Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 30-3, Hội thảo quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á” đã chính thức khai mạc tại thị xã An Khê (Gia Lai). Hội thảo lần này do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Dương Văn Trang-Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Nhật Quang- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Giáo sư, Viện sĩ Derevianko Anatoly- Viện trưởng Viện khảo cổ - Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hoà Liên bang Nga tại Novosibirsk.

Đến dự Hội thảo có trên 250 đại biểu là nhà khoa học đến từ các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanma, Nga, Pháp, Ba Lan…; các đại biểu là nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành trên cả nước; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Thường trực Thị uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã An Khê.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trần Dung

Các nhà khảo cổ Việt Nam và Nga đã phát hiện 23 địa điểm di tích sơ kỳ Đá cũ trên những đồi, gò, thung lũng ở An Khê trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay. Trong đó, các nhà khảo cổ đã tiến hành thám sát 19 địa điểm ở Rộc Lớn (phường An Bình); Rộc Hương (phường An Tân); Rộc Gáo (phường Ngô Mây); Rộc Nếp (xã Cửu An); Núi Đất (xã Thành An); Rộc Tưng (xã Xuân An; tiến hành khai quật khu vực Gò Đá (phường An Bình); Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7 (xã Xuân An). Qua khai quật, các nhà khoa học đã thu được trên 3.000 hiện vật đá và gần 700 mảnh thiên thạch (tectit) nằm trong cùng tầng văn hóa nguyên vẹn. Phân tích mẫu tectit bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Kali Argon cho ra kết quả các mẫu vật này có niên đại sơ kỳ Đá cũ, cách ngày nay khoảng 80 vạn năm.

Hội thảo khoa học quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á” có vai trò rất to lớn trong việc quảng bá những giá trị kỹ nghệ An Khê, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Thông qua hội thảo sẽ thu hút đông đảo sự chú ý của các học giả quốc tế để bước đầu công nhận An Khê là một trong những địa điểm xuất hiện đầu tiên của con người ở Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Trần Dung

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Dương Văn Trang-Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Hội thảo lần này thực sự là một sự kiện quan trọng đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung. Những địa điểm khảo cổ đã được phát hiện, công bố là hết sức quý báu và đáng trân trọng. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, Gia Lai hiện đang có khá nhiều địa điểm khảo cổ phân bố mà chưa được khai quật. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trong thời gian tới, những trầm tích văn hóa ấy sẽ tiếp tục được đánh thức và gìn giữ. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nhà khoa học đối với tỉnh Gia Lai chúng tôi”.

Tại Hội thảo, các nhà khảo cổ sẽ tiến hành báo cáo khoa học và tham gia thảo luận về “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á”.

Dung Minh

Có thể bạn quan tâm