Phóng sự - Ký sự

Ký ức hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi tháng 4 về, các cựu chiến binh (CCB) từng góp mặt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lại cùng nhau nhắc nhớ và sống lại ký ức của những ngày thống nhất non sông.

 

1. “Dù chỉ tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc được vỏn vẹn 7 tháng nhưng tôi rất vinh dự và tự hào”-CCB Nguyễn Văn Phương (29/11 Lạc Long Quân, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) mở đầu câu chuyện bằng chất giọng hào sảng. Dưới ánh nắng chiều hắt qua khung cửa, gương mặt ông dường như bừng sáng khi nhắc nhớ về ký ức không thể nào quên.

2-Cựu chiến binh Đào Ngọc Lập (phải) cùng cựu binh Nguyễn Văn Phương nhắc nhớ ký ức của những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 45 năm
Cựu chiến binh Đào Ngọc Lập (phải) cùng cựu binh Nguyễn Văn Phương nhắc nhớ ký ức của những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 45 năm. Ảnh: Mộc Trà



Tháng 4-1974, ông Phương nhập ngũ, trải qua 6 tháng huấn luyện tân binh tại Hà Bắc rồi hành quân vào Nam và được biên chế vào Đại đội 20 Trinh sát (thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Sau khi tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, ông cùng đơn vị tiếp tục theo đường 20 lên Lâm Đồng rồi tập kết tại Dầu Tiếng (Tây Ninh) để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Phương hồi tưởng: “Ngày 25-4, chúng tôi vào đến Củ Chi. Đến sáng 28-4, tôi cùng 5 đồng chí nữa được giao nhiệm vụ trinh sát thọc sâu vào ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả và Sân bay Tân Sơn Nhất. Nhận lệnh, tôi hơi lo lắng vì trước giờ toàn trinh sát trong rừng, chưa hề có kinh nghiệm trinh sát đường phố. Dẫn đường cho chúng tôi khi đó là nữ biệt động nhỏ nhắn tên là Trung Tiên. Chúng tôi mặc thường phục theo chân cô ấy luồn lách không biết bao nhiêu ngóc ngách của Sài Gòn, thậm chí xuyên qua cả nhà dân để có thể tiếp cận mục tiêu một cách an toàn nhất. Tất cả địa điểm chúng tôi đến, địch đều bố trí xe tăng, xe thiết giáp, vũ khí và lực lượng bộ binh dày đặc. Tuy nhiên, tâm lý của chúng có phần hoang mang bởi nghe tin thất trận báo về, bị quân ta phá thế phòng ngự ở nhiều nơi”.

Hoàn thành nhiệm vụ, rạng sáng 30-4, sau trận pháo kích vang trời ập vào các mục tiêu, ông Phương cùng tổ trinh sát và nữ biệt động Trung Tiên dẫn đường cho Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) tiến đánh địch tại ngã tư Bảy Hiền. “Địch kháng cự quyết liệt, tập trung vũ khí, liên tục dùng hỏa lực để đánh trả. Bộ đội ta hy sinh khá nhiều song vẫn kiên cường chiến đấu và cuối cùng đã chiếm được mục tiêu. Thừa thắng xông lên, chúng tôi theo đường Lăng Cha Cả tiến vào cửa số 5 Sân bay Tân Sơn Nhất. Quân ngụy ở đây cố gắng phòng thủ nhưng sau đó nhanh chóng bị ta làm cho tan rã. Khoảng 10 giờ sáng, chúng ta đã chiếm trọn sân bay và tiếp tục đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Khí thế đánh giặc khi đó dâng cao ngùn ngụt, ai cũng tin tưởng rằng giờ phút đại thắng đang đến rất gần”-ông Phương kể.

2. Cách nhà CCB Nguyễn Văn Phương chỉ một con hẻm, ông Đào Ngọc Lập (62/12 Lạc Long Quân, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng là một người lính từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đơn vị ông (Trung đoàn 29 Thông tin, Quân đoàn 3) khi đó có nhiệm vụ triển khai hệ thống thông tin liên lạc, phục vụ cho chiến dịch. “Đáng nhớ nhất là khi triển khai đường dây đỏ để phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên đánh Sư đoàn 23 của ngụy ở Buôn Ma Thuột. Vì xác định nhầm vị trí gặp nhau tại bờ sông Sêrêpôk nên 2 đầu dây thông tin không đấu nối được, trong khi sắp đến giờ nổ súng tấn công theo kế hoạch. Lúc ấy, cả đơn vị vô cùng căng thẳng. Chúng tôi gấp rút huy động toàn bộ lực lượng gùi dây đến bờ sông để triển khai đường dây mới, may sao lúc đó hai bên lại gặp được nhau và nhanh chóng nối dây vượt sông, thông liên lạc. Anh em chúng tôi quệt vội mồ hôi, nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được giao”-ông Lập nhớ lại.

Buôn Ma Thuột được giải phóng. Đơn vị ông Lập nhận lệnh thần tốc vào Nam, tiếp tục triển khai nhiệm vụ thông tin trước khi bộ đội ta đánh vào các cứ điểm như Đồng Dù, Củ Chi, Sân bay Tân Sơn Nhất. Càng về cuối, cuộc chiến càng ác liệt. Những người lính thông tin như ông phải “đi trước về sau”, đảm nhiệm công tác trong vòng vây kẻ thù, đối diện với bao thế lực theo dõi, mật thám song vẫn luôn nỗ lực vượt qua gian khổ, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để đảm bảo thông tin luôn được thông suốt trong mọi tình huống, góp phần làm nên đại thắng vang dội mùa xuân 1975.

3. Khác với ông Phương và ông Lập, ký ức của ông Hà Quân-Phó Chủ tịch Hội CCB TP. Pleiku-về tháng 4 lịch sử chỉ gói gọn ở Phú Lợi, Bến Cát, Lái Thiêu (Bình Dương). Ngày ấy, ông là chiến sĩ của Tiểu đoàn 25 Vận tải trực thuộc Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), đảm nhận việc vận tải đạn dược, lương thực, thực phẩm, tiếp nhận thương binh về vị trí tuyến sau; đồng thời kết hợp với các đơn vị bộ binh tổ chức chiến đấu.

 Ông Hà Quân đánh đàn cho các em thiếu nhi hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” vào thời điểm 1 tuần sau ngày giải phóng (ảnh nhân vật cung cấp). .
Ông Hà Quân đánh đàn cho các em thiếu nhi hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” vào thời điểm 1 tuần sau ngày giải phóng (ảnh nhân vật cung cấp). .



Ông Quân hồi tưởng: “Tôi còn nhớ khi đó, bên cạnh vũ khí, mỗi người lính chúng tôi còn mang theo bên mình 1 lá cờ Tổ quốc, khi đánh chiếm được thủ phủ nào của ngụy thì mau chóng cắm cờ giải phóng lên. Chiến sĩ mới chúng tôi ai cũng quyết tâm cao lắm, khí thế đánh giặc sục sôi. Từ sáng 29 đến gần trưa 30-4, Sư đoàn 312 của ta đã làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 5 của ngụy ở Bến Cát, tiêu diệt 44 tên, bắt sống 540 tên. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ-Tư lệnh Sư đoàn 5 của ngụy phải tự sát. Đáng nhớ nhất là khi chúng tôi vừa giải phóng Bình Dương thì nhận được tin đúng 11 giờ 30 phút trưa 30-4, đồng chí Bùi Quang Thận đã cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau vỡ òa cảm xúc. Người tung mũ cối lên trời, người bắn chỉ thiên vài phát súng mừng chiến thắng. Khắp đường phố, nhân dân đổ ra dọc đường tung cờ hoa vẫy tay chào bộ đội. Không ít nước mắt đã rơi trong thời khắc thiêng liêng ấy của dân tộc”.

…Sau ngày giải phóng, các ông ở lại cùng đơn vị tiếp tục làm công tác quân quản, dân vận và vận động nhân dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới. Nhiều người tiếp tục tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Giờ đây, tuổi già vui thú điền viên, song hễ có dịp là những người lính năm xưa lại gặp gỡ, lật giở từng trang ký ức về những tháng ngày thanh xuân đáng nhớ trong bồi hồi, xúc động. Đâu đó vang lên giai điệu quen thuộc giữa những ngày tháng 4 khiến lòng các ông không khỏi chộn rộn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công…”.

 

MỘC TRÀ



 

Có thể bạn quan tâm