Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng Chính phủ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kỳ họp Quốc hội lần này đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong thành phần Chính phủ, đang được kỳ vọng kế thừa thành quả đã qua để tạo ra các đột phá mới, đưa đất nước tiến lên.

Như cách nói ví von của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là: "Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ". Vất vả nhưng Chính phủ tiền nhiệm của ông Phúc được xem là đã có một nhiệm kỳ khá thành công.

 

 Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp chiều 5-4. Ảnh: TTXVN
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp chiều 5-4. Ảnh: TTXVN


Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đất nước đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo kỳ vọng cho chặng đường đi tới. Nổi lên là 3 trụ cột niềm tin: Trong khó khăn vẫn tạo ra điểm sáng phát triển kinh tế, xã hội, trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên phạm vi thế giới. Tạo dựng được vị thế mới cho nước ta trong bang giao, tăng cường hợp tác, cạnh tranh trong hội nhập. Câu chuyện thành công của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 được bạn bè ngưỡng mộ mang dấu ấn điều hành năng động, nhạy bén, quyết tâm cao và chỉ đạo thông suốt của Chính phủ.

Thành quả đó vừa là nền tảng vừa là thách thức mà Chính phủ mới nhiệm kỳ này cần phải vượt qua. Làm sao để kế thừa thành quả nhưng phải tạo đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới, không chỉ là thách thức mà còn là "đề bài" đang đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới đòi hỏi phải tập trung giải quyết.

Người dân đang kỳ vọng những quyết sách mạnh mẽ, sự chỉ đạo điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo vị thế ngoại giao cho đất nước và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đầu tư công, đẩy mạnh cải cách hành chính...

Đòi hỏi từ thực tiễn, thách thức từ bên ngoài, tồn tại từ bên trong của tình hình đất nước đang đòi hỏi Chính phủ phải tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược:

Một là, đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mang tính mở đường. Người dân đòi hỏi hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao nhất của mỗi thiết chế trong bộ máy nhà nước ngày càng cao. Cơ chế, chính sách rõ ràng, thiết thực. Pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả.

Hai là, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tấn công vào "điểm nghẽn" kéo dài nhiều nhiệm kỳ qua, nhiều kỳ kế hoạch 5 năm.

Ba là, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong đó, dành ưu tiên cho các địa bàn tạo ra nguồn lực mới và các vùng khó khăn như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc. Có cách tiếp cận và phát triển bền vững hiệu quả cho sự vận hành của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Một Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt nhiều kỳ vọng mới. Nhưng kỳ vọng có đạt được hay không phải bằng hành động từ những quyết sách sáng suốt. Nhân dân đang kỳ vọng nhưng nhân dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn.

TS TRẦN HỮU HIỆP
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm