển, khu bảo tồn sinh thái...

Dự án phân kỳ thành 2 giai đoạn: 2007-2008 xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh tuyến ĐT 639, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, điện, nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, trồng cây xanh; 2009-2011 xây dựng, đưa vào hoạt động sân golf, khách sạn trung tâm 5 sao, villa golf cao cấp...

Tháng 8.2010, chủ đầu tư Vĩnh Hội từng khiến người Bình Định... mừng hụt khi tổ chức ở Quy Nhơn lễ ký hợp đồng quản lý khách sạn với 3 tập đoàn tên tuổi của Hoa Kỳ Ritz-Carlton, JW Marriott và Outrigger. Trên thực tế, Cty Việt - Mỹ (viết tắt) chỉ làm rất ít như thi công dở dang đoạn nắn đường 639, bảo vệ diện tích đất được bàn giao, làm vườn ươm, chăm sóc cây xanh.

Dấu tích rõ ràng nhất về sự hiện diện của Việt - Mỹ hiện nay trên mặt bằng dự án là chiếc container lẻ loi, cũ kỹ với nhóm nhân viên bảo vệ từ 5 rút xuống còn 3 người. Ông Võ Hữu Đức bình phẩm chua chát: “Chỉ cái thùng sắt đó chứ có gì mà bảo vệ”!

Vĩnh Hội hiện tại là một thực thể ngán ngẩm cho cơ quan quản lý. Trong khi chính quyền Bình Định năm lần bảy lượt nỗ lực thu hồi thì Việt - Mỹ cũng không hề thua kém trong ý chí níu giữ dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng từng giải bày với báo chí sự cần thiết phải chặt chẽ, thận trọng vì dự án có yếu tố nước ngoài.

Đang tồn tại 2 cách đánh giá về nguyên nhân làm đóng băng dự án: Doanh nghiệp quy lỗi vướng giải phóng mặt bằng, còn địa phương thì cho rằng, nhà đầu tư thiếu năng lực, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, kể cả tiền thuê đất. Để làm rõ thông tin, trưa 8.6, PV Lao Động liên lạc với 1 lãnh đạo Cty Việt - Mỹ, nhưng sau khi nghe thông báo lý do, ông này báo bận họp rồi tắt máy.

Hải Giang: “Đứt” nhịp cáp treo

“Quả đấm thép” bất thành khác là Khu du lịch Hải Giang với tổng diện tích 656,25 ha, vốn dự kiến 3.500 tỉ đồng, khởi công tháng 9-2013 bởi 1 nhà đầu tư trong nước. Dự án được ví như chiếc đầu tàu “kéo” du lịch Bình Định thoát khỏi tình trạng ì ạch, tụt hậu, đặt kế hoạch hoàn tất tuyến cáp treo vượt biển từ Mũi Tấn qua bán đảo Hải Minh (TP.Quy Nhơn) vào tháng 12.2015 cùng khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao 350 phòng, khu vui chơi giải trí…

Ít có dự án nào, sự hẫu thuẫn của cơ quan quản lý địa phương lại mạnh mẽ, quyết liệt như Hải Giang. Đã phát sinh xung đột, căng thẳng khi 131 hộ dân thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn bị buộc phải di dời. Thời điểm cao trào, UBND tỉnh Bình Định phân công 1 phó chủ tịch thường xuyên túc trực hiện trường “cho đến khi hoàn thành công việc mới thôi”.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Bình Định, trao đổi với PV Lao Động cũng nêu thông điệp cứng rắn: Phải đảm bảo di dân theo tiến độ, bất kể gió lớn, mưa to. Trớ trêu là khi mặt bằng đã dọn sạch thì đến lượt nhà đầu tư dừng bước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án “giữa đường đứt gánh” do ít nhiều liên quan đến ý định khai thác khu đất lấn biển dọc đường Xuân Diệu, nội thành Quy Nhơn. Trong ý tưởng ban đầu, lý do xuất hiện công trình lấn biển là cần mặt bằng xây dựng ga cáp treo Mũi Tấn - Hải Giang.

Năm 2014, một quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) được đề xuất, theo đó, trên diện tích lấn biển, nhà đầu tư đề nghị xây dựng cả khu dịch vụ thương mại, công trình công cộng phục vụ ga cáp treo lẫn khu biệt thự (3,46ha - 116 căn). “Sáng kiến đính kèm biệt thự” không được tỉnh chấp thuận, “từ đó, việc triển khai của nhà đầu tư chậm lại, cho đến nay thì không thi công thêm” (trích báo cáo của Sở Xây dựng Bình Định).

Hiện chưa biết diễn biến tiếp theo của dự án Hải Giang. Có thông tin nó đang trong quá trình đàm phán, chuyển giao cho 1 doanh nghiệp gốc Bình Định giàu tiềm lực...

Một bức tranh ảm đạm

Dù biểu hiện ở trạng thái nào đi chăng nữa, thì thực trạng chiếm cho bằng được đất của dân với giá đền bù rẻ mạt, rồi mua bán, chuyển nhượng hưởng chênh lệch hoặc bỏ hoang ở hầu hết các địa phương miền Trung đều tạo ra 1 bức tranh ảm đạm. Dân mất niềm tin, xã hội bất ổn vì phần lớn người nông dân mất đất ở, đất canh tác đồng nghĩa với mất công ăn việc làm, thất nghiệp và tương lai của con cháu họ cũng bấp bênh.

Nếu không sớm chấn chỉnh thì cơn sốt đất sẽ lan tỏa, xâm chiếm đến từng ngóc ngách các vùng quê xa xôi, biến đất đai thành sản phẩm kinh doanh bất động sản. Tài nguyên quốc gia, tư liệu sản xuất ngàn đời của người dân sẽ bị tướt đoạt, biến dạng rồi để hoang hóa. Các khu đô thị phân lô bán nền rồi để hoang khắp nơi, lãng phí trong khi nông dân mất ruộng nương, mất việc làm.

Xuân Nhàn/laodong

Có thể bạn quan tâm