Kỳ bí những hang đá ở Ia Rsai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) sừng sững giữa không trung với nhiều lớp đá. Ngồi trong hang trú mưa, nghe kể chuyện đá che chở cho người dân và bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà lòng thấy xúc động bồi hồi. 
Mới 9 giờ sáng mà ánh mặt trời như muốn thiêu đốt vùng “chảo lửa” Krông Pa. Mồ hôi chưa kịp túa ra thấm vào lớp áo đã vội khô. Vẫn biết leo núi giờ này không khác một cuộc hành xác, nhưng ước muốn khám phá những hang, hốc đá kỳ bí ở xã Ia Rsai được cho là nơi trú ẩn của người dân và bộ đội trong thời kháng chiến chống ngoại xâm cứ thôi thúc chúng tôi dấn bước. Biết chuyện, nhiều người dân tốt bụng ở huyện Krông Pa tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi.
Mất hơn 30 phút đi xe máy trên con đường đất với hàng trăm cú xóc nảy người, chúng tôi đến chân núi Voi. Chỉ tay về hướng núi, anh Hoàng Thái Hà (trú tại xã Ia Rsai) cho hay: “Trên đỉnh núi có mấy hòn đá tảng xếp lớp tạo thành hình một cái đầu con voi nên dân ở đây thường gọi là núi Voi. Đây là điểm khác biệt dễ nhận biết của núi này so với các ngọn khác trong vùng. Đá ở núi Voi lại càng khác biệt. Chút lên trên đó, chúng tôi sẽ chỉ cho mọi người những cái độc đáo”.
Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) nhìn từ xa. Ảnh: Nguyễn Tú
Gửi xe tại nhà rẫy của một hộ dân xã Chư Rcăm, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi. Băng qua rẫy điều đang trong vụ thu hoạch với những chùm quả căng mọng tỏa mùi thơm ngai ngái, chúng tôi nhằm hướng tảng đá hình đầu con voi mà leo. Đá tảng xếp lớp khiến việc di chuyển gặp khó. Cây cối chằng chịt với nhiều loại dây có gai đâm xuyên áo quần làm rách da thịt. Ánh nắng chiếu làm những tán lá non của tầng cây trên cao mới trổ sau vài cơn mưa đầu mùa quắt lại. Muốn tìm một chỗ tránh nắng là không dễ dàng. 
Sau 30 phút nhọc nhằn, chúng tôi đặt chân đến khu vực đá xếp lớp được người dân dùng đặt tên cho ngọn núi. Nơi đây có nhiều tảng đá rất to dựng đứng và có 1 tảng nằm ngang phía trên tạo ra hình thù giống đầu một con voi. Tiếp tục đi về phía bên phải, chúng tôi bắt gặp nhiều tảng đá có hình thù lạ mắt xen lẫn với những tảng đá rất lớn.
Và cũng chính từ đây, chúng tôi được khám phá những hang đá, hốc đá độc đáo. Đầu tiên là 1 tảng đá rộng bằng 2 chiếc chiếu nằm trên mặt đất có một nửa trồi lên như tấm lưng con voi đang phủ phục, tạo thành một khoảng không rộng đủ cho 3 người nằm bên trong. Đối diện là 2 tảng đá cao 20-30 m dựa vào nhau tạo một khe rộng chừng 0,5 m và dài 3 m. Tiếp đó là 1 tảng đá vươn ra khỏi mặt đất tạo khoảng trống rộng 2 m.
Đi thêm 50 m là một khu vực có nhiều đá xếp lớp tạo thành nhiều hang đá, nồng nặc mùi chất thải của loài dơi. Khu vực này độc đáo hơn cả bởi có nhiều hang đá xuyên với nhau, đủ chỗ cho chừng 20 người trú ẩn và có nhiều cây to che chắn xung quanh. Đặc biệt, tại 1 hang đá, chúng tôi thấy trên một bức vách đá có dòng chữ số, chưa rõ là do vết mòn của thời gian hay có bàn tay con người nhưng có thể tạm dịch là 1971.
Trời bất ngờ xối xả mưa giông. Ngồi trú mưa trong hang đá, anh Hà kể: “Theo người dân bản địa kể lại thì xã Ia Rsai là căn cứ địa cách mạng thời chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kháng chiến, người dân cũng như du kích, bộ đội chủ lực thường ở trong hang đá giữa những cánh rừng xã Ia Rsai, trong đó có núi Voi. Họ vào đây ở để tránh địch đi càn hoặc hoạt động cách mạng vì phía đối diện có ngọn đồi mà dân ở đây gọi là đồi Mỹ. Tức là, thời chiến, quân Mỹ chiếm đóng ở đó thường đi càn. Còn khu vực núi Voi này có địa hình, địa vật thuận tiện cho việc trú ẩn, chiến đấu với lính Mỹ”. 
