“Lá chắn” giữ buôn làng bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là những người thổi lửa và giữ ngọn lửa ấy cháy mãi. Hơn nữa, mỗi người họ còn là tai, mắt, là lá chắn giữ buôn làng luôn bình yên”-Trung tướng Võ Hoài Việt-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, nhấn mạnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 người có uy tín ở hầu khắp các địa bàn, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và họ luôn phát huy vai trò là lực lượng quần chúng đặc biệt, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở.

Đến thôn Rbai B (xã Ia Piar-huyện Phú Thiện) hỏi nhà Rơ Mah Buan ai cũng biết. Vì ngoài vai trò là Trưởng thôn, Rơ Mah Buan còn phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng bằng việc tích cực tham gia vận động quần chúng đấu tranh với tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga” ở địa phương. Riêng thôn Rbai B nơi ông sinh sống có 132 hộ dân thì trước đây có 8 hộ với 37 nhân khẩu tham gia tổ chức FULRO, “Tin lành Đê-ga”. Với vai trò Trưởng thôn, ông thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từ bỏ, không tin, không nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của bọn phản động. Cùng với đó, Rơ Mah Buan thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng tại gia đình và giải thích cho họ hiểu việc nào đúng, việc nào sai, việc nào nên và không nên làm. Hơn nữa, ông luôn vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và từng bước xóa bỏ những hủ tục, cách chăm sóc sức khỏe con cái, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống…
 

Đại tá Trần Đình Thu Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho người uy tín.
Đại tá Trần Đình Thu Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho người uy tín.

Già làng Rơ Mah Amlok dù tuổi đã cao song vẫn là nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Plei Thơ Ga A, xã Chư Don, huyện Chư Pưh. Địa bàn huyện Chư Pưh có nhiều đối tượng FULRO lưu vong chỉ đạo vào trong nội địa và đối tượng FULRO lẩn trốn hoạt động nhằm củng cố, phát triển cơ sở ngầm ở các thôn, làng để thực hiện mưu đồ thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”... Từ thực tế trên, Rơ Mah Amlok đã trực tiếp vào làng tiếp xúc, giáo dục, răn đe các đối tượng cốt cán FULRO. Vì vậy, ông đã thuyết phục, cảm hóa nhiều đối tượng để nhận ra lầm lỗi, sửa chữa và tái hòa nhập với cộng đồng… Ngoài ra, bản thân ông cũng luôn gương mẫu để răn dạy con cháu, nhắc nhở buôn làng không tin, không nghe theo lời bọn xấu và chịu khó lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, Plei Thơ Ga A không còn tụ tập nhóm họp “Tin lành Đê-ga”, bà con trong làng luôn yên tâm sinh hoạt đạo Tin lành Việt Nam (miền Nam).

Làng Tào Roòng (xã Ia Pal-huyện Chư Sê) cũng là nơi có tình hình an ninh chính trị tương đối phức tạp, một số đối tượng FULRO lưu vong thường xuyên liên lạc, tuyên truyền những luận điệu xấu nhằm lôi kéo bà con trong làng tham gia tổ chức của chúng. Trước tình hình trên, Công an viên Siu Đôn đã tham gia nắm tình hình các đối tượng trốn rừng hoạt động FULRO, đồng thời thông qua gia đình của các đối tượng để vận động số đối tượng này ra đầu thú nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Siu Đôn kể: “Năm 2008, tôi phát hiện đối tượng Rơ Mah Hlách từ rừng về làng tổ chức nhóm họp và phân công nhiệm vụ cho số đối tượng cầm đầu cốt cán bên trong. Nắm được tình hình trên, tôi đã kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng Công an tiến hành phá rã bộ khung cấp làng khi nó mới vừa hình thành”. Ngoài ra, bản thân Siu Đôn cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, động viên những đối tượng để họ không còn tham gia nhóm họp phục hồi “Tin lành Đê-ga” và hướng dẫn họ làm ăn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Siu Đôn còn trực tiếp hòa giải 3 vụ mâu thuẫn giữa người đồng bào dân tộc thiểu số trong làng với các làng khác về tranh chấp đất đai, va quẹt giao thông, tranh chấp nước tưới trong mùa khô hạn…

Người có uy tín trong cộng đồng có thể là Công an viên, Trưởng thôn, già làng, cán bộ Mặt trận, cán bộ hưu trí, người trí thức, cán bộ Hội Phụ nữ, chức sắc tôn giáo… Họ đóng vai trò quan trọng trong công tác nắm tình hình vận động, giáo dục quần chúng, tuyên truyền, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tham gia giải quyết các vụ tranh chấp khiếu kiện, hòa giải các vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… Những năm qua, người có uy tín trong cộng đồng đã góp phần to lớn trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Họ chính là cầu nối, là cánh tay nối dài giữa cấp ủy với nhân dân.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm