Phóng sự - Ký sự

Ký ức vui 20 ngày bám biển cùng ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lúc ấy, biển Đông đang “dậy sóng”, bởi, dù đánh bắt trên vùng biển của mình nhưng ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Tôi nghĩ: “Nếu được cùng ngư dân ra biển Đông một chuyến để trải nghiệm những cơ cực, khó khăn của họ thì còn gì bằng”.
Và thế là tôi có hơn 20 ngày lênh đênh cùng ngư dân trên biển Đông đầy ắp kỷ niệm.
I
Trước khi trở thành thành viên của tàu cá “khủng” nhất thời ấy mang số hiệu BĐ 94439 TS (900CV) của lão ngư Nguyễn Văn Ái ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) để vươn khơi cùng ngư dân, tôi đã nhận không ít khuyến cáo từ bạn bè.
“Ra khơi vào thời điểm bắt đầu vào mùa mưa bão thế này nguy hiểm lắm, nhất là hiện nay tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Đông thường bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, không cho hoạt động”. “Say rượu, say bia, say xe, say gái còn dễ chịu, chứ say sóng thì kinh khủng lắm, lúc ấy chỉ mong chết sướng hơn sống”. Còn nhiều, nhiều nữa.
Thú thật, lòng tôi cũng có chút dao động. Thế nhưng cái khát khao bỏng cháy được nếm trải cuộc mưu sinh trên muôn trùng sóng nước của ngư dân đã thiêu cháy hết mọi lo lắng trong tôi.
 
Trên biển vẫn không thiếu bia.
14 giờ chiều ngày 20/7/2011, tôi cùng 19 thuyền viên bước xuống tàu BĐ 94439 TS để “mở biển” hướng ra biển Đông. Trước đây, tôi cũng đã từng đi trên những chiếc tàu gỗ để đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Cù Lao Xanh (Bình Định), thế nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chiếc tàu cá “khủng” đến thế. Trông chiếc tàu to lớn, vững chãi, tôi cảm thấy yên lòng.

Chiếc tàu có chiều dài 26m, rộng 7m được thiết kế làm 3 tầng. Tầng hầm đặt máy chạy tàu và những hầm chứa sản phẩm. Tầng boong được đặt những sạp gỗ để các thuyền viên ngủ nghỉ, phía đầu sạp được bố trí những tủ gỗ để từng thuyền viên cất những vật dụng cá nhân. Tầng trên là buồng lái tàu, được bố trí 2 giường nằm đặt 2 bên hông tàu làm bằng ván dày dành cho tài công và thuyền trưởng. Tôi được tài công Nguyễn Minh Vương ưu tiên “biên chế” cho 1 trong 2 cái gường ấy.


Trước khi tàu xuất bến, bạn bè gọi điện réo rắt để chia tay, để chúc may mắn, khiến lòng tôi nao nao. Khi con tàu bắt đầu lướt sóng hướng mũi ra biển Đông, tôi có ngay cảm nhận là chuyến đi sẽ chẳng dễ dàng gì.
Bởi, khi tàu chòng chành trên những ngọn sóng, muốn di chuyển nhưng tôi không thể đi đứng như trên bờ. Thậm chí chỉ đứng thôi cũng đã phải vịn.
Lòng háo hức không cho phép tôi “dậm chân tại chỗ”, thế là khi muốn di chuyển đến chỗ nào là tôi… bò đến đó.
Anh em thuyền viên thấy tôi bò như đứa trẻ, đồng loạt cười ồ.
Đêm xuống, nhìn ra biển, mắt tôi chẳng thấy gì ngoài bóng tối mênh mông.
Tôi tận dụng triệt để từng giây phút trong chuyến đi nên tôi không ngủ vội, ngồi lân la trò chuyện với hết thuyền viên này đến thuyền viên khác.
Đến khi thấy có anh ngáp vắn ngáp dài, tôi liền “bò” đến chỗ tài công đang lái tàu để tiếp tục câu chuyện. Đến khi đôi mắt cứng đơ vì buồn ngủ, tôi mới leo lên giường.
Đặt lưng xuống tấm ván, tôi biết là mình chẳng thể dỗ giấc ngủ, bởi con tàu chòng chành khiến cơ thể tôi không thể yên vị một chỗ, mà cứ phải liên tục lăn qua lăn lại.
Nhìn thấy tôi vật vã trên giường, tài công Nguyễn Minh Vương bảo tôi phải chống chân vào 2 góc thành gường thì mới có thể nằm yên. Tôi làm theo, rồi chìm vào giấc ngủ trong tư thế “vừa ngủ vừa gồng”.  
II.
Không say sóng, nhưng tôi bị cái đói hành hạ liên tục. Con tàu không ngừng lắc lư, nhồi lên nhồi xuống, khiến tôi bị đói liên tục, cứ mong đến bữa cơm.
Ngư dân không ăn bằng chén, mà ăn bằng tô (bát) để giảm lần xới. Cái tô rõ to, nhưng mỗi bữa tôi phải xới cơm đến 5 lần. Tôi ăn không ngại ngùng.
 
Tác giả (áo đỏ ngồi giữa) ăn cơm cùng ngư dân.
Anh em thuyền viên thấy tôi thật tình, ai cũng khoái, càng động viên: “Nhà báo cố ăn đi, không thiếu gạo đâu mà lo, thức ăn thì đã sẵn dưới biển, toàn là đặc sản, cứ vô tư”.
Tôi ăn nhiều đến nỗi cảm nhận mình béo ra từng ngày. Có những hôm gặp luồng cá lớn, các thuyền viên mải mê làm từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm, cả đầu bếp cũng tham gia kéo lưới nên không ai nấu cơm.
Bữa ăn hôm ấy của các thuyền viên là gói mì tôm khô lận trong lưng quần, rảnh tay lấy ra cắn, nhai, khát nước thì vốc bụm đá dùng để muối cá cho vào miệng thay cho nước uống. Những hôm ấy tôi cũng được “biên chế” 2 gói mì tôm, bởi anh nhà bếp sợ tôi đói.
Tôi không luộc mì tôm bằng nước sôi như ở nhà mà cùng ăn khô như ngư dân để trải nghiệm món “mì tôm, đá lạnh”.

Sự thiếu thốn lớn nhất trên các tàu cá là nước ngọt. Số nước ngọt dự trữ cho mỗi chuyến biển được tính toán rất kỹ, chỉ vừa đủ, chủ yếu phục vụ ăn uống. Do đó, mỗi khi tắm là các thuyền viên cứ nhảy ùm ùm xuống biển bơi lội, kỳ cọ, rồi lên tàu chỉ xối qua 1 ca nước ngọt. Riêng tôi được thuyền trưởng Nguyễn Văn Tý “bật đèn xanh” cho tắm nước ngọt thoải mái. Tuy vậy, tôi không thể lạm dụng lòng tốt của anh em thuyền viên nên 3 ngày mới tắm 1 lần, mỗi lần tôi tự khống chế trong vòng dăm bảy ca nước ngọt


Chuyến ra khơi đang chớm vào mùa mưa, nên trên biển thi thoảng xuất hiện những cơn mưa rõ to vào buổi chiều. Những hôm ấy cả tàu vui như mở hội, cả mấy chục người tràn lên boong tàu tắm mưa hò hét vui đùa như con nít, nhưng không quên lấy thùng hứng nước mưa để bổ sung vào quỹ nước ngọt trên tàu.
Kiểu giặt đồ của các thuyền viên cũng rất lạ, họ bỏ đồ bẩn vào bao lưới, cột chặt, rồi buộc vào sợi dây thừng dài, sau đó cột đầu dây thừng bên kia vào đuôi tàu, ném bao lưới đồ bẩn xuống biển. Tàu chạy, kéo bao lưới đồ bẩn theo, sóng biển quăng quật, ấy là giặt, thế rồi kéo lên mang ra phơi.
Với ngư dân, những bộ đồ đã trở nên “sạch bong”. Tôi cũng gửi đồ bẩn theo bao lưới để cho “biển giặt”, sau khi đồ khô, mặc vào, cái cảm giác rin rít vì nước biển cứ ám ảnh, sau dần quen.
Trong suốt hơn 20 ngày cùng 19 ngư dân trên tàu cá BĐ 94439 TS lênh đênh trên biển Đông, không giây phút nào (trừ lúc ngủ) tôi không tập trung quan sát, nghe ngóng, hỏi han.
Dẫu thời gian không nhiều, nhưng qua những tâm sự chân tình của các thuyền viên, tôi đã thấm đẫm những cơ cực của cái nghề mưu sinh trên muôn trùng sóng nước.
Máu nghề thôi thúc, tôi nghĩ, nếu để về đến bờ mới viết thì sẽ bị nguội cảm xúc. Tôi viết luôn trên tàu.
Ban đầu, tôi đặt máy tính trên giường, kẹp giữa 2 đùi, nhưng không thể gõ vì máy tính không yên vị. Tôi lôi cuốn sổ ra, nằm sấp trên giường mà viết.
Nằm sấp hoài cũng mỏi, tôi lật người nằm ngửa để viết, nhưng chỉ được một lúc thì cây bút nguyên tử không xuống mực nữa, bởi nó bị dốc ngược. May mà trong ba lô có mấy cây bút chì.
Vậy là từ hôm ấy, cứ nằm sấp thì viết bút nguyên tử, nằm ngửa viết bút chì, đến cuối chuyến đi tôi hoàn thành được 10 phóng sự, đây là những bài viết “máu thịt” trong quãng đời làm báo của tôi.
 
Tác giả (bìa phải) với anh lính đảo Đá Tây (Trường Sa – Khánh Hòa).
Vũ Đình Thung (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm