Phóng sự - Ký sự

Ký ức về ngôi trường "có một không hai" ở Bắc Tây Nguyên-Kỳ 2: Sâu đậm nghĩa thầy trò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 66 Ngô Quyền (TP. Kon Tum), thầy Nguyễn Công Khóa-nguyên Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã đứng chờ sẵn trước sân. Và rồi, những câu chuyện sống động trở về từ ký ức đã minh chứng rằng, những lúc khó khổ nhất, tình nghĩa thầy trò càng đẹp đẽ, sâu đậm hơn bao giờ hết.

Khó chồng khó

Trong lúc đợi P.V đến như đã hẹn, thầy Khóa tranh thủ soạn lại những bức ảnh tư liệu quý, trong đó có bức ảnh chụp Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm thầy và trò nhà trường vào tháng 7-1977, một năm sau khi trường được thành lập.

Trong ký ức của người thầy năm nay đã 74 tuổi, đoạn đời đáng nhớ nhất chính là thời gian làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1976 đến 1984. Thầy Khóa trầm tư nhớ lại: Trước đó, thầy là giáo viên Trường học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phú cũ, nay là Vĩnh Phúc). Sau khi đất nước thống nhất, thầy được cử về Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum cùng 4 thầy giáo khác để bổ sung nguồn giáo viên đang thiếu trầm trọng tại đây. Lúc này, học sinh nhiều nơi bắt đầu về lại quê hương, gồm học sinh các trường miền Nam trên đất Bắc hoặc ở Quế Lâm (Trung Quốc), Trường Quân chính Mặt trận B3 (thuộc Quân đoàn 3). Nhiều em sống ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... nhưng có người thân làm việc ở Gia Lai-Kon Tum cũng tập trung về học. Sau khi UBND cách mạng tỉnh quyết định thành lập Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa, không ít học sinh trong số này đã được đưa về trường.

 Thầy Nguyễn Công Khóa và các giáo viên, học sinh Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh trong những ngày đầu thành lập trường (ảnh nhân vật cung cấp).
Thầy Nguyễn Công Khóa và các giáo viên, học sinh Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh tỉnh trong những ngày đầu thành lập trường. Ảnh nhân vật cung cấp



Khó khăn trước mắt về cơ sở vật chất nhanh chóng được giải quyết khi tỉnh tiếp quản ký nhi viện do Tòa Giám mục tỉnh Kon Tum bàn giao, sau đó cải tạo thành nơi nuôi dạy 150 học sinh. Những yêu cầu tiếp theo về trang-thiết bị, bàn ghế, giường tủ, bếp núc… do Ty Thương binh-Xã hội chịu trách nhiệm; riêng Ty Giáo dục phụ trách về chương trình học, sách giáo khoa, vở… đúng như phân công của lãnh đạo tỉnh. Do trường lúc này chỉ có 3 cán bộ nên Hiệu trưởng phải đề xuất Ty Giáo dục tuyển và bổ sung thêm một số giáo viên vừa tốt nghiệp sư phạm. Để giáo viên làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ rất đông học sinh thuộc nhiều độ tuổi, thành phần, dân tộc, kể cả học sinh khuyết tật, Ty Giáo dục chủ trương chỉ chọn những thầy cô thuộc gia đình cách mạng, từ đó có sự yêu thương, thấu hiểu sâu sắc đối với học sinh. 2 giáo viên dân tộc thiểu số cũng được cử về để củng cố quan hệ giao tiếp với học sinh trưởng thành từ các buôn làng; những giáo viên còn lại đều phải học tiếng dân tộc để trao đổi với các em. Trường còn có 1 y sĩ từ căn cứ ra để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh thường gặp lúc bấy giờ như: sốt rét, ghẻ lở, suy dinh dưỡng…

“Thế nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Ngày đó, bọn phản động FULRO hoạt động rất manh động ở khu vực quanh trường. Do vậy, mỗi đêm, Thị đội Kon Tum đều phải cắt cử 6 chiến sĩ ôm súng gác để bảo vệ thầy và trò nhà trường suốt một thời gian dài. Học sinh cũng được dặn khi nghe tiếng kẻng báo nguy thì phải nằm rạp xuống dưới gầm giường”-thầy Khóa hồi tưởng.

Với cô giáo Trịnh Thị Minh (quê Phủ Lý, Hà Nam), tuy đã xa Tây Nguyên gần 40 năm song bao ký ức về trường xưa, trò cũ vẫn luôn được cô cất giữ như kỷ vật. Trò chuyện với chúng tôi từ Hà Nội, cô Minh bật cười: “Sau này nhớ lại khoảng thời gian 9 năm gắn bó với trường, tôi tự hỏi sao hồi đó mình dũng cảm, nghị lực đến thế?”.

Bằng chất giọng trầm ấm, cô Minh cho hay: Học xong lớp 12, thấy Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum tuyển sinh để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, cô quyết định đăng ký. Sau khi tốt nghiệp năm 1976, cô được phân công về Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh. Với một giáo viên còn quá trẻ, đây là môi trường đầy thử thách. Lúc này, nhà trường vừa mới thành lập, chưa có học sinh nên cô Minh phải băng rừng lội bộ xuống từng buôn làng ở các huyện: Chư Sê, An Khê, Ayun Pa, Đak Tô… để tìm hiểu, vận động học sinh là con em các gia đình liệt sĩ, thương binh đến trường. Đường thăm thẳm xa nhưng tuổi trẻ hừng hực khí thế nên cô không quản ngại khó khăn. “Nhiều em đang học thì nhớ nhà quá nên lén bỏ về làng. Vậy là giáo viên chủ nhiệm lại phải đi tìm, vận động các em quay trở lại trường”-cô Minh kể thêm về nỗi vất vả ngày đó. Có lần, cô được một học sinh dân tộc thiểu số dẫn đường đi vận động học sinh bỏ học ở Ayun Pa. Khi ngang một cánh rừng, em học sinh hối hả nói: “Cô ơi, mình phải đi nhanh chứ ở đây con thấy có nhiều dấu chân hổ lắm!”. Vậy là 2 cô trò cố nén nỗi sợ để đi mà như chạy. Không chỉ sợ thú dữ, họ còn ngay ngáy nỗi lo FULRO tập kích.

Ấm nghĩa thầy trò

Hoàn cảnh thời hậu chiến đã đưa đẩy và gắn kết hàng trăm con người ở Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa tỉnh Gia Lai-Kon Tum như thế. Và sự hỗ trợ hết lòng của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của từng giáo viên, đứng đầu là người quản lý có tầm đã dần đưa nhà trường vào guồng hoạt động ổn định.

Chỉnh lại chiếc mục kỉnh, thầy Khóa làm một thống kê nhỏ: Số học sinh nhà trường dao động từ 150 đến 220 em/năm. Qua 11 năm hoạt động, khoảng 400-450 học sinh đã học tập và trưởng thành tại đây. Do trường chỉ dạy chương trình bậc tiểu học và THCS nên nhiều em học hết lớp 9 thì chuyển sang học tại Trường THPT Kon Tum nhưng vẫn được ăn ở tại trường cũ. Dù học sinh đa thành phần nhưng do cùng cảnh ngộ nên các em ngoan, sớm hiểu chuyện và chăm chỉ học hành.

 Bức ảnh quý chụp chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại trường được thầy Khóa nhờ P.V trao tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên
Bức ảnh quý chụp chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại trường được thầy Khóa nhờ P.V trao tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên


Để giúp các thầy cô đỡ bớt gánh nặng dạy dỗ, chăm sóc học trò, nhà trường phân công mỗi học sinh lớp lớn phụ trách chăm sóc một em nhỏ, đồng thời phụ giúp thầy cô nấu nướng, dọn dẹp. Ngày nghỉ, thầy trò cùng đi làm rẫy cách trường khoảng chục cây số để cải thiện bữa ăn. Trường còn kết nghĩa với Trung đoàn 701 (Sư đoàn 331, Quân khu 5). Hè đến, giáo viên đưa học sinh lên đơn vị hỗ trợ cắt lúa, nhổ mì; phía đơn vị thỉnh thoảng chở vài tạ thực phẩm, gạo xuống hỗ trợ các em.

Thầy Khóa còn cho thấy sự sáng tạo của người làm công tác quản lý khi gom toàn bộ tem phiếu của cả trường để mua heo nguyên con ở cửa hàng thực phẩm về nuôi bằng cơm cháy, rau lang, thức ăn thừa. Thầy giáo già bật cười thật hóm nhớ lại: “Cái khó ló cái khôn. Như vậy, các em khỏi phải vất vả xếp hàng mua thực phẩm bằng tem phiếu. Mỗi tháng, tôi lại cho thịt 2 con heo, trường vui như hội”. Trong khuôn viên ngôi trường rộng khoảng gần 2 ha, thầy và trò còn cùng nhau trồng đủ các loại rau củ, bầu bí… Chia sẻ gánh nặng, những giờ cùng học tập, lao động tình thầy trò gắn bó bền chặt như trong một gia đình.

Trong quá trình tìm gặp những giáo viên từng dạy học ở Trường Nuôi dạy con liệt sĩ, thương binh không nơi nương tựa của tỉnh, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng bà Y Mửi-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum. Bà Y Mửi tỏ ra khá bất ngờ bởi lâu nay hầu như rất ít người nhắc đến ngôi trường này. Trong căn nhà bao quanh là vườn hoa trái, bà dần mở chiếc “ngăn kéo kỷ niệm” với biết bao câu chuyện đáng nhớ. Từng là học sinh miền Nam ở Quế Lâm (Trung Quốc), khi bà vừa học hết lớp 7 thì đất nước giải phóng. Quay về lại quê hương, bà vừa học bổ túc vừa học sư phạm.

Sau khi tốt nghiệp năm 1979, bà được phân công về trường với bao bỡ ngỡ. Trong hồi ức của bà, hoàn thành vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là khổ nhất vì phải thay cha thay mẹ ăn ở chăm sóc, có em một đêm tè dầm đến vài lần. Cô giáo Y Mửi cũng đồng cảnh ngộ mẹ mất sớm, cha hy sinh ở tuyến đầu nên thương các em như ruột thịt, chẳng nề hà chuyện tắm rửa, giặt giũ, cõng học trò đến bệnh viện lúc đau ốm. Thảng hoặc, cũng như cô Minh, cô Y Mửi phải miết mải chạy đi tìm học trò bỏ trường về làng giữa đêm khuya. Bà kể: “Có em nhớ cha nhớ mẹ mà khóc, mình phải ôm lấy dỗ dành như một người chị, người mẹ”. Cứ vậy mà cô gắn bó cho đến khi trường giải thể vào năm 1987.

Bằng sự cho đi kiến thức và tình thương yêu vô bờ, các thầy-cô giáo đã ân cần dạy dỗ các em đọc thông viết thạo, hiểu biết, ngày một trưởng thành. Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã trở thành điểm sáng giáo dục tỉnh nhà và vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm vào tháng 7-1977.

Đến giờ, thầy Khóa vẫn bồi hồi xúc động khi kể về sự kiện này. Chứng kiến mô hình tỉnh tổ chức hiệu quả, bài bản, Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: Trường là lá cờ đầu, mang ý nghĩa quan trọng trong công tác đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là tạo nguồn cán bộ không phải cho hôm nay mà còn cho cả mai sau. “Tổng Bí thư Lê Duẩn dặn dò, học sinh nhà trường là những “hạt giống đỏ” của tỉnh, vì vậy mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cán bộ nhà trường thực hiện thật tốt việc nuôi dạy để các em trở thành lớp cán bộ kế cận của Tây Nguyên, thành những công dân có ích”-thầy Khóa vẫn nhớ như in từng câu nói. Và điều cuối cùng mà Tổng Bí thư lưu ý là không nên lấy tên trường như hiện tại vì dễ khiến học trò nảy sinh tư tưởng công thần, thay vào đó hãy lấy tên một anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên để các em noi gương, phát huy.

Vậy là, ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Duẩn, trường được đổi tên thành Trường Nuôi dạy con liệt sĩ Kpă Kơ Lơng.

 

PHƯƠNG DUYÊN

 

 

Có thể bạn quan tâm