Một người dẫn đường khác tên Rơ Ô Quý tiếp lời: “Hồi nhỏ, bọn mình thường lên đây săn dơi, chuột về làm thức ăn, thỉnh thoảng còn nhặt được một số đồ dùng của bộ đội ngày xưa như lược, vỏ đạn, cuốc, xẻng… Sau này, mình ít lên vì cha mẹ dặn, ngày trước, cha ông trú ẩn nơi này để đánh nhau với giặc Mỹ, có người hy sinh khi chiến đấu ở đó nên rất linh thiêng, không được xâm hại. Họ còn kể là khi bộ đội, người dân ở trên này thường đi xuống thác Ply Mung tắm rửa, mang nước lên nấu ăn hay tận dụng các hốc của bãi đá dưới đó làm nơi giã gạo, phơi đồ đạc. Dưới đó cũng có mấy hang đá sâu lắm, tiện cho việc trú ẩn”.
Một hang đá có kích thước rộng rãi được cho là nơi người dân từng trú ẩn thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ảnh: Nguyễn Tú
Cơn mưa kéo dài lê thê, bất đắc dĩ, chúng tôi phải tạm dừng ý định khám phá những hang đá còn lại ở núi Voi hay một vài ngọn núi khác lân cận. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi cuối giờ chiều, ông Kpă Xuân-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Rsai-bộc bạch: “Mình nghe các ông bà trong làng kể lại, họ thường vào khu vực rừng trong đó ở để tránh lính Mỹ đi càn. Ngoài ra, chỗ đó trong thời chiến là trạm dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội khi hành quân vào miền Nam và cán bộ hoạt động cách mạng của ta. Không riêng núi Voi, nhiều ngọn núi khác trong vùng cũng có rất nhiều hang động từng có người dân, bộ đội ở thời chiến tranh. Người già trong làng từng ở trên đó đã mất hết, không còn ai nhớ rõ các hang. Mới đây, tôi có dẫn chị Trần Thị Mỹ Hiền-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện vào trong đó tìm các hang động nhưng sức yếu không leo núi được và không nhớ rõ địa điểm mà các già trong làng đã chỉ cho trước đây”.
Đầu năm 2020, chúng tôi cũng có dịp theo chân người dân bản địa ở xã Ia Rsai chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Ply Mung. Ngọn thác hoang sơ với những bãi cát, đá đẹp hút hồn. Đặc biệt là buổi chiều muộn hay sáng sớm, sương giăng phủ quanh thác tạo không gian lung linh, huyền ảo. Dạo đó, chúng tôi ngủ lại trong các hang đá ở hai bên bờ suối dưới chân thác Ply Mung mà chưa rõ về quá khứ hào hùng của vùng đất này.
Thêm một lần khám phá thác Ply Mung, núi Voi, thiển nghĩ, tiềm năng du lịch của vùng này là sẵn có. Ngoài việc khách thập phương sẽ có được một trải nghiệm thú vị khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử thì phát triển du lịch còn có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế-xã hội xã Ia Rsai phát triển. Được biết, huyện Krông Pa cũng đã tính đến điều này.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: “Lãnh đạo huyện giao Phòng Văn hóa-Thông tin khảo sát, xây dựng đề án về khu di tích lịch sử và phát triển du lịch ở khu vực đó. Tôi cũng đã đi khảo sát nhưng vẫn chưa tìm được những hang động mà cán bộ, bộ đội, du kích, người dân trú ẩn và hoạt động cách mạng”.
Những chứng nhân lịch sử hiểu rõ về xã Ia Rsai đã mất hoặc không còn nhớ chi tiết. Do vậy, chúng tôi không dám khẳng định các hang đá trong khu vực núi Voi là địa điểm mà cán bộ, bộ đội, du kích, người dân trú ẩn tránh giặc càn và hoạt động cách mạng. Bài viết này chỉ muốn cung cấp thêm một địa chỉ có giá trị tham khảo với cơ quan chức năng trong quá trình khảo sát để xây dựng đề án khu di tích lịch sử xã Ia Rsai. 
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm