(GLO)- Với những cán bộ cách mạng nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh như Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu, Gia Lai những năm đầu giải phóng là khoảng thời gian không thể nào quên. Những năm tháng ấy đã ghi dấu sự tận tâm, tận lực và những nỗ lực phấn đấu, rèn giũa tinh thần và phẩm chất cách mạng của các ông nói riêng cũng như của lớp lớp cán bộ công tác trên địa bàn tỉnh thời kỳ đầu sau giải phóng.
Bức tranh toàn cảnh
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. |
Trong ký ức của người cán bộ cách mạng lão thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành, Gia Lai những ngày đầu giải phóng là vô cùng gian khó. “Gia Lai nghèo, kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đời sống nhân dân thấp; đói kinh niên, bệnh tật, mù chữ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu là du canh, du cư. Vùng căn cứ cách mạng thì kiệt quệ, vùng mới giải phóng thì nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết khi người dân hoang mang bỏ chạy trên đường 7, chịu cảnh đói đau dọc đường (hàng chục ngàn người), dân ở các vùng ấp chiến lược không có nhà cửa, không có lương thực, dân còn lại trong các thị xã, thị trấn thì thất nghiệp…”- ông Ngô Thành hồi nhớ.
Cũng theo ông Ngô Thành, sau giải phóng, nhu cầu của cách mạng rất lớn, trên nhiều mặt; trong đó có việc ổn định đời sống cho cán bộ, nhân dân. Tài sản tiếp quản từ ngụy quân ngụy quyền hầu như không có gì, cơ sở vật chất hầu như không có, có duy nhất 1 bệnh viện tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bây giờ, 1 nhà máy nhiệt điện; một ít diện tích chè, cà phê tại Bàu Cạn, Biển Hồ nhưng lại có giá trị thấp… Nguồn tài chính thì chủ yếu chờ sự trợ cấp của Trung ương mà Trung ương cũng đã oằn mình trợ cấp cho miền Bắc, miền Nam trong những năm tháng chiến tranh. Thu nhập bình quân của người dân là 100 đô la/người/năm. Đây là một bức tranh kinh tế-xã hội hết sức nghèo nàn.
“Điểm khó” Ia Grai
“Có khó khăn nào mà chúng tôi chưa chạm tới và chưa trải qua; nhiều, rất nhiều là đằng khác, nhưng điều cốt yếu là chúng tôi đều từng bước khắc phục, vượt qua, cùng chung sức xây dựng với kỳ vọng Gia Lai ngày một khởi sắc”- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu mở đầu câu chuyện bằng một lời khẳng định chắc nịch, rõ ràng. Ông cho biết: “Ngày 20-9-1976, tôi về công tác tại Ty Thủy lợi, sau được phân công nhận nhiệm vụ tại Phòng Nông nghiệp Thủy lợi huyện, đứng chân trên địa bàn xã Ia Tô bây giờ. Khi đó, cán bộ, nhân viên ít, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, phải ở tạm nhà dân. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Đảng bộ huyện lúc bấy giờ là phải cứu đói cho dân khi 70-80% dân số trên toàn huyện đang trong tình trạng thiếu đói. Cùng với đó là công tác xóa nạn mù chữ cho cán bộ xã và nhân dân. Ngành Giáo dục-Đào tạo huyện phải huy động toàn bộ lực lượng cho công tác này, những người có chút kiến thức về sư phạm cũng được trưng dụng. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến công tác y tế cũng cực kỳ nan giải, khi bệnh sốt rét hoành hành, đó là chưa kể các dịch bệnh khác”.
