Kinh tế

Kỳ vọng kinh tế đêm ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ hiệu quả mà kinh tế đêm mang lại tại nhiều thành phố du lịch trong cả nước cho thấy, các dịch vụ ẩm thực, giải trí, sinh hoạt văn hóa, mua sắm… diễn ra khi đô thị bắt đầu lên đèn chính là nguồn động lực quan trọng của nền kinh tế. Tại Gia Lai, cơ hội phát triển đang rộng mở khi mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Theo Kế hoạch số 2700/KH-UBND ngày 17-11-2022 của UBND tỉnh, từ năm 2022 đến 2023, Gia Lai sẽ tổ chức và thúc đẩy, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác kinh tế đêm tại TP. Pleiku, trọng tâm là khu vực suối Hội Phú. Từ năm 2024 đến 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm tại TP. Pleiku, tỉnh sẽ hình thành các khu vực tương tự tại thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê cũng như một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác. Sau năm 2025, kinh tế đêm sẽ tiếp tục hình thành tại các huyện còn lại.
Kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: Phạm Quý
“Thành phố không ngủ”
Với kế hoạch nêu trên, mục tiêu chung mà tỉnh hướng tới là tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Cùng với đó, khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề/hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống...; tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng; hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại…
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Những năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch phù hợp, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ. Các tiềm năng, lợi thế bước đầu được khai thác có hiệu quả; thương mại-dịch vụ phát triển nhanh về quy mô và chất lượng. Hoạt động du lịch có chuyển biến, số lượng khách du lịch và doanh thu tăng lên hàng năm. “Tuy nhiên, kinh tế thành phố tăng trưởng chưa vững chắc, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Tiềm năng về du lịch chưa được tận dụng, khai thác tốt; hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chậm được đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, yêu cầu tổ chức một khu phố đi bộ kết hợp mô hình chợ đêm được đề cập đã lâu nhưng chưa được triển khai”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho hay.
Một góc chợ đêm Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
Theo ông Hưng, một số thành phố trong nước đã triển khai tổ chức phố đi bộ ban đêm góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị văn hóa địa phương, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, việc quy hoạch và triển khai phát triển kinh tế đêm tại Pleiku theo Kế hoạch số 2700 của UBND tỉnh là nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện. Trong đó, phương án “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” là nội dung cần nhanh chóng triển khai để góp phần khai thác tốt các hoạt động phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; tôn tạo cảnh quan đô thị; quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống; hình thành không gian giao lưu công cộng hoạt động ban đêm; tạo nét đẹp về văn hóa và văn minh đô thị cho TP. Pleiku. Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã có bản đồ quy hoạch tổ chức không gian “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” với các hạng mục như: cổng chào, giàn hoa trang trí, khu quảng trường mở, sạp quầy lưu động, cầu cảnh quan, khu nhà phố-gộp thửa kết hợp dịch vụ, khu phố nhà ở kết hợp dịch vụ, khu vực đậu xe, khu trình diễn nghệ thuật đường phố.
Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm: Tới đây, thành phố sẽ xây dựng, phê duyệt quy chế quản lý hoạt động “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú” phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tế; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch cùng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, thành phố tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận để người dân tích cực tham gia; đặc biệt là vận động các hộ có đất dọc theo tuyến suối Hội Phú đầu tư theo mô hình nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại phục vụ phố đi bộ. Nhằm tránh ách tắc giao thông, UBND thành phố sẽ phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải phân luồng giao thông vào ban đêm, tổ chức lại các điểm đậu đỗ xe đảm bảo an toàn, thuận tiện; đề xuất hình thức quản lý phù hợp đối với phương tiện giao thông của người dân sinh sống trong tuyến phố đi bộ (phù hiệu riêng, giữ xe miễn phí...) trong thời gian tổ chức hoạt động. Cùng với đó, thành phố chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng-chống cháy nổ...
Bản đồ quy hoạch tổ chức không gian “Khu phố đi bộ-Chợ đêm suối Hội Phú”, TP. Pleiku (ảnh đơn vị cung cấp).
Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Theo lộ trình, khu vực suối Hội Phú được chọn thí điểm. Tới đây, Sở sẽ ban hành văn bản đề nghị TP. Pleiku triển khai phát triển kinh tế đêm. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan sẽ tích cực phối hợp thực hiện. Sau khi rút kinh nghiệm, mô hình sẽ được nhân rộng ra một số địa phương khác”. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm lồng ghép nội dung phát triển kinh tế đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh; hướng dẫn thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế đêm; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
Rộng cửa phát triển du lịch 
Cùng với mục tiêu phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. 
“Gánh” trách nhiệm khá lớn trong vấn đề này là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Đây là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp đề xuất phát triển và hoàn thiện các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí cụ thể phù hợp với từng khu vực phát triển kinh tế đêm cũng như nhu cầu, thị hiếu của du khách. Mặt khác, Sở có trách nhiệm nghiên cứu, xác định tour, tuyến, điểm, khu du lịch với thời gian lưu trú trung bình 3-4 ngày để có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế đêm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa-nghệ thuật, vui chơi, giải trí về đêm tại khu vực phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh; xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp, ấn tượng về các điểm đến. 
Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Liên quan đến khu vực thí điểm tại suối Hội Phú, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu một số đề xuất như: trồng cây, hoa tôn tạo cảnh quan tại bờ kè; cầu cảnh quan bắc qua suối cần mang đậm tính biểu trưng để du khách có nơi chụp ảnh check-in… Theo ông Hoàng, kinh nghiệm mà TP. Pleiku nên quan tâm đó là khu vực phố ẩm thực, phố đi bộ tại một số điểm du lịch trong nước đều sử dụng các ki ốt lưu động, cuối giờ được đẩy về một khu vực riêng giúp đường phố luôn thông thoáng, sạch đẹp. Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động thu hút du khách như: văn hóa-văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, các gian hàng bày bán sản vật địa phương… Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang giao các bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn tỉnh” để trình UBND tỉnh chậm nhất trong quý I-2023. 
Một quán kinh doanh thức uống ở khu vực bờ kè suối Hội Phú, mang đến sự đa dạng của kinh tế đêm tại TP. Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
Ẩm thực truyền thống là một gợi ý hay dành cho “Khu phố đi bộ-chợ đêm suối Hội Phú” khi đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thể hiện sự đồng tình cao đối với kế hoạch phát triển kinh tế đêm, bà Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thiên Lộc Tourist-cho rằng, đây là cơ hội rất tốt đối với ngành du lịch. Bà Vân chia sẻ: “Thông thường, thời gian du khách lưu trú ở Pleiku ngắn, nhiều nhất là 2 đêm. Theo lịch trình, đêm đầu, Công ty mang đến cho khách trải nghiệm cồng chiêng, lửa trại; đêm thứ 2 khách tự do khám phá thành phố, song dịch vụ ở Phố núi còn thưa thớt. Vì vậy, một khi kinh tế đêm được đầu tư thì chắc chắn sẽ tạo điểm nhấn và thu hút du khách tốt hơn”. 
Vừa ghé thăm Gia Lai và một số tỉnh Tây Nguyên, bà Đoàn Thị Tám-du khách đến từ TP. Hải Phòng-cho hay, bà rất ấn tượng với khung cảnh hoang sơ, mộc mạc cùng sự chân tình của người dân nơi đây. Dù vậy, các dịch vụ đêm ở phố núi Pleiku còn thiếu sự đa dạng, hấp dẫn. “Để tổ chức phố đi bộ, ẩm thực tương tự các thành phố du lịch như Phú Quốc, Nha Trang thì không hề đơn giản, nhưng tôi nghĩ vẫn nên xây dựng từ bây giờ để du khách có thêm những trải nghiệm thú vị trong thời gian lưu trú”-bà Tám chia sẻ. Còn du khách Trần Hoài Nam thì nêu quan điểm: Để mô hình này tại Pleiku có “bản sắc” riêng thì nên chú trọng đặc trưng vùng miền trong ẩm thực, sản vật, đa dạng sản phẩm du lịch, tổ chức các sinh hoạt văn hóa đi kèm như trình diễn cồng chiêng.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm