Phóng sự - Ký sự

Ký ức Vị Xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cứ đến dịp giữa tháng 2 hàng năm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) những năm 1984-1989 và các đồng đội lại nhớ đến những tiếng nổ rợn người mà người lính bộ đội cụ Hồ đã phải đổ máu để chặn lại.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (áo trắng, không đeo kính) và đồng đội ôn lại ký ức về một thời Vị Xuyên đỏ lửa.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (áo trắng, không đeo kính) và đồng đội ôn lại ký ức về một thời Vị Xuyên đỏ lửa.
Nằm trong lòng địch
Những tưởng sau cuộc tấn công đưa 60 vạn quân tràn vào biên giới của 6 tỉnh phía Bắc nước ta (gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh) vào rạng sáng ngày 17-2-1979 thất bại, Trung Quốc sẽ dập tắt âm mưu tái chiếm nước ta lần nữa. Thế nhưng sau một thời gian củng cố lực lượng và liên tục gây hấn với lực lượng của ta ở biên giới phía Bắc, rạng sáng ngày 28-4-1984, Trung Quốc tiếp tục đưa 50 vạn quân của 8/10 quân đoàn chủ lực, hơn 400 pháo lớn các loại (gần 2 triệu viên đạn pháo lớn), hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép… tiến công toàn diện vào Vị Xuyên.
Trong ký ức của vị thiếu tướng già, dù cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã kết thúc 30 năm nhưng hình ảnh về mặt trận Vị Xuyên - vùng chiến sự khốc liệt trong cuộc chiến chống tái lấn chiếm biên giới cứ hiện rõ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể, sau âm mưu bành trướng bất thành của Trung Quốc ở biên giới 6 tỉnh phía Bắc, lần này chúng không mở rộng không gian chiến tranh mà thu gọn vào trong một huyện hẻo lánh nhất để dư luận trong nước và quốc tế không biết đến cuộc chiến tranh phi nghĩa, đồng thời đặt mục tiêu chiếm đóng Vị Xuyên rồi tấn công sâu vào địa phận nước ta. Tuy hẹp về mặt địa lý nhưng đây là cuộc chiến quy mô và ác liệt nhất kể từ sau 30-4-1975.
“Với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), Trung Quốc đã sử dụng hơn 20 sư đoàn, hơn 177 trung đoàn bộ binh, 4 sư đoàn pháo binh hàng ngày tấn công liên tục vào các trận địa, các điểm chốt giữ của ta. Trung bình mỗi ngày chúng bắn từ 3-5 vạn viên đạn pháo, cao điểm có những đợt trong 3 ngày liền, 15 vạn viên đạn pháo nã vào trận địa. Trung Quốc đã biến cuộc chiến tranh biên giới lần này ác liệt không kém trận chiến 81 ngày đêm đỏ lửa ở Quảng Trị nhưng thời gian kéo dài hàng ngàn ngày đêm”, vị tướng già nhớ lại chiến trường Vị Xuyên ngày ấy.
Thời điểm đó, kinh tế đất nước còn rất khó khăn, đời sống của bộ đội vô cùng thiếu thốn, các chiến sĩ chỉ có bo bo, gạo hẩm, mốc để ăn. Dinh dưỡng thiếu, nằm chốt nhiều ngày trên mặt trận, da các chiến sĩ xanh tái, đi đường rừng đường núi không vững nhưng tinh thần chiến đấu vô cùng mãnh liệt, không có chiến sĩ nào đảo ngũ, bỏ ngũ. Có những điểm “nóng” như chốt Bốn Hầm, ta và địch chỉ cách nhau khoảng 20-30m. Sống trong lòng địch, xen kẽ với địch, cơ sở của ta chỉ là những đoạn hầm trong lòng đất rộng hơn 4m2 bằng bê tông hoặc bằng gỗ, quá nhỏ bé và thô sơ so với cơ sở của kẻ địch là những hang, hốc đá kiên cố, là hàng rào dây thép gai, là hệ thống hỏa lực pháo binh lớn gấp nhiều lần, thế nhưng các chiến sĩ đã rất kiên cường bám trận địa.
Các chiến sĩ chốt giữ ở Bốn Hầm chủ yếu là người Hà Nội. Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, hình ảnh những người lính tuổi đời chỉ trên dưới 20 với bao hoài bão, nhiều người trong số đó là sinh viên của các trường đại học hăng hái tình nguyện lên chiến trường, vào vùng giáp lá cà với địch đã trở nên rất oai hùng và thiêng liêng. “Nhớ có lần tôi lên kiểm tra, anh em vây quanh rồi vừa ôm tôi vừa nói: “Mọi người cứ nói bọn em là lính Hà Nội, là công tử, không thể chiến đấu được, nhưng chúng em thề sẽ ở đây, chiến đấu đến cùng, không để một tấc đất của Tổ quốc rơi vào tay địch”. Họ đã thực hiện lời hứa, vượt qua gian nan, nguy hiểm, họ đã chiến đấu đến cùng, không ít chiến sĩ đã nằm xuống để giữ từng tấc đất của Tổ quốc”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy rưng rưng kể.
Một trong những điểm tựa ác liệt nhất của mặt trận Vị Xuyên là Đồi Đài (nằm trên Quốc lộ 2, xã Thanh Thủy, cách biên giới khoảng 500m). Ông Nguyễn Nhớ, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 881, Sư đoàn 14 cho biết, nếu mất Đồi Đài là mất Thanh Thủy, mất vùng lõi của trận địa. Vì vậy địch quyết đánh sập Đồi Đài còn ta quyết giữ bằng được.
“Khoảng 20 giờ ngày 19-11-1985, nghe một tiếng nổ lớn. Trung Quốc đánh sập Đồi Đài. Chúng đặt một quả bọc pháo khoảng 3 tấn thuốc nổ dưới chân núi, một trung đội tiền tiêu của Đại đội 10 thuộc Trung đoàn 881 có 19 người thì hy sinh mất 18, hầu hết hy sinh do sức ép của tiếng nổ, chỉ còn một người sống sót”, ông Nhớ nhớ lại tiếng nổ dữ dội vang lên chỉ sau 1 ngày đại đội của ông tiếp quản Đồi Đài. Tiếng nổ đó có lẽ cả đời ông sẽ không quên bởi nó khởi điểm cho hàng ngàn tiếng nổ gầm rú thấu trời nã vào các chiến sĩ của Trung đoàn 881 trên cứ điểm Đồi Đài. Thế nhưng bằng tinh thần quả cảm, 262 ngày đêm phòng ngự, Trung đoàn 881 giữ vững đồi Đài.
Lò vôi của thế kỷ
Trực tiếp tham gia mặt trận Vị Xuyên khi mới 19 tuổi, cựu binh Nguyễn Văn Long, liên lạc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 không cầm được nước mắt khi nhớ về những ngày trên chiến trường, nhớ về những đồng đội đã chiến đấu anh dũng và hy sinh.
Cựu binh Nguyễn Văn Long kể, đầu tháng 9-1984, Tiểu đoàn 6 tiếp cận cao điểm 685 (gồm các đỉnh E1, E2, E3, E4, E5). Ban ngày, các chiến sĩ đi địa hình, địa vật, vào hang Mán học tiếng Tàu, học bắn hỏa lực và sử dụng súng M72, còn ban đêm đi vào khu vực giáp quân địch. Trước đây cao điểm 685 vẫn là cánh rừng già với những cây gỗ cổ thụ và thảm thực vật um tùm, rậm rạp. Chỉ 10 ngày sau khi quân ta lên ém quân và chiến đấu giành lại các đỉnh của cao điểm 685 đã bị địch chiếm đóng thì cánh rừng liên tục hứng chịu hàng ngàn quả pháo cối của địch và của ta nã vào suốt mấy tháng trời. Chiến sĩ ở Đại đội 9, 10, 11 thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 hy sinh và bị thương rất nhiều, khu rừng già cũng không còn một cành cây, ngọn cỏ, đá cháy thành vôi, đất thì tan thành bột mịn, chỉ cần một quả đạn nổ thì bụi bay mù mịt cả một khu vực.
Cựu binh Nguyễn Văn Long nhớ rõ hình ảnh đồng đội hy sinh ngay trước mắt, đau đớn và xót xa. Đó là vào 4 giờ sáng 23-10-1984, tại đỉnh E4 của cao điểm 685 đã bị bộ binh Trung Quốc lấn chiếm. Lúc đó Thiếu tá Phạm Minh Cúc, Phó Trung đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Trung đoàn 153 giao nhiệm vụ cho Thượng uý Nguyễn Văn Huấn, đại đội trưởng Đại đội 9 mang 40 cây súng hoả lực phối hợp cùng trinh sát Sư đoàn 356 và C17 công binh đánh tập kích địch lấy lại E4. Lực lượng của ta khai hỏa bằng mìn định hướng phá tiến hào tiền duyên để bộ binh tấn công. Sau 2 tiếng đồng hồ, Đại đội 9 lấy được đỉnh E4. Sau khi ta chiếm E4 thì hoả lực pháo binh của Trung Quốc nã vào cao điểm 685 liên hồi, từ 5 giờ sáng đến trưa, bộ đội ta bị lộ thiên, không có chỗ trú ẩn, hơn 40 chiến sĩ hy sinh và bị thương. Đó chỉ là một trong rất nhiều những mất mát mà cựu binh Nguyễn Văn Long từng chứng kiến trên mặt trận Vị Xuyên.
  “Nhiều tháng trời hứng chịu pháo, đạn, cả vùng rừng núi khi xưa trở nên trắng xoá bởi đá vôi. Có những ngọn núi, pháo đạn nã vào bạt đi tới 3m. Nhìn phía trước, phía sau chỉ thấy vôi trắng, chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy lò vôi nào rộng lớn và bạt ngàn như vậy nên gọi là “lò vôi thế kỷ”. Ngoài ra, cao điểm 685 còn được gọi là “đồi thịt băm” bởi rừng mất đi, còn trơ lại núi đá với những mảnh đá tai mèo sắc nhọn lô nhô, pháo cứ nã hết đợt này tới đợt khác vào đồi, hàng trăm đồng đội của tôi hy sinh không nguyên vẹn”, cựu lính Nguyễn Văn Long sụt sùi kể.
Sau 5 năm giằng co giữ đất, từng tấc đất Vị Xuyên của Tổ quốc vẫn vẹn nguyên, chỉ có những người lính mãi nằm lại nơi đây, trong những miệng hang, hốc đá, xương, thịt của họ đã hóa vào đất, vào đá của vùng biên cương. Gần 5.000 liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên nhưng hiện chỉ hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy. Những người lính sống sót trở về, 30 năm qua chưa một ngày họ không nghĩ đến đồng đội, họ vẫn đau đáu về một nấm mộ, một nén nhang, một lời tri ân cho những con người một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
 
Chiếc áo máu
 “Ngày chiến dịch kết thúc, không có quần áo để mặc, trời rét căm căm, tôi phải mượn áo của Thượng úy Nguyễn Văn Huấn. Rút trong ba lô ra, chiếc áo thấm đẫm máu của đồng đội đã ngả sang màu xám đỏ, khô cứng. Khoác trên mình chiếc áo ấy, tôi cảm thấy một sự ấm áp đặc biệt như sự chở che của đồng đội. Chiếc áo và mùi tanh nồng của máu, những đồng đội ngã xuống, những ngọn núi trắng vôi, tiếng pháo thấu trời… là những ký ức không bao giờ tôi có thể quên về một thời chiến tranh ác liệt”, cựu binh Nguyễn Văn Long nhớ về chiếc áo bộ đội được dùng để thấm máu của đồng đội bị thương.
THU HƯỜNG (sggp)

Có thể bạn quan tâm