Kỳ vọng vào vai trò của báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trò chuyện và ghi nhận những kỳ vọng của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, người dân về vai trò của báo chí trong xã hội hiện nay.
 
*PPhó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy những năm qua các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, phản ánh, thông tin kịp thời mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Đi liền với hoạt động tôn vinh trí thức của Liên hiệp Hội, báo chí cũng đã góp phần đẩy mạnh công tác này bằng những bài viết ý nghĩa, nhân văn. Thời gian tới, tôi mong rằng báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước và tập hợp trí thức, qua đó kịp thời tôn vinh, thúc đẩy họ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, báo chí cần có nhiều bài viết về hoạt động khoa học công nghệ, nhất là ở thời đại 4.0 hiện nay để tạo động lực trong sản xuất và đời sống, đưa xã hội ngày càng đi lên. 
Bản thân tôi cũng mong muốn báo chí sẽ có thêm những chuyên đề bình luận với sự phân tích sâu sắc của các chuyên gia về thực trạng, điểm mạnh, tồn tại, bất cập... trên các lĩnh vực; đồng thời, gợi ý những yêu cầu cho thời gian tới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu... của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Để xã hội ngày càng văn minh, theo tôi, báo chí nên tăng cường nêu gương điển hình người tốt, việc tốt. Không nên đòi hỏi một tấm gương quá tròn trịa mà hãy cứ mạnh dạn nêu những việc tốt, hoạt động tốt nào đó của một cá nhân, từ đó tạo sự ủng hộ, lan tỏa, chung tay đẩy lùi cái xấu.
 
* Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Phải nói là báo chí nói chung, Báo Gia Lai nói riêng đã đồng hành cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiều hoạt động, đặc biệt là tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; biểu dương, tôn vinh người uy tín trong vùng dân tộc thiểu số… Cùng với đó, báo chí cũng thông tin kịp thời về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ. Đặc biệt, báo chí đã cùng MTTQ tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch Covid-19; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay quyên góp, ủng hộ Quỹ Phòng-chống dịch Covid-19 với tổng giá trị lên đến trên 30 tỷ đồng, bao gồm lương thực, rau củ quả, hàng hóa… và tiền mặt. Điều này đã góp phần tô đậm vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị, nhất là với vai trò tuyên truyền, vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân. 
Chúng tôi kỳ vọng tới đây, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục thể hiện tốt vai trò của cơ quan truyền thông bằng các bài viết nêu gương điển hình trong cộng đồng; tham gia cùng MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội, an sinh xã hội; tăng cường phản ánh thông tin từ cơ sở cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người dân… Đây chính là kênh thông tin rất phong phú, giúp MTTQ và các tổ chức xã hội ghi nhận, giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
 

* Ông Lê Huy Phu-Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang: Những năm qua, Công ty đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, giá mủ cao su xuống thấp, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số cao (chiếm 55%)… Tuy vậy, Công ty luôn nhận được sự chia sẻ, thông tin kịp thời, chính xác của các cơ quan báo chí trên địa bàn về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đến người lao động, nhà đầu tư, khách hàng... Báo chí cũng phản ánh rất sâu sát về công tác chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên của Công ty; về nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, tạo mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh; tổ chức kết nghĩa, giao lưu, giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế… Điều này tạo nên sức mạnh tổng hợp, là cơ sở để Công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tôi hy vọng báo chí sẽ tiếp tục thể hiện rõ hơn vai trò này, từ đó tăng cường sự gắn kết toàn diện, góp phần hỗ trợ đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trên tất cả các mặt.
 
* Bà Phạm Thúy Lục (số 476 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku): Tôi đọc báo mỗi ngày, không chỉ báo Gia Lai mà còn nhiều tờ báo khác. Hôm nào không đọc báo là cứ thấy thiếu thiếu. Càng đọc nhiều tôi càng hiểu rằng báo chí là nghề vô cùng vất vả, khó khăn. Thông qua bài viết của mình, các nhà báo đã góp phần nâng cao dân trí, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về đời sống kinh tế-xã hội. Nhất là trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, với sự đoàn kết thống nhất của toàn xã hội, sự tuyên truyền, định hướng kịp thời của các cơ quan báo chí mà chúng ta đã chống dịch thành công.
Chúng tôi luôn mong muốn sẽ được đọc nhiều bài báo hay viết về đời sống thường nhật, nhất là cuộc sống người lao động; về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; về các mô hình phát triển kinh tế; cập nhật tình hình dịch bệnh… Tôi cũng rất thích những bài phóng sự lấy chất liệu từ thực tế đời sống. Mong các phóng viên, nhà báo tiếp tục mang đến cho độc giả những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, phát huy tinh thần trách nhiệm của người làm báo nhằm giúp xã hội ngày càng phát triển hơn, văn minh hơn.
LAM NGUYÊN (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm