Phóng sự - Ký sự

Ký ức về “địa ngục trần gian”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong số hàng ngàn cựu tù chính trị yêu nước và người thân ở khắp mọi miền Tổ quốc về dự lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, tỉnh Gia Lai có 32 cựu tù và thân nhân. Với mỗi người, đây là chuyến đi ấn tượng, đong đầy cảm xúc.

Hai lần đến Phú Quốc, bà Đào Thị Hà (305 Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đều không ngăn được dòng nước mắt lăn dài khi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ và Đền thờ liệt sĩ TP. Phú Quốc. Ký ức về những năm tháng bị kẻ thù giam cầm, tra tấn dã man cứ thế ùa về trong tâm trí nữ cựu tù đã bước qua tuổi 73.

Bà hồi tưởng: “17 tuổi, tôi tham gia đội biệt động thị xã Kon Tum. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là làm giao liên, rải truyền đơn, vận chuyển lương thực, đưa đón cán bộ ra vào thị xã... Năm 1970, khi đang làm nhiệm vụ, tôi bị địch bắt giam tại Ngục Kon Tum. Chúng dùng đủ mọi cực hình để tra hỏi, nhẹ thì đấm đá, bạt tai, nặng hơn là bịt mũi đổ nước ớt, xà phòng vào miệng”.

Không dừng lại ở đó, bà Hà còn nhiều lần bị cai ngục tra tấn bằng cách cho đi “máy bay”-cột 2 chân treo lơ lửng trên trần nhà, rồi cho người đấm đá đến khi ngất lịm; đi “tàu thủy”-cho người vào thùng phuy ngập nước, lấy búa sắt đập mạnh bên ngoài. Kèm theo cực hình tra tấn ấy là hàng loạt câu hỏi: “Cơ sở mày ở đâu?”, “Ai đồng chí với mày?”, “Mày Việt Cộng nằm vùng phải không?”...

Năm 1972, bà cùng nhiều tù nhân khác bị kẻ địch đưa về giam tại Nhà lao Pleiku và 1 năm sau bị kết án 18 tháng tù (lấy mốc ngày 27-1-1973) với tội danh “Việt Cộng nằm vùng”. Sau đó, bà bị đưa xuống giam giữ ở Trại cải huấn Khánh Hòa, đến tháng 8-1974 mới được trả tự do.

“Cha tôi là liệt sĩ Đào Duy Hải cũng bị địch bắt cùng năm. Chúng giam cha tôi tại Nhà lao Pleiku sau đó chuyển ra Nhà tù Côn Đảo. Năm 1973, cha tôi được đưa về Nhà lao Tân Hiệp (tỉnh Đồng Nai) để chờ trao trả tự do theo Hiệp định Paris nhưng vì kiệt sức bởi những đòn roi tra tấn nên đã hy sinh”-bà Hà rưng rưng nhắc nhớ.

Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh và thân nhân tham gia lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” tại Phú Quốc (ảnh Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh cung cấp).

Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh và thân nhân tham gia lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” tại Phú Quốc (ảnh Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh cung cấp).

Cũng như bà Hà, khi về thăm lại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc, nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần trong suốt 8 năm bị địch bắt tù đày (1967-1975) của cựu tù 77 tuổi Nguyễn Đôn Thiêm (276/4 Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) như hiện hữu.

Bị bắt giữ khi đang tham gia lực lượng du kích địa phương, thời gian đầu, ông Thiêm bị giam tại Nhà lao Quảng Ngãi. Vài ngày, ông bị cai ngục tra hỏi. Lần nào cũng vậy, ông đều khai là người dân sinh sống tại địa phương. Đến tháng 4-1968, ông bị đưa ra Nhà tù Côn Đảo. Hiệp định Paris ký kết, ông cùng nhiều tù nhân khác được đưa về đất liền để tiến hành trao trả. Tuy nhiên, kẻ địch lại tìm cách hợp thức hóa vấn đề giam giữ và ông bị liệt vào danh sách gian nhân hiệp Đảng, không được trao trả. Năm 1974, chúng đưa ông quay trở lại Nhà tù Côn Đảo giam giữ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Đây là lần thứ 3 tôi trở lại Phú Quốc. Những lần trước, chúng tôi di chuyển bằng ô tô, bằng tàu, riêng lần này được đi máy bay. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện để các cựu tù chúng tôi có chuyến hành trình đầy ý nghĩa. Chúng tôi có cơ hội thắp nén nhang cho những người đã nằm xuống; gặp lại những bạn tù, ôn lại kỷ niệm, thấy bản thân còn may mắn vì còn sống và tiếp tục cống hiến cho quê hương”-ông Thiêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Đôn Thiêm từng bị địch bắt và giam giữ suốt 8 năm. Ảnh: Phương Dung

Ông Nguyễn Đôn Thiêm từng bị địch bắt và giam giữ suốt 8 năm. Ảnh: Phương Dung

Tâm trạng ông Trần Minh Sơn-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh cũng đan xen buồn vui. Những đổi thay của nơi từng được ví là “địa ngục trần gian” khiến ông không khỏi ngạc nhiên. “10 năm trước, nơi đây còn là huyện đảo hoang sơ. Bây giờ, Phú Quốc đổi khác với các công trình kiến trúc sang trọng, đẹp mắt, những điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Riêng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc được tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục như: nhà trưng bày di tích, đường hầm vượt ngục, chuồng cọp, nhà giam, tượng đài Nắm Đấm, tượng đài Đồi Sim... Nơi đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước”-ông Sơn bày tỏ.

Tham dự lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” diễn ra trong 2 ngày (25 và 26-3), các cựu tù và thân nhân đã được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, qua đó ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, ý chí cách mạng kiên cường của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; đồng thời tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đóng góp xây dựng quê hương.

Có thể bạn quan tâm