Khách tham quan hình ảnh các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phan Lài |
Cũng theo ông Phạm Đình Thu, trong tình cảnh điện, đường, trường, trạm còn thiếu đủ bề như thế thì tình hình an ninh chính trị cũng lại vô cùng phức tạp. Bọn phản động FULRO hoạt động mạnh, chủ yếu ở Ia Dêr gây nhiều khó khăn. Phần lớn dân quân, du kích, cán bộ xã, huyện đi đâu thường phải có trang bị vũ khí để bảo vệ chính mình. Sau đó, tỉnh thành lập Ban 03 có nhiệm vụ truy quét FULRO, kéo dài trong suốt mấy năm liền. “Mặt khác, huyện còn có một khó khăn “tự sinh”, đó là trong suốt một thời gian dài, huyện chưa được quy hoạch. Vì thế xảy ra tình trạng thấy địa điểm nào thuận lợi thì làm nơi đứng chân cho các cơ quan đầu não của huyện ở chỗ đó, hết Ia Tô, Ia Hrung rồi đến Ia Kha. Đó là chuyện trung tâm hành chính của huyện, còn chuyện trụ sở làm việc, cách làm việc ở cấp xã thì còn nan giải hơn rất nhiều. Có một thời gian dài, khi có việc muốn gặp cán bộ xã phải cho người đi tìm vì cán bộ xã rất ít khi có mặt tại trụ sở làm việc; khi đi làm thì thường đem con dấu theo; còn có cả trường hợp có cán bộ xã sau khi trúng cử thì “di cư” luôn trụ sở làm việc của UBND xã về ngay làng mình cho gần…”- ông Phạm Đình Thu chia sẻ.
Đồng lòng vượt qua gian khó
Ông Ngô Thành cho hay, trước tình hình khó khăn như thế, tỉnh đã huy động toàn lực, từ vũ trang, chiến sĩ đến nhân dân chung tay mở các chiến dịch khai hoang, xây dựng cánh đồng, thực hiện định canh định cư, làm thủy lợi để phát triển sản xuất nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt là lương thực. Từ đây, nhiều cánh đồng, công trình thủy lợi được xây dựng như: Đê Bà (huyện Kbang ngày nay); Yang Trung (huyện Kông Chro), Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Ia Hrung và Ia Sao (huyện Ia Grai). Đồng thời, chuyển một số dân ở xã, thị trấn thất nghiệp ra các khu định cư để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, như điểm kinh tế mới 17-3, Trà Đa, Diên Phú (TP. Pleiku), Hòa Phú (huyện Chư Pah), Hà Lòng (huyện Đak Đoa), Hà Tam (huyện Đak Pơ). Bên cạnh đó, tổ chức vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện định canh định cư, đây được xem là một cuộc vận động lớn, đó là chuyển các làng trên núi cao xuống vùng thấp hơn để có điều kiện phát triển sản xuất; chuyển làm rẫy sang làm ruộng, chuyển một vụ sang hai vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi (trồng tiêu, điều, mía; nuôi bò, dê, thỏ). Đồng thời, chuyển đổi một số ngành nghề, trước đây chỉ có đan lát, làm gùi, dệt vải và phát triển thêm nghề rèn nông cụ, làm thêm một số ngành nghề, dịch vụ khác. Đây được xem là một cuộc cách mạng sản xuất.
Cũng theo ông Ngô Thành, việc phát triển các nông-lâm trường đã thu hút được lao động địa phương, thu hút được dân kinh tế mới từ đồng bằng lên, sản xuất được những sản phẩm mới. Các nông-lâm trường đã làm “bà đỡ” cho người dân địa phương, giúp dân cải tiến tập quán sản xuất, kỹ thuật, giúp dân xây dựng đường sá, trường học, bệnh xá. Tỉnh cũng đã tiếp nhận nhân dân đi kinh tế mới theo chủ trương của Đảng từ: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam Ninh; đó là chưa kể một số dân ở các tỉnh không có chủ trương đưa dân đi nhưng người dân tự tìm đến như Sơn La, Cao Bằng… Khi đến vùng đất mới, một số người dân tự lo sản xuất, một số vào các nông-lâm trường làm công nhân. “Với sự chỉ đạo của Đảng bộ Gia Lai- Kon Tum, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đem lại nhiều hiệu quả nhất định nhưng do trong thời kỳ quan liêu, bao cấp nên hiệu quả kinh tế vẫn còn có những hạn chế”-ông Ngô Thành nói.
Thái Bình