Phóng sự - Ký sự

Kỳ thú tre khổng lồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ phủ của sâm Ngọc Linh như Nam Trà My (Quảng Nam) không chỉ có sâm. Nơi đây còn có nhiều 'kỳ hoa dị thảo' khác, thậm chí có giống tre khổng lồ mà người dân quen gọi là tre 'Thánh Gióng'...
 
Tre “khổng lồ” tại nóc Long Riêu (thôn 3, xã Trà Nam, H.Nam Trà My, Quảng Nam). ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Cây của thần rừng ban tặng
Nóc Long Riêu ở thôn 3, xã Trà Nam (H.Nam Trà My) nằm chênh vênh trên đỉnh núi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng người dân ở đây tự hào khi đang sở hữu giống tre khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn mà “thế giới bên ngoài” ít được gặp. Họ xem đây như một báu vật của làng.
Phải cố gắng thuyết phục lắm, chúng tôi mới được anh Hồ Văn Dương, một cán bộ văn hóa xã Trà Nam, dẫn đi vào rừng tre khổng lồ. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để “tận mục sở thị” rừng tre khổng lồ, chúng tôi phải vất vả vượt qua quãng đường dài.
Từ trung tâm H.Nam Trà My, theo QL40B đi về phía Kon Tum, chừng 10 km thì đoàn rẽ phải lên cầu Trà Nam bắc qua sông Tranh. Từ đây, chúng tôi đi khoảng 10 cây số nữa để đến nóc Long Riêu. Để xe máy lại đó, chúng tôi ngược núi, qua 3 con suối nữa, ngót 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Làng nằm khuất giữa những cánh rừng nguyên sinh.
"Cả tỉnh Quảng Nam này, tre khổng lồ thì chỉ mình nóc Long Riêu này có thôi. Bấy lâu nay, làng mình không muốn người lạ biết về nó nên giấu kỹ lắm. Nếu người ta biết rồi đến chặt phá thì khác gì dân chúng tôi mất đi báu vật của làng

Già làng Hồ Văn Thạch"


Trên đường đi, anh Dương không ngừng kể những điều bí ẩn về loài tre mà người dân bản địa vẫn thường gọi là tre “Thánh Gióng”. “Tre ở đây đốt to và dài, nếu so với tre bình thường thì nó còn hơn cả trăm đốt. Người dân trong làng đã đi quanh dãy núi Ngọc Linh nhưng không phát hiện giống tre nào to bằng tre ở đây. Việc tre xuất hiện ở Trà Nam đã được xem là điều kỳ lạ”, anh Dương tiết lộ.
Lên đến lưng chừng ngọn núi Ngók Cung, anh Dương chỉ tay về phía trước: “Đó, loài tre khổng lồ đó!”. Ở hai khoảnh đất nằm cách nhau bởi một con đường mòn, bất ngờ có hai bụi tre cực lớn mọc thành lũy ven theo con suối nhỏ, đẹp như bức tranh thủy mặc. Chỉ có hai bụi tre đột biến đó, nhưng mỗi bụi khoảng 250 - 300 cây, mỗi cây cao hơn 30 m, đường kính khoảng 20 cm. Có những đốt tre dài hơn 70 cm nhưng chu vi đã xấp xỉ 60 - 70 cm. Giữa rừng núi, những cây tre sừng sững, cao vút, hiên ngang vươn mình đón gió ngàn. Giữa bụi tre búp măng có màu đỏ rực, không giống màu vàng của các loài tre khác.
Đúng là cây tre ở Long Riêu to lớn gấp 4 - 5 lần tre thường. Người dân từng thử đào gốc mang đi trồng ở khu đất khác, chăm sóc cẩn thận… nhưng không thành công. Từ đó, họ tin có điều gì bí ẩn khi tre ấy trồng đúng khoảnh rừng ấy mới cao lớn “khổng lồ”. “Không biết là do nguồn nước hay đất có gì đột biến, nhưng dân làng xem đó là cây của thần rừng ban tặng”, anh Dương nói.
Báu vật của làng
 
Những cây tre dài hàng chục mét, có cây hơn cả trăm đốt. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Khoảng 20 hộ dân ở nóc Long Riêu dựng nhà chênh vênh trên núi. Nóc Long Riêu không chỉ sở hữu loại tre “Thánh Gióng”, mà còn được coi là một trong những vựa lúa lớn nhất của H.Nam Trà My. Những kho thóc dự trữ nối nhau trên sườn núi. Chẳng bao giờ người Long Riêu sợ thiếu đói, bởi thóc lúa luôn đầy kho.
Tạt vào một nhà dân, chúng tôi chứng kiến nhiều vật dụng làm ra từ tre khổng lồ. Gùi đựng gạo, ống đựng nước, bát ăn cơm, mũi tên, mõ và thậm chí làm gối ngủ. “Ngay từ nhỏ, bọn mình đã được cha ông dẫn vào rừng để biết về những cây tre khổng lồ này. Những đồ vật trong nhà được làm ra từ tre khổng lồ đều rất quý hiếm, lâu hỏng nên được gìn giữ rất cẩn thận. Tre khổng lồ cũng từng “cứu” cho biết bao người dân. Trước đây, làng Long Riêu còn khó khăn, để chống lại cái đói người dân lại vào rừng chặt măng mang về ăn”, bà Hồ Thị Hiếu (nóc Long Riêu) chia sẻ.
Già làng Hồ Văn Thạch đón khách lạ với ánh nhìn xét nét. Sau khi biết chúng tôi chủ yếu dò tìm câu chuyện gắn liền với những cây tre khổng lồ, người có uy tín nhất bản mới rít mạnh hơi thuốc, cười bảo: “Các chú tìm đúng người rồi đấy. Cả tỉnh Quảng Nam này, tre khổng lồ thì chỉ mình nóc Long Riêu này có thôi. Bấy lâu nay, làng mình không muốn người lạ biết về nó nên giấu kỹ lắm. Nếu người ta biết rồi đến chặt phá thì khác gì dân chúng tôi mất đi báu vật của làng”.
 
Vật dụng làm từ tre “khổng lồ” được người dân lưu giữ
Theo già Thạch, từ ngày còn nhỏ ông đã được đưa lên rừng lấy tre về làm các vật dụng sinh hoạt trong nhà. Tre quý hiếm, nên làng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ khi có việc cần và được già làng cho phép thì mới được đốn hạ một cây. Tục lệ từ xa xưa để lại, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán người dân mới vào rừng chặt một cây để đưa về tổ chức nghi lễ cúng máng nước. Tre được dùng để chế tác các vật dụng làm trong buổi lễ với mong muốn năm mới người dân trong làng gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết rừng tre ở Long Riêu rất quý hiếm và xác nhận độ “khủng” về kích cỡ. Đây là lý do chính quyền huyện đang xây dựng chính sách bảo tồn, bước đầu tuyên truyền người dân bảo vệ và không chặt phá. “Chúng tôi sẽ có chính sách khuyến khích người dân trồng thêm để nhân rộng, bởi rừng tre hiện đang còn ít. Khi rừng tre được mở rộng thêm, huyện sẽ mở đường đất vào tận làng để thu hút khách tham quan và thưởng thức văn hóa vùng cao”, ông Bửu nói.
Huyện vùng cao Nam Trà My không chỉ biết đến với thương hiệu “thủ phủ sâm Ngọc Linh”, mà thêm những món lạ lùng như “ớt đại đội” (1 trái ớt cay đến mức cả đại đội ăn cũng đủ), rừng quế cổ thụ… Nay lại có loài tre to lớn.
Rời nóc Long Riêu, chúng tôi sực nhớ loài tre “khổng lồ” này có thể khác lạ trong mắt khách dưới xuôi, còn với đồng bào Xê Đăng ở nóc Long Riêu thì lại thân thiết như một người bạn. Tre đã “sống” cùng họ qua biết bao kỳ lễ hội, hiện diện ở khắp các vật dụng quen thuộc. “Ngày mừng tết lúa mới, chỉ cần một búp măng của tre khổng lồ là đủ cho cả làng ăn… Măng của tre ăn rất ngon, có vị ngọt và giòn”, già làng Hồ Văn Thạch tấm tắc khoe trước khi tạm biệt khách lạ.
Mạnh Cường (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm