Phóng sự - Ký sự

Ký ức của cựu du kích Plei Me

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Những du kích trực tiếp tham gia chiến dịch Plei Me hiện đang sinh sống trên địa bàn xã duy chỉ còn ông Rơ Mah Bông ở làng Tu 2. Năm nay ông cũng đã 80 tuổi rồi”-ông Triệu Văn Hiang-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Ga (huyện Chư Prông) thông tin ngay khi chúng tôi vừa đề cập đến chiến dịch Plei Me năm 1965.
Nhìn ông Rơ Mah Bông lững thững đi phía sau đàn bò hơn 10 con, thỉnh thoảng lại chạy thật nhanh để ngăn 1-2 con tách đàn, tôi không dám tin ông đã bước sang tuổi bát thập. Lùa xong đàn bò vào chuồng, ông quay sang chúng tôi phân trần: “Trong nhà nóng nực lắm, ngồi ngoài gốc cây này nói chuyện cho mát”.
Khi chúng tôi vừa nhắc lại chiến dịch Plei Me đã diễn ra cách đây hơn 50 năm, khóe mắt cựu du kích Rơ Mah Bông bỗng ầng ậc nước, bởi với ông quá khứ chưa khi nào ngủ yên mà vẫn hiện hữu trong từng giấc ngủ chập chờn. Thậm chí, mỗi khi mở ti vi nghe thấy tiếng súng nổ, ông vẫn giật mình và ký ức năm xưa cứ thế ùa về.
Ông Rơ Mah Bông lau chùi Bia tưởng niệm chiến thắng Plei Me. Ảnh: P.D
Trong trí nhớ của cựu du kích Rơ Mah Bông, vị trí mà năm xưa địch chiếm đóng để lập đồn bốt chính là 2 làng Me 1 và Me 2. Bọn địch rất hung hăng, ngay khi vừa đặt chân xuống làng, chúng đã ra sức đập phá đồ đạc và bắt bớ dân lành. Trước sự đàn áp của kẻ thù, dân làng bỏ chạy vào rừng sâu mà chẳng kịp mang theo đồ đạc hay lương thực. “Ban đêm, một số thanh niên được cử quay trở về làng để lấy đồ đạc và ra rẫy mót lúa. Sau này, địch phát hiện, chúng đốt hết, từ nhà cửa cho đến rẫy lúa, rẫy mì...”-ông Bông nhớ lại. Dẫu sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, thiếu ăn, thiếu mặc, song người dân 2 làng vẫn một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ và sẵn sàng nhường gạo, nhường rau để nuôi bộ đội đánh giặc.
Lúc bấy giờ, ông Bông được giao làm Xã đội trưởng, chỉ huy dân quân, du kích trong xã bảo vệ dân làng, ngăn không cho địch lại gần khu vực dân di tản; hỗ trợ dân làng sản xuất để chủ động lương thực... Đồng thời, tìm những tuyến đường ngắn nhất, an toàn nhất để đưa bộ đội đi trinh sát, nắm bắt tình hình và dẫn đường cho bộ đội đánh địch. Hai con đường mà ông Bông thường xuyên sử dụng để ban đêm đưa bộ đội đi nắm bắt tình hình là con đường dọc theo suối Đục dẫn lên núi Chư Hoa và đường cắt rừng ngay phía sau lưng đồn địch. “Đường dẫn lên núi Chư Hoa khá nguy hiểm vì 2 bên là vách núi cao, ở giữa lại là khe suối sâu, nhưng từ trên núi bộ đội ta có thể quan sát địch từ nhiều hướng”-ông kể. Còn đường rừng phía sau lưng đồn địch cũng là con đường nguy hiểm vì xung quanh toàn rừng rậm, không có đường mòn, rất dễ bị lạc. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà địch không dám đi vào khu vực này vì sợ khó tìm được lối ra.
Cũng theo cựu du kích Rơ Mah Bông, khi chiến dịch Plei Me nổ ra, người dân làng Me 1 và Me 2 đều nêu cao quyết tâm “Đánh giặc đến hơi thở sau cùng”. Và, trong suốt 37 ngày đêm diễn ra chiến dịch, nhiều bộ đội, du kích đã ngã xuống trước làn tên, mũi đạn của kẻ thù. Ông Bông kể, trong một lần tổ du kích của xã đi nắm tình hình, trên đường về gần đến khu vực suối Đục thì bị địch phục kích và 3 du kích: Kpuih HLoanh, Rơ Mah Mó, Rơ Mah Đôch đã bị bắn chết. Dù vậy, trước sự canh chừng gắt gao của địch, phải vài ngày sau dân làng và du kích mới dám quay lại lấy xác đồng đội về chôn. “Lúc chúng tôi quay trở lại thì chỉ còn xác của 2 người, người còn lại đã bị nước cuốn trôi”-ông Bông rưng rưng.
...Chiến dịch toàn thắng, địch tháo chạy khỏi Plei Me. Tuy vậy, người dân 2 làng vẫn chưa thể quay trở về làng cũ sinh sống vì sợ bom mìn còn sót lại. Họ chọn vùng đất bằng phẳng, cách làng cũ chừng 3 km để an cư và lập làng Tu 1, Tu 2; còn làng Me 1, Me 2 nay là thôn Tân Thủy. “Chiến địa năm xưa giờ đã phủ kín bằng màu xanh bạt ngàn của cà phê, hồ tiêu, mình vui lắm! Mình cũng luôn nhắc nhở con cháu và dân làng phải luôn phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phải biết quý đất đai, vì để giữ được đất đai, nhiều người đã phải hy sinh”-cựu du kích Rơ Mah Bông trải lòng. Còn với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Triệu Văn Hiang thì: “Ông Rơ Mah Bông là nhân chứng sống trong trận đánh lịch sử năm xưa. Vì vậy, hàng năm Hội đều phối hợp với Đoàn xã mời ông tham gia nói chuyện truyền thống với học sinh, thanh niên trên địa bàn”.
 PHƯƠNG DUNG
--------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm