Phóng sự - Ký sự

Ký ức của người anh hùng lao động nhiều lần được gặp Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đối với Anh hùng Lao động Đinh Như Gia (sinh năm 1936), ở khóm 5, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ký ức về những lần được gặp Bác Hồ luôn im đậm trong tâm trí ông.

Lời Bác căn dặn cùng ký ức về một thời sống và chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc thường được ông kể lại cho con, cháu qua những câu chuyện giản dị, mộc mạc.

Ký ức hào hùng

 

Ông Đinh Như Gia bên bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.
Ông Đinh Như Gia bên bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, năm 13 tuổi, khi đang theo học tại trường tiểu học do chế độ cũ tổ chức, Đinh Như Gia đã làm cộng tác viên cho Công an huyện Vĩnh Linh.

Ngày ngày lấy việc học làm "vỏ bọc", Như Gia lúc đó đã tìm hiểu, vẽ tất cả các vị trí trọng điểm Hồ Xá và phủ lị Hồ Xá.

Sau đó, Như Gia bị địch phát hiện, bắt giam 9 tháng với nhiều trận đòn roi nhưng vẫn quyết không khai.

Nhớ lại những ngày sống trong tù, ông Đinh Như Gia tâm sự: “Dù lúc ấy còn nhỏ nhưng tôi đã ý thức được trách nhiệm bản thân với gia đình và dân tộc. Điều đó đã giúp tôi vượt qua những trận đòn roi thập tử nhất sinh của quân thù”.

Tháng 12-1950, Đinh Như Gia được ra tù trở về quê hương. Đến tháng 2-1952, vì sợ giặc Pháp bắt đi lính, Như Gia thoát ly ra vùng kháng chiến ở xã Vĩnh Hoàng, sau đó đến xã Vĩnh Hồ (xã Vĩnh Long ngày nay).

Tháng 6-1952, mặc dù chưa đủ tuổi nhưng Đinh Như Gia vẫn xin tham gia du kích xã Vĩnh Hồ và hoạt động kháng chiến từ đó.

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, Đinh Như Gia đã hăng hái tham gia chiến đấu, sản xuất, bảo vệ độc lập dân tộc.

Với những thành tích về công tác và chiến đấu, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ông Đinh Như Gia đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, giai đoạn 1954-1955, ông chuyển về làm Trung đội trưởng Dân quân du kích Nam Hồ xã Vĩnh Nam, khu vực Vĩnh Linh.

Trong các năm 1956-1964, ông lần lượt làm Đại đội trưởng dân quân Nam Hồ, kiêm đội trưởng Đội sản xuất số 5, Hợp tác xã sản xuất Nam Hồ, Chính trị viên, Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ Nam Hồ.

Với những cống hiến trong lao động và sản xuất, đặc biệt là việc đưa ra sáng kiến chế tạo nôi giữ trẻ tự động để bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho trẻ em ở địa đạo Vĩnh Mốc, năm 1967, tại Đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 4 ông được phong Anh hùng Lao động và vinh dự nhận được Huy hiệu của Bác Hồ trao tặng.

Năm 1968, ông làm Chủ nhiệm và Bí thư Chi bộ Hợp tác xã Nam Hồ, sau đó giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh kiêm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Nam.

Thời gian này, với những cống hiến của mình, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 1969, ông được cấp trên cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu 3 sơ tán tại Thanh Hóa. Cuối 1971, ông về lại Vĩnh Linh tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Nam, Đảng ủy viên khu vực Vĩnh Linh.

Giai đoạn 1972-1991, ông là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên xã đội, Đảng ủy viên Khu vực Vĩnh Linh, rồi Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Hải, Đảng ủy viên huyện Bến Hải, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bến Hải...

Năm 1992, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho đến năm 2000 ông nghỉ hưu.

Với trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, ông tiếp tục công tác tại Hội người cao tuổi, đồng thời là Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh từ năm 2007 đến nay. Hiện nay, dù đã ở tuổi 82, ông vẫn tích cực cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương.

Khắc ghi lời Bác dạy

 

Ông Đinh Như Gia làm việc tại Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.
Ông Đinh Như Gia làm việc tại Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.

Những lần được gặp Bác Hồ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Đinh Như Gia. Lần đầu tiên ông được gặp Bác là vào ngày 4/9/1957 nhân dịp ra tham dự duyệt binh chào mừng Lễ Quốc khánh tại Hà Nội.

Sau lễ duyệt binh, Bác Hồ đã đến thăm bộ đội và dân quân du kích các địa phương về tham gia duyệt binh. Tại đây, Bác Hồ đã hỏi thăm, chuyện trò và hát bài “Kết đoàn” với mọi người.

Đến đầu năm 1967, khi tham dự Đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 4, ông được ngồi ăn cơm, nói chuyện với Bác, nghe Bác dặn dò.

Ông kể: “Bữa cơm ấy chỉ có khoảng 10 người, tôi được Bác đích thân xới cho 3 bát cơm. Lúc đó, Bác bảo: cháu nên đi thăm phố Tràng Tiền và phố Gia Ngư cho biết. Nghe Bác dặn dò, tôi cảm thấy rất xúc động. Vị lãnh tụ trò chuyện như người cha với con, người ông với cháu. Mọi khoảng cách lúc này dường như không tồn tại, chỉ còn lại tình thương bao la của Người…”.

Sau khi dẫn mọi người đi thăm vườn cây trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ tặng 5kg bồ kết cho chị em ở Vĩnh Linh. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng của Người cha già kính yêu của dân tộc luôn quan tâm đến mọi người từ những việc nhỏ nhất.

Khoảnh khắc xúc động khi được Bác trao Huy hiệu Bác Hồ, ông Gia vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác: “Sở dĩ có anh hùng là vì có dân tộc anh hùng, có nhân dân anh hùng, có Mẹ Việt Nam Anh hùng.”

Đối với ông, được phong Anh hùng, công lao ấy không chỉ của một mình ông mà là sự đóng góp của tập thể. Làm được Anh hùng đã khó, giữ được Anh hùng còn khó hơn.

Vì vậy, suốt cuộc đời mình, dù ở cương vị công tác nào, ông đều cố gắng hết sức để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó… Kết thúc Đại hội, ông Gia vinh dự cùng với những anh hùng khác trên khắp mọi miền đất nước quây quần chụp ảnh với Bác.

Ông Gia chia sẻ: "Tôi vinh dự được gặp Bác nhiều lần, lần nào cũng cảm thấy xúc động, tự hào. Tuy nhiên, sâu sắc nhất là kỷ niệm năm 1968 khi tôi và các đội trưởng Đội sản xuất xã hội chủ nghĩa khác vinh dự ra gặp Bác. Lúc này sức khỏe Bác đã yếu đi so với trước nhưng người vẫn nhận ra tôi. Ngoài việc thăm hỏi, Bác đã dặn dò: 'Cháu về nói với bà con khi nào máy bay ngừng ném bom, mọi người tranh thủ lên hầm giữ sức khỏe, khi nào quân giặc đánh bom hãy xuống hầm. Cuộc chiến đấu của ta còn kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng dù thế nào cũng sẽ thắng lợi. Bác dặn bà con Vĩnh Linh như vậy cháu về nói với mọi người'. Đây là lúc tôi thấy mình xúc động nhất…".

Giờ đây, khi tuổi đã cao, học tập tác phong, lối sống và đạo đức của Bác Hồ, ông Đinh Như Gia vẫn cần mẫn, chăm chỉ làm việc tại Hội Người cao tuổi của huyện. Ngoài giờ làm việc, ông vẫn chăm sóc mảnh vườn nhỏ với luống rau, giàn thiên lý và mấy chậu hoa...

Ông Nguyễn Hà Phương, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong kháng chiến, ông Đinh Như Gia là người có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ông cũng là một trong số ít những người con của tỉnh Quảng Trị được vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Sau khi về hưu, ông luôn tận tụy, hết lòng đối với phong trào của các cấp hội trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Ông xứng đáng là tấm gương sáng để các hội viên cũng như thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Thanh Thủy/TTXVN

Có thể bạn quan tâm