Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng những lá phiếu trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại phiên khai mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ vào sáng 15-5, đề cập đến việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, được thực hiện từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây cũng là cách để những người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”. Cái gì ưu điểm, tích cực thì tiếp tục phát huy; cái gì nhược điểm, tiêu cực thì phải nghiêm túc sửa chữa để ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với Đảng.

Trong khóa XI và XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã 2 lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Có thể nói, những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm là thành phần ưu tú của ưu tú, tinh hoa của tinh hoa. Bởi hầu hết đó là những người đảm nhiệm vị trí đứng đầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mang trên mình niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao mà toàn thể đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, giao phó. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết những người đưa ra để Ban Chấp hành Trung ương Đảng lấy phiếu tín nhiệm đều đạt mức độ tín nhiệm và tín nhiệm cao.

Lần lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa XIII này, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn được xem xét theo 3 mức độ là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Tuy chỉ là một kênh thông tin nhưng lại là kênh thông tin rất quan trọng giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá, phân loại mức độ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo khi việc lấy phiếu được thực hiện theo Quy định 96-QĐ/TW. Trong đó, đáng chú ý là xem xét cả tiêu chí về sự gương mẫu của gia đình, vợ con cán bộ lãnh đạo. Bởi đã từng xảy ra không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo vì để vợ con, gia đình chi phối, lợi dụng ảnh hưởng của mình mà dẫn đến sai phạm, khuyết điểm, gây mất uy tín của cá nhân và tổ chức.

Đã nửa nhiệm kỳ đi qua, thời gian và thực tiễn công tác đủ để Ban Chấp hành Trung ương Đảng có cơ sở đánh giá, nhận xét về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều quan trọng còn lại là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng người theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ Chính trị; đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ mang lại kết quả khách quan, chính xác và thuyết phục. Bởi lẽ, lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ để tham khảo, mà từ nay, kết quả của việc này sẽ là cơ sở để đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách cán bộ của Đảng.

Cán bộ, đảng viên và người dân cả nước kỳ vọng các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát huy tinh thần trách nhiệm là đội ngũ tinh hoa của Đảng, đánh giá khách quan, đúng phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Những lá phiếu trách nhiệm ấy sẽ góp phần vào việc xây dựng, củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng ngày càng tốt hơn, giỏi hơn, trong sáng hơn, nhiệt tình cống hiến vì dân, vì nước hơn, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm