Ký ức Đê Chơ Gang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Có cơ hội là tôi lại về Đê Chơ Gang. Đây là ngôi làng Bahnar cách trung tâm thị xã An Khê chưa đầy chục cây số về hướng Đông Nam nhưng lại thuộc về xã Phú An của huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai.

Mỗi khi trở lại Đê Chơ Gang, những gì nghe, thấy, biết về ngôi làng của người Bahnar này khiến trong tôi dâng trào bao kỷ niệm. Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, An Khê là một trong những trọng điểm càn quét, đánh phá ác liệt vào bậc nhất của Mỹ-Ngụy ở Gia Lai. Đơn vị của chúng tôi chia nhỏ thành từng tổ, đội bám làng, bám ấp, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ dân ở vùng bất hợp pháp, vừa xây dựng cơ sở mật, nắm tình hình, diệt ác, trừ gian ở vùng tạm chiếm, đồng thời cũng là quyết sách bảo tồn lực lượng của chính mình. Tổ công tác chúng tôi được giao nhiệm vụ bám Đê Chơ Gang. Hồi ấy, làng chưa đầy 20 nóc nhà, trên 80 nhân khẩu, ẩn mình trong bạt ngàn rừng già, trăm bề thiếu thốn. Chiến sự trong vùng ngày càng ác liệt, căng thẳng, bà con Đê Chơ Gang lại cũng chia nhỏ thành những nhóm liên gia-người Bahnar gọi là “đầm” để tiện cho việc di chuyển khi có giặc càn, giặc oanh tạc bằng phi pháo và cũng thuận lợi cho việc tăng gia sản xuất.

 

Một góc làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Đ.M.P
Một góc làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Đ.M.P

Những người già của Đê Chơ Gang luôn tự hào về nơi sinh ra mình và tổ tiên mình. Những câu chuyện xa xưa truyền từ đời này sang đời khác. Thời kỳ đầu, Nguyễn Nhạc chọn vùng Tây Sơn Thượng để gây dựng cơ đồ. Đê Chơ Gang là một trong những nơi “đi về” làm chỗ dựa cho nghĩa quân. Người Bahnar trong vùng và ở Đê Chơ Gang coi anh bán trầu Nguyễn Nhạc là người của làng mình, đùm bọc, che chở, ủng hộ cho nghĩa quân của ông cả về người và của cải. Khi Nguyễn Nhạc qua đời, liên tục hàng trăm năm, dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào dưới thời nhà Nguyễn, người làng Đê Chơ Gang hàng năm, sau mùa tra hạt vẫn làm lễ cúng giỗ ba anh em người anh hùng áo vải cờ đào ở ngay tại nơi mà bà con Đê Chơ Gang gọi là “Hòn đá ông Nhạc”.

Còn nhiều chuyện nữa, chưa thuộc về xưa cũ lắm, ấy là thời cách mạng... Nhớ mấy năm trước, khi tôi về Đê Chơ Gang, Trưởng thôn Đinh Lo đưa tôi đến gặp già làng Đinh Bi. Trong câu chuyện với tôi, già Bi bảo rằng, hồi kháng chiến chống Pháp bùng lên, rồi sau đó là kháng chiến chống Mỹ, ở Đê Chơ Gang của ông, người người không kể già trẻ, lớn bé, gái trai cùng tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, làng là hậu phương và người đồng hành với các đơn vị quân dân chính Đảng trên địa bàn An Khê. Nhiều người lính năm xưa hoạt động ở vùng này, cả người còn, người mất mà cho tới bây giờ khi nhắc lại, già làng Đinh Bi còn nhớ được tên. “Hồi ấy, già cũng là du kích mà”-ông bảo thế. Tôi nhớ ra bao điều từ câu chuyện ông kể, về những đồng đội tôi ngày đó, giờ ai còn, ai mất; sau cuộc chiến bao người tiếp tục nghiệp lính, nghiệp quan và bao người trở về với đời thường, với ruộng vườn, cơm áo... Người bạn đời của già làng Đinh Bi là bà Yam. Điều khiến tôi bất ngờ, bà Yam chính là em ruột của cụ Đinh Chiêm, cũng là một trong những phụ nữ của làng năm xưa phục vụ cho cách mạng.

Ngày Đinh Chiêm-một đảng viên già còn sống, mấy lần về làng, tôi được nghe ông kể rằng làng Đê Chơ Gang tự hào lắm. Những năm xưa (ông cũng chẳng còn nhớ rõ là năm tháng nào), khi có cách mạng về, làng của Đinh Chiêm có nhiều người theo cách mạng. Đinh Tanh-chú ruột ông, rồi đến cha của ông là những đảng viên đầu tiên của làng, người từng che chở, đùm bọc, cưu mang các cán bộ người Kinh từ dưới xuôi lên xây dựng phong trào. Đinh Tanh là một trong những người vận động bà con Bahnar quanh vùng theo cách mạng, chống giặc Pháp. Rồi đến thời chống Mỹ, cũng thế, làng lại là chỗ dựa của nhiều đơn vị bộ đội. Già làng Đinh Bi hào hứng “nối” câu chuyện mà tôi nhớ và kể lại từ Đinh Chiêm: “Những năm đó, Đê Chơ Gang còn có lúc là hậu cứ vững chắc từ lòng dân của Huyện ủy và Huyện đội An Khê. Bao trận càn của giặc vào vùng căn cứ, vào Đê Chơ Gang và cũng ngần ấy lần đánh giặc quyết liệt của bộ đội, của du kích; đau buồn nhất là có không ít đàn bà, người già và con nít đã vĩnh viễn ra đi từ những lần như thế, đúng là quân xâm lược sao mà độc ác thế”.

Điều này thì tôi có biết, những ngày tháng cam go, ác liệt thuở trước, được cùng ăn, cùng ở, cùng chia ngọt sẻ bùi với người làng Đê Chơ Gang lại hiện về từ ký ức. Hôm đó, một ngày giáp Tết, từng đàn trực thăng quần đảo gầm rú, bầu trời của làng như vỡ tung, từng loạt rốc-két xé không gian lao vun vút xuống làng, nhà cháy, người chết... cảnh tượng tang thương ấy ám ảnh mãi trong tôi. “Mà thôi, chuyện đã qua hãy để nó về với dĩ vãng. Bây giờ, Đê Chơ Gang đang thay đổi từng ngày, đói đau, lạt dốt đã không còn đeo bám, nghèo khổ đã giảm đáng kể, người làng sống trong yên bình và hạnh phúc, mừng nhiều mới phải chứ”-tôi tự bảo mình là vậy! 
 

Đường vào làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Đ.M.P
Đường vào làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Đ.M.P

Lần trở lại này, Đinh Lo không còn làm trưởng thôn, thay anh là Đinh Văn Cao. Khi hỏi ra mới biết, Đinh Văn Cao là kề út của năm người con ông Đinh Chiêm. Từ nhỏ, Cao được cha truyền cho nghề làm thuốc Nam cứu người, trong đó “chủ lực” là chữa xương khớp. Tiếng lành đồn xa, “những loại cây, lá, rễ... từ rừng Đê Chơ Gang đã đi xa, chữa bệnh cho người thập phương...”-anh bảo vui với chúng tôi như thế. “Bây giờ, rừng gần như đã hết bởi người dân phá đi để lấy đất canh tác, cây thuốc cũng cạn dần, phải đi rất xa mới tìm được những cây thuốc quý. Mình đã nghĩ đến việc đem các loài cây thuốc về trồng trong vườn để chủ động khi cần và cũng là bảo tồn chúng”-Trưởng thôn Đinh Văn Cao chia sẻ.

Ngôi làng nhỏ Đê Chơ Gang năm xưa, giờ đã là một làng văn hóa, được quy hoạch bài bản, đúng nghĩa của cụm từ “xanh, sạch, đẹp”, với 114 hộ, gần 500 người chung sống hòa thuận, an vui. Phú An là một trong 4 xã của Đak Pơ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đương nhiên, Đê Chơ Gang cũng hoàn tất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Duy “có điều buồn, làng vẫn còn một số ít hộ nghèo, đói thì hết rồi”-Trưởng thôn Đinh Văn Cao cho hay.

Chia tay Đê Chơ Gang lần này, trong tôi vẫn còn những điều trăn trở. Ngần ấy năm sau ngày hòa bình lập lại, ngôi làng quá giàu về truyền thống xây dựng, đấu tranh, sinh tồn, chứa đựng trong mình bao nhiêu sự kiện nhưng vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Ví như di tích “Hòn đá ông Nhạc” nằm cạnh làng Đê Chơ Gang, mang trong mình bao câu chuyện huyền bí một thời dựng nghiệp của anh em nhà Tây Sơn vẫn chưa được đầu tư xây dựng tương xứng. Và, một ngôi làng với bao truyền thuyết rất đáng quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, mà... có lẽ không bao lâu nữa sẽ chìm vào quên lãng?

Trời hửng nắng, chúng tôi dạo một vòng quanh làng, những con đường ngang dọc được trải bê tông phẳng lỳ không một tỳ vết; những ngôi nhà đã và đang xây kiên cố, bên cạnh là nhà sàn truyền thống của người Bahnar, cũ mới, trước sau như hòa quyện vào nhau trên mảnh đất giàu truyền thống và truyền thuyết này. Và nữa, vườn tược, cây trái, phía xa là những cánh đồng mía, mì, ớt... sau mưa trở nên xanh tươi mơn mởn đón chờ một vụ bội thu khi mùa xuân trở về!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm