(GLO)- Tôi còn nhớ mãi những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường Tây Nguyên trong đội hình Sư đoàn 320 thân yêu. Nơi ấy có biết bao đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có những đồng đội mà sự hy sinh của các anh đã trở thành ký ức không thể phai mờ.
1. Trong trận mở màn chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Tây Nguyên, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7 mm được giao phối thuộc với Trung đoàn 52 vây ép Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn dù 2 ngụy ở cao điểm 1049 nằm trong tuyến phòng thủ bờ Tây sông Pô Kô của địch. Dự đoán được sự ác liệt của trận đánh, cấp ủy và ban chỉ huy đại đội đã thống nhất: Đại đội trưởng Đỗ Văn Bảy đi cùng Trung đội 2 tăng cường cho Tiểu đoàn 5 ở hướng chủ yếu; Chính trị viên Nguyễn Văn Nấp đi với Trung đội 1 của chúng tôi phối thuộc với Tiểu đoàn 4 ở phía Nam; Đại đội phó Nguyễn Văn Đản đi với Trung đội 3 tăng cường cho Tiểu đoàn 6 ở hướng Tây Bắc.
Dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm Sư đoàn 320. Ảnh: T.H |
Đúng như dự đoán, trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Sau 4 giờ vây ép mạnh, 3 giờ sáng 3-4, Trung đoàn 52 được lệnh tấn công. Mặc dù pháo chiến dịch chưa vào kịp, nhưng với hỏa lực bản thân, Tiểu đoàn 5 và 6 đã chiến đấu rất kiên cường. Sau 3 giờ, các mũi chủ yếu của 2 tiểu đoàn đã gặp nhau và làm chủ trận địa. Quân địch tháo chạy về phía sau. Nhưng do lực lượng còn đông nên chúng tập hợp lại gọi hỏa lực phi pháo đánh lên điểm cao rồi tổ chức chiếm lại. Quân ta phải lui dần về tuyến xuất phát. Trong khi đó, ở phía Bắc điểm cao, trận địa 12,7 mm do Đại đội trưởng Đỗ Văn Bảy chỉ huy vẫn bắn mãnh liệt vào đội hình địch và khống chế máy bay yểm hộ đắc lực cho bộ binh. Bọn địch vô cùng tức tối đã cho một tốp 3 chiếc AD6 đến đánh liên tiếp 9 đợt bom xuống trận địa. Tuy nhiên, các khẩu đội vẫn nhằm thẳng quân thù nhả đạn và bắn rơi tại chỗ một máy bay. Song do lực lượng ít lại bị bắn phá dữ dội nên sau đó tiếng súng thưa dần và bộ binh địch ào lên trận địa. Trừ một số ít đồng chí lùi được về tuyến sau, số còn lại đều hy sinh. Khi quân ta chiếm lại được trận địa, chúng tôi đến thấy Đại đội trưởng Đỗ Văn Bảy nằm sấp trên vũng máu trước cửa hầm chỉ huy, người nhô ra phía trước, tay vẫn nắm chặt khẩu AK đã hết đạn… Chúng tôi vô cùng đau xót. Riêng đối với tôi, Đại đội trưởng Đỗ Văn Bảy không chỉ là người chỉ huy tin cậy mà còn là người anh gần gũi mà tôi hằng tôn kính.
Tôi còn nhớ cuối tháng 2-1971, chúng tôi được bổ sung vào đơn vị lúc đó đang tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào, trong một hang đá lớn. Khi anh lên nhận chúng tôi, Chính trị viên Nguyễn Văn Sử giới thiệu: “Đây là đồng chí Bảy-Trung đội trưởng của các đồng chí!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước người Trung đội trưởng quá trẻ nhưng nhanh nhẹn này. Vài ngày sau, khi đã biết đôi điều về tôi, anh luôn gần gũi trò chuyện về quê hương và gia đình. Những đêm trăng sáng trực trên trận địa, lúc bình yên, anh thường gọi tôi lên hầm chỉ huy nói chuyện cho vui. Qua tâm sự của anh, tôi được biết, anh sinh năm 1949 ở làng Non (xã Xương Giang, thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Tháng 3-1967, anh tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào Tiểu đoàn 16 (Sư đoàn 320). Trên chiến trường Quảng Trị cuối năm 1967, anh đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh nảy lửa với quân Mỹ ở Cù Đinh, Ba De, điểm cao 544, “ba trăm đất, ba trăm đá”; ở Cam Lộ trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tiếp đó là ở Gio Linh, Cửa Việt… rồi Đường 9-Nam Lào. Tháng 5-1971, đơn vị chuyển hướng về Bắc Quảng Trị, anh được bổ nhiệm giữ chức Đại đội phó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia tiến công tiêu diệt căn cứ Ba Hồ, tháng 8-1971, đơn vị rút ra Hà Tĩnh củng cố, anh được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng. Trước lúc hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, anh còn đến từng trung đội căn dặn: “Trận này ác liệt đấy nhưng phải quyết đánh thắng nhé!”. Không ngờ, đó lại là lời dặn dò cuối cùng của anh đối với chúng tôi.
2. Chiều 26-1-1973, đơn vị tôi được giao phối thuộc với Trung đoàn 48 tiêu diệt Đồn 30 trên đường 19 Tây (nay thuộc xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Ngay sau khi quân ta làm chủ mục tiêu, quân địch đã cho một tốp máy bay A37 tới dội bom hủy diệt căn cứ, thiêu cháy luôn những tên lính xấu số đã tử trận và cả những tên bị thương đang kêu cứu. Trên căn cứ lúc này, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) còn một bộ phận đang thu dọn chiến trường. Trận địa 12,7 mm của chúng tôi liền nổ súng đánh máy bay địch. Từng loạt đạn bất ngờ, chính xác đã làm cho không quân địch vội vã trút bom rồi chuồn thẳng. Nhưng chỉ vài phút sau, chiếc L19 từ nãy vẫn lượn trên cao quan sát đã lao xuống phóng một quả pháo khói vào trước hầm pháo của Khẩu đội 2. Đụn khói trắng từ quả đạn vừa cuộn lên đã thấy một tốp 3 chiếc AD6 từ hướng Bắc lao tới. Sau một vòng lượn, từ hướng Nam chiếc đầu đã vào điểm bổ nhào. Và cứ thế, máy bay địch từ trên cao thay nhau lao xuống cắt bom, chúng tôi ở dưới cứ bắn lên. Chiếc thứ ba vừa lao xuống, 2 đường đạn đỏ lừ của 2 khẩu đội gần như cùng lúc chui tọt vào thân máy bay địch, nó chệnh choạng lao thẳng về phía Đông… Máy bay địch đã mất hút. Chúng tôi lên khỏi công sự, cả khu vực trận địa và vạt rừng xung quanh bỗng chốc trở thành bình địa, cây cối đổ ngổn ngang, một vài chỗ lửa vẫn cháy lập lòe, nổ lách tách.
Chúng tôi đang ngụy trang củng cố trận địa thì cậu Phương ở khu vực gác bộ binh chạy lại, vẻ mặt hớt hải: “Các anh ơi, Tiến nó bị thương rồi. Nặng lắm!”. “Thế bây giờ cậu ấy ở đâu?”-Khẩu đội trưởng Đoàn Văn Khoái hỏi lại. “Chúng em đã băng bó và đưa cậu ấy vào hầm rồi!”. Anh Khoái liền chạy đi, tôi cũng bám theo. Trong căn hầm trú ẩn dưới lùm cây xanh phía trước trận địa, Tiến nằm đó, máu thấm đỏ dải băng trắng trên ngực trái. Y tá Dậu đang cùng cậu Thịnh ngồi bên lay gọi. Tiến vẫn luôn miệng gọi tên từng anh em trong khẩu đội. Khuôn mặt tươi tắn vui nhộn hàng ngày của Tiến đã tái dần. Hết gọi đồng đội, Tiến lại gọi mẹ rồi mệt dần. Trong cơn mê sảng, Tiến thều thào: “Các anh đưa em đi đâu thế này. Cứ để em ở đây, mắc cho em cái võng dưới bóng cây râm mát này là được rồi…”. Ít phút sau, Tiến tắt thở. Chúng tôi không ai cầm được nước mắt trước sự ra đi thanh thản của người đồng đội trẻ trung, nhiều ước mơ…
Bùi Văn Tiến sinh năm 1953, quê ở Vũ Phúc, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sinh ra ở quê lúa, lớn lên bằng những hạt gạo, củ khoai một nắng hai sương của mẹ, những ngày còn đi học, Tiến mơ ước sau này trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp quê hương đưa năng suất cây lúa lên cao. Tháng 5-1971, tốt nghiệp cấp III, Tiến đăng ký thi vào Trường Đại học Nông nghiệp 1. Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra gay go quyết liệt, Tiến đã quyết định gác lại ước mơ, xung phong vào bộ đội và sau 3 tháng huấn luyện, tháng 8 năm đó, anh được bổ sung vào đơn vị chúng tôi. Trong các trận chiến đấu ác liệt ở phòng tuyến bờ Tây sông Pô Kô, ở thị xã Kon Tum trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 và tiếp đó là ở đường 14, đường 19 Tây (Gia Lai), anh luôn xông xáo, linh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh là người sống lạc quan, rất mực chân tình, trong điều kiện chiến đấu gian khổ ác liệt là vậy nhưng những lúc có điều kiện, anh vẫn ghi chép và làm thơ rồi đọc cho anh em nghe. Vậy mà trong trận đánh này, anh làm nhiệm vụ gác bộ binh địch bảo vệ trận địa, thấy ở Khẩu đội 3 bị bom bốc cháy, anh vội lao đến để cứu đồng đội. Nhưng một mảnh bom bằng nửa bàn tay quái ác đã cắm phập vào ngực trái của anh, cướp đi người đồng đội yêu quý của chúng tôi.
3. Trong trận tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 82 Biệt động quân ở căn cứ Làng Siêu (nay thuộc huyện Chư Prông) sáng 15-4-1974, tôi được chứng kiến một đồng đội đã chiến đấu, hy sinh vô cùng anh dũng. Đó là Trung đội trưởng Bế Văn Thành, dân tộc Tày, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48. Anh sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1966, quê ở Hồng Quang (Quảng Hòa, Cao Bằng). Anh đã tham gia hàng chục chiến dịch, hàng trăm trận đánh ở Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên…
5 giờ 45 phút ngày 15-4-1974, sau đợt bắn phá dữ dội của các loại hỏa lực pháo, cối, ĐKZ, 12,7 mm của ta vào căn cứ Làng Siêu, từ 2 hướng các chiến sĩ bộ binh đồng loạt xung phong. Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 làm nhiệm vụ đột phá ở hướng chủ yếu. Ngay sau loạt bộc phá liên kết nổ hất tung 4 lớp hàng rào, theo lệnh của đại đội, Trung đội 8 do Trung đội trưởng Bế Văn Thành dẫn đầu bật dậy lao lên. Bọn địch trong căn cứ sau cơn choáng váng đã dùng xe bọc thép và hỏa lực kháng cự quyết liệt. Đạn 12,8 mm trên các xe địch bắn ra ken dày bờ tường đất. Xạ thủ B40 đi cùng Thành bắn 2 phát liền đều không trúng xe vì vướng bờ tường đất. Bộ đội ùn lại cửa mở, một vài đồng chí thương vong.
Tình thế thật gay go. Nếu chần chừ, để bộ đội nằm phơi trước cửa mở thế này thì sẽ tiếp tục bị thương vong. Sau giây lát suy nghĩ, Trung đội trưởng Bế Văn Thành liền bảo xạ thủ B40 đưa súng cho mình. Lợi dụng lúc hỏa lực địch tạm ngớt, anh lao lên sát bờ tường đất và bất thần đứng vụt dậy nhằm vào chiếc xe gần nhất siết cò. Chiếc M113 bùng cháy. Những chiếc xe khác thấy vậy vội lùi lại. Bỗng Bế Văn Thành ngã gục xuống. Đồng đội lao lên đỡ anh dậy. Anh nằm lịm trên tay đồng đội, máu ở ngực vẫn xối ra ướt đầm cả áo. Trên khuôn mặt thoáng nở một nụ cười, rồi anh trút hơi thở cuối cùng. Noi gương anh, các xạ thủ B40 đã lao lên lợi dụng bờ tường đất khống chế địch, tạo thuận lợi cho quân ta tiến lên. Biết chắc chắn xông lên là sẽ hy sinh, nhưng vì tính mạng của đồng đội, vì thắng lợi của trận đánh, Bế Văn Thành đã không tiếc thân mình và anh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hùng Tấn