Con sông Sài Gòn chạy trong thành phố, nhiều nhánh kênh nhỏ lại tẻ ra. Nhớ lại ngày các bến đò còn hoạt động tấp nập ở Sài Gòn, những người phụ nữ gắn bó với nghề lái đò hàng chục năm lại bồi hồi...
Đôi lúc người nữ lái đò Huỳnh Thị Kim Hiệp nhớ về những ngày nhộn nhịp của xóm đò Mỹ Khánh năm xưa |
Gọi là ‘xóm’ đò nhưng thật ra chỉ là nơi neo đậu tạm thời của vài chị em làm nghề lái đò đưa khách sang sông còn sót lại sau hàng chục năm thịnh vượng của các xóm đò quận 4, 7. Thời mà cầu phà không nối thẳng bờ như bây giờ.
Lớn lên từ bến đò Mỹ Cảnh
Giữa cái nắng oi ả của trưa Sài Gòn, bên đường nhiều người chạy xe hối hả vì nóng. Ở dưới con rạch Tân Thuận gió lồng lộng, mát lạnh, chị Huỳnh Thị Kim Hiệp (52 tuổi, ngụ quận 7) nằm đong đưa trên chiếc võng được mắc dài theo sườn chiếc ghe cũ. Chị vừa nằm hóng gió vừa nghỉ ngơi kể về xóm đò tấp nập mấy chục năm về trước.
Đến hôm nay, chị Hiệp đã trải qua hơn 30 năm gắn liền với con sông, bến nước. Chị kể, năm 16 tuổi, chị đã bước vào nghề lái đò tại bến đò Mỹ Cảnh (đoạn cầu Khánh Hội).
Chị Hiệp điều khiển con đò một cách điệu nghệ dẫn di chuyển không một chút khó khăn |
Ban đầu, chị theo người anh rể phụ lái đò. Công việc của chị khi ấy chỉ là phụ cột dây neo thuyền hay thu tiền của khách. Dần dà, sau khi đã quen việc, chị mon men làm quen với máy nổ và chân vịt rồi từ từ tự cầm lái. Đến năm 18 tuổi, chị Hiệp đã vững nghề có thể tự tay mình lái đò mà không cần ai trợ giúp. Sau đó, chị quyết tâm đi học và lấy được chứng chỉ hành nghề lái đò.
Theo chị Hiệp, thời hoàng kim nhất của nghề là ở khu vực bến đò Mỹ Cảnh. Vì thời điểm cầu đường chưa phát triển, người dân đi lại bằng đường sông rất nhiều. Bến đò khi ấy trong tâm thức của chị hoạt động tấp nập ngày đêm. Bến nằm ngay trên sông Sài Gòn, phía xa xa là bến phà Thủ Thiêm. Bên trên tiếng ý ới gọi đò, còn bên dưới tiếng máy tàu chạy bành bạch tạo nên khung cảnh náo nhiệt của xóm đò.
Cũng giống như phà, bến đò Mỹ Cảnh khi xưa chỉ đưa khách bộ hành sang sông từ khu quận 1 qua quận 2. Mỗi khách qua đò tốn 200 đồng tiền phí. Mỗi tài đò được sắp chạy luân phiên nhau một ngày chạy dọc và một ngày chạy ngang. Một ngày tài đò có thể chạy từ sáng sớm đến tận khuya.
“Có ngày tôi chạy từ sáng cho đến 11 - 12 giờ đêm chưa muốn về nhà nữa. Khách đông nườm nượp không thể tả. Ở đây khách đi như thế nào tôi đều biết, chỉ cần có ai đó xuống đò là tôi biết đi đâu, có nhà ở đâu liền vì tôi là cũng là dân cố cựu ở quận 2 mà”, chị Hiệp bồi hồi nhớ lại.
Chị Hiệp lái đò lênh đênh trên sống nước ngót nghét cũng đã gần hết đời người |
Thế nhưng, sau này kinh tế phát triển, giao thông cũng được cải thiện dần, cùng với việc cầu đường được mở rộng, những chuyến đò ngang trở nên xa lạ và dần vắng khách. Không những thế, năm 2000 bến đò Mỹ Cảnh cũng phải giải tán. Hơn 80 người lái đò lang bạt tứ xứ. Chị Hiệp lại lật đật quay đò về bến Tân Thuận tiếp tục cuộc mưu sinh.
Tuy vậy, sự chuyển đổi thời cuộc làm chị Hiệp nhiều lần nghĩ đến việc bỏ nghề, lên bờ để tìm kiếm một công việc khác. “Lấy chồng, sinh con làm tôi cũng nghỉ trên bờ mấy năm và làm những công việc khác. Nhưng cuối cùng, nhớ sông, nhớ nước nên năm 2002 tôi cũng quay lại bến đò này”, chị Hiệp chia sẻ.
Chị Hiệp lái đò lênh đênh trên sông nước ngót nghét cũng đã quá nửa đời người. Với chị, chiếc thuyền như chính căn nhà thứ hai của mình. Từ một chiếc đò nhỏ dần dần chị cũng có thể mua được chiếc đò lớn hơn. Cũng nhờ đó mà chị có thể mưu sinh và nuôi hai đứa con trai ăn học nên người.
“Ở trên thuyền, mỗi ngày dù ít tôi cũng kiếm được hơn 100.000 đồng, hôm nào nhiều thì được hơn 200.000 đồng, đủ để tôi tự lo cho bản thân mình. Chứ giờ mà lên bờ, mình nằm ở nhà xem vô tuyến hoài cũng bệnh, lớn tuổi rồi đi làm thời vụ người ta cũng không nhận. Vậy nên mình cứ sống qua ngày với chiếc thuyền này thế thôi”, chị Hiệp vui vẻ kể.
Trong một lần điều khiển đò của chị Hiệp |
Theo chị Hiệp, nghề lái đò ngày xưa rất tự do và thoải mái. Khi nào bận công việc chị Hiệp đều neo thuyền ở đó và không nhận khách: “Mình muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm mà không phải vướng bận hay xin phép ai cả”.
Nữ tài đò bến Tân Thuận khi xưa
Cũng giống như chị Hiệp, nữ lái đò Huỳnh Thị Mun được xem là lão làng ở bến đò Tân Thuận xưa. Bà Mun năm nay 64 tuổi, dáng ốm, người nhỏ con, nước da ngăm đen với mái tóc xoăn khá đặc biệt. Khi xưa, bà Mun thường lái chiếc ghe nhỏ chở khách qua sông Sài Gòn.
Tuy tuổi đã già nhưng là Mun điều khiển chiếc ghe không thua thì phụ nữ trẻ. Có lúc bà chở khách chạy băng băng qua sông mà không chút e ngại. Bà Mun cũng là người lớn lên từ bến đò Tân Thuận khi xưa (khu vực gần cầu Tân Thuận).
Bà bắt đầu đu bám ở bến đò không phải làm nghề chèo đò, bởi công việc mưu sinh chính của bà là vớt củi trên sông. Trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, mỗi ngày bà đều hì hục vớt từng nhánh củi về bán lại. Dần dà, nhiều người có nhu cầu qua sông bà bắt đầu tham gia chở người rồi lấy tiền.
Bà Mun kể lại về: “Hồi mấy chục năm về trước làm gì có ghe máy, tôi chèo đò đi vớt củi về bán. Mãi cho đến khi củi bán không được giá thì tôi mới chuyển hẳn qua nghề đưa khách qua sông. Sau đó tôi cũng mua ghe máy rồi chở tới bây giờ luôn”.
Bà Mun năm nay đã 64 tuổi và đã có 40 năm gắn bó với nghề |
Bến đò Tân Thuận trong ký ức bà Mun là những chuyến đò tấp nập đưa khách qua sông, những lần gọi đò đêm của những người về trễ. Với gần 50 tài công, thời điểm năm 2000 bà chạy với giá khoảng 5.000 đồng/người.
Dù vậy nhưng ngày nào bà cũng thấy vui và thoải mái. Không ra ghe chỉ hai ngày thôi là bà "đổ bệnh" liền. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Mun vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Bà còn đùa rằng, còn chạy được thì chạy, không chạy được nữa thì bà mới… nghỉ hưu.
Phạm Hữu-Hồng Thắm (thanhnien)