Kỳ cuối: Dạy nghề cần gắn với yêu cầu thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương cho thấy, năm 2014-năm đầu tiên tỉnh ta phân cấp việc đào tạo nghề về các địa phương làm chủ đầu tư nên nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như: thủ tục thanh quyết toán chậm, chế độ của người học thấp, danh mục đào tạo nghề chưa đa dạng, khiến cho nhiều địa phương khó lựa chọn những nghề đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Theo Quyết định 1956, việc hỗ trợ tiền ăn cho nông dân là 15.000 đồng/ngày thực học/người và người học ở xa nơi học từ 15 km trở lên thì được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại không quá 200.000 đồng/người/khóa học. Cũng như đối với giáo viên dạy nghề, được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu là 25.000 đồng/ngày. Thời buổi giá cả leo thang như hiện nay thì việc hỗ trợ này là quá thấp.
 

 Ban Chỉ đạo Đề án 1956 kiểm tra tại huyện Phú Thiện.  Ảnh: Đinh Yến
Ban Chỉ đạo Đề án 1956 kiểm tra tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Đinh Yến

Mặt khác, công tác tuyên truyền về học nghề phần lớn chưa được các cấp, các ngành địa phương chú trọng. Tư tưởng và nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn người học nghề là dân tộc thiểu số, có người biết đọc nhưng không biết viết nên chậm tiếp thu được bài giảng gây khó khăn trong công tác đào tạo nghề về phần lý thuyết. Do vậy, việc dạy nghề đa số chỉ bằng hình thức cầm tay chỉ việc. Hơn nữa, dạy nghề lao động nông thôn còn phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ của bà con. Ở Tây Nguyên mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa nông nhàn của nông dân. Thời gian này bà con được học nghề là khá phù hợp nhưng do việc phân bổ kinh phí chậm khiến cho các cơ sở đào tạo nghề chỉ mở lớp cầm chừng, chờ rót kinh phí mới triển khai.

Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh phân cấp việc đào tạo nghề lao động nông thôn về các địa phương làm chủ đầu tư. Qua gần 9 tháng triển khai, một số huyện vẫn chưa làm xong thủ tục giấy tờ để rút kinh phí mở lớp. Có những địa phương buộc phải học “chay” trước để cho kịp tiến độ. Điển hình như huyện Phú Thiện nông dân học xong gần cả tháng mà vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ; giáo viên chưa được nhận tiền giảng dạy…

Không chỉ thế, danh mục đào tạo nghề hiện nay chỉ là những nghề cơ bản. Do cuộc sống ngày càng phát sinh nhiều nghề mới, nên để phù hợp với sự phát triển kinh tế chung, nhiều địa phương đã kiến nghị bổ sung thêm danh mục đào tạo nghề ở cả hai lĩnh vực: phi nông nghiệp và nông nghiệp. Đơn cử như huyện Phú Thiện đề xuất thêm một số nghề cần dạy cho bà con như: nuôi nhím, ba ba, kỳ đà; chăm sóc một số cây trồng như: thăng long, mãng cầu… Còn huyện Kbang đề xuất thêm nghề đào tạo trồng cây mắc ca và cách nuôi và chăm sóc cá tầm…

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, bài toán phát triển bền vững cho công tác dạy nghề-việc làm đối với lao động nông thôn hiện nay còn rất nan giải, bởi lao động địa phương chưa thực sự mặn mà với học nghề; giáo viên thậm chí phải đi đến từng nhà “mời” học viên đến lớp. Bên cạnh đó, giáo cụ dạy nghề còn thiếu đồng bộ, cho nên học viên ra trường không bắt nhịp được với công việc. Qua đợt kiểm tra, nhiều huyện như: Kbang, Phú Thiện, Chư Sê, Krông Pa, TP. Pleiku có đề xuất, công tác dạy nghề cần gắn với doanh nghiệp và dạy những nghề sát với thực tế để bà con sau khi học nghề xong là có thể áp dụng được với công việc, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Riêng đối với TP. Pleiku, việc dạy nghề lao động nông thôn lại khác. Hiện nay, đối tượng học nghề được miễn phí là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ gia đình có công với cách mạng. Do vậy, TP. Pleiku kiến nghị nên mở rộng đối tượng đào tạo nghề đến các đối tượng hộ cận nghèo. Và học những nghề mà các doanh nghiệp cần để sau khi học xong là bà con có thể tìm được việc làm ngay.

Đối với những kiến nghị đề xuất của các địa phương về nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 15.000 đồng/người/ngày lên 30.000 đồng/người/ngày đối với người học và nâng mức hỗ trợ tiền dạy của giáo viên từ 25.000 đồng/người/ngày lên 50.000 đồng/người/ngày; Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh sẽ tiếp thu và có kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để điều chỉnh cho sát với thực tiễn hơn.

Thời gian tới để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp nông dân tạo được việc làm, nâng cao thu nhập, theo bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó ban Chỉ đạo Thường trực Đề án 1956 tỉnh thì: Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng đắn nhưng cần có một lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, không phải làm ngày một ngày hai mà phải có sự đồng bộ, có sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương cùng thực hiện. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, mỗi địa phương đều đạt chỉ tiêu và hiệu quả trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn theo Đề án của Chính phủ.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm