Kinh tế

Nông nghiệp

Ký kết hợp tác canh tác bền vững cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 27-7, tại Công ty Cà phê Ia Sao 2, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông tổ chức hội nghị chuyên đề “Canh tác và giải pháp sử dụng đồng bộ dinh dưỡng Tiến Nông cho cây cà phê” đồng thời ký kết chương trình hợp tác. 200 đại biểu gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các Công ty thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum và Gia Lai tham dự hội nghị.
Tham quan mô hình vườn cây 33 năm Công ty Cà phê Ia Sao 2 sử dụng đồng bộ dinh dưỡng phân bón Tiến Nông. Ảnh: Đinh Yến
Theo ông Nguyễn Văn Minh-Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, thì Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2  thế giới, trong đó Tây Nguyên chiếm sản lượng khá cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, năng suất và chất lượng cây cà phê xuất khẩu của Viêt Nam đang bị giảm sút, không chỉ do biến đổi khí hậu mà tác động nhiều yếu tố trong sản xuất canh tác của bà con nông dân. Để cây cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng phát triển bền vững, cho trái đạt năng suất, chất lượng đều các năm, việc áp dụng những giải pháp mới trong canh tác cà phê là rất cần thiết.
Giải pháp quan trọng nhất là sử dụng phân bón để cân bằng dinh dưỡng, ít sâu bệnh, trẻ hóa vườn cây già cỗi, năng suất đạt đều các năm từ 4-6 tấn/ha, chống tình trạng sai trái cách năm, cây cằn. Tất cả giải pháp này đều có trong bộ dinh dưỡng phân bón Tiến Nông như điều hòa PH đất, cà phê số 1, số 2, số 3, nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích vườn cây.
Được biết, từ năm 2015 đến nay, Công ty Cà phê Ia Sao 2 đã áp dụng thành công giải pháp sử dụng đồng bộ dinh dưỡng phân bón Tiến Nông cho gần 700 ha cà phê của đơn vị, năng suất vườn cây 33 năm trung bình vẫn đạt 20 tấn quả tươi/ha. 
Ký kết hợp tác. Ảnh: Đinh Yến
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Phong-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: “Với cà phê, không phải cứ bón nhiều phân là cho năng suất cao mà phải bón đúng, khoa học thì cây mới hấp thụ tốt”. Theo các chuyên gia đánh giá, mỗi năm nông dân Việt Nam bón quá lượng phân bón trên tổng diện tích đất canh tác khoảng 26 triệu ha giá trị tương đương 2 tỷ USD, gây lãng phí tiền của, tồn dư chất độc trong sản phẩm và trong đất.
Dịp này, Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã ký kết hợp tác giải pháp sử dụng đồng bộ phân bón Tiến Nông trên cây cà phê.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm