Xưa nay chỉ có cô giáo mầm non. Họa hoằn mới có một thầy. Vậy mà ở Mường Tè - một huyện khó khăn của tỉnh Lai Châu, lại có hơn 30 giáo viên mầm non là nam giới. Giữa điệp trùng núi rừng Tây Bắc, có hàng trăm người thầy đang làm mẹ hiền như thế.
Người đi mở lớp
Bản Pà Khà 2 ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè có 12 hộ dân người Mông. 12 hộ dân có 15 đứa trẻ. Vì họ sống biệt lập nên Trường Nậm Ngà phải mở một lớp mầm non.
Thầy giáo Vàng Văn Vũ dạy múa cho các em ở điểm trường Tà Tổng. |
Cô Đỗ Lan Hương, hiệu trưởng Trường mầm non Nậm Ngà, giới thiệu vắn tắt: "Phụ trách lớp là thầy Lò Văn Tiển. Thầy không chỉ là giáo viên cắm bản mà còn là người đi mở lớp".
Ở bản này, thầy Tiển vừa là giáo viên kiêm bảo mẫu, kiêm thầy thuốc, kiêm nhiều thứ khác để chăm lo cái lớp mầm non ấy.
Con đường chính từ trung tâm xã Tà Tổng về cụm bản trung tâm Nậm Ngà gần 40km, thì quá nửa chặng đường này là đường đất trơn trượt, dốc lên dốc xuống. Ngày mưa, để đến được Nậm Ngà là một sự vất vả, cơ cực.
Mất mấy giờ đánh đu trên những cung đường dốc đứng, hết té nhào vì bùn trơn lại chúi xuống ngầm sâu, lổn nhổn đá hộc bên dưới, chúng tôi mới tới được Pà Khà 2. Với các thầy cô giáo ở đây, đó là "chuyện thường ngày ở bản".
Khi chúng tôi có mặt tại điểm Pà Khà 2 cũng là lúc thầy Tiển vừa cho 15 trẻ ăn xong bữa trưa. Cả lớp ăn xong, Tiển xếp các tấm ván gỗ mỏng xuống nền đất lạnh, trải chiếu, sắp xếp chỗ nằm cho 15 đứa trẻ, đắp chăn cho từng đứa.
Trước khi theo nghề dạy trẻ, Tiển có hai năm nghĩa vụ quân sự, làm lính biên phòng đóng ở đồn Pa Ủ. Hồi nhỏ Tiển đã rất thích con nít. Đi bộ đội, tiếp xúc với những em bé vùng biên, Tiển càng muốn sau này mình sẽ đi dạy học cho những đứa trẻ này.
Năm 2012, tốt nghiệp khoa mầm non Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên, Tiển trúng tuyển và được phân về một trong những điểm trường khó khăn nhất của Nậm Ngà - điểm trường Ti Ma Mủ.
Điểm trường Ti Ma Mủ khi đó chưa có đường, chỉ có đi bộ thôi. Giờ đã có đường xe máy nên đi chỉ mất hơn một giờ, chứ trước đó Tiển phải cuốc bộ hơn nửa ngày.
Năm năm vào nghề, cứ mỗi năm mỗi bản, mà toàn là bản khó khăn nhất. Năm ngoái dạy ở bản U Pa Tết, xa nhất, khó khăn nhất, thầy Tiển quá "cô đơn" nên đã xin chính quyền, nhà trường được đón vợ từ dưới Mường Tè lên ở cùng.
Bài học đầu tiên...
Ở Trường mầm non Tà Tổng 1 có thầy Phóc - Điêu Văn Phóc. Năm 2012 Phóc về Trường mầm non xã Tà Tổng, điểm trường A Mé, xa nhất xã. Từ xã lên A Mé hơn 40 cây số đường rừng. Không biết đi xe máy nên Phóc cứ cuốc bộ, mất chừng 1 ngày đường. Có khi đêm hôm trễ đường, phải ngủ nhờ nhà dân.
Xong bữa trưa, thầy Tiển lo giấc ngủ trưa cho các em. |
Chứng kiến những em bé Mông, Hà Nhì... mới 3-4 tuổi bập bẹ nói được tiếng Việt mới thấy đây là một nỗ lực kinh khủng của ngành giáo dục. Bởi một rào cản lớn nhất để các em bé vùng cao đi học và sau này học lên chính là ngôn ngữ.
Đi học càng muộn, rào cản ấy càng khó vượt qua. Một cô giáo nói: "Chỉ cần xong cấp học mầm non, các em biết hát được vài bài hát tiếng Việt, gọi tên các đồ vật bằng tiếng phổ thông là coi như thành công".
Vì thế, những lớp mầm non trên rẻo cao heo hút này, trước hết là để các em làm quen với ngôn ngữ, tập cho em những ý thức văn minh nho nhỏ, để từ đó khi vào tiểu học các em sẽ tự tin hơn, không quá khó khăn như các thế hệ trước đó.
Thầy Phóc bảo không riêng gì học sinh cần học tiếng Việt mà thầy giáo cũng phải nỗ lực học tiếng Việt. Thầy giáo mầm non trên này hầu hết là người dân tộc thiểu số, có người dân tộc Thái, có người dân tộc Giáy nên tiếng Việt của mình cũng còn cố gắng, dạy cho các em cũng chính là một cách học cho mình.
Thầy Lò Văn Hiếu, giáo viên mầm non ở điểm trường Tia Ma Mủ (thuộc khu vực Nậm Ngà), nói dạy tiếng phổ thông đã khó, chăm sóc sức khỏe cho bọn trẻ còn khó hơn.
"Ở vùng sâu nên một số tộc người có cách sống, sinh hoạt rất khác thường. Có lần mình thấy mấy đứa trẻ mắt đỏ nên mình lấy lọ nước muối loãng nhỏ cho chúng... Hôm sau, mắt trẻ đỡ hơn, nhưng bố mẹ trẻ lại lên trường dọa kiện, vì dám nhỏ thứ nước lạ vào mắt bọn trẻ...".
Thầy Hiếu cũng bộc bạch: "Vì trẻ ăn mặc phong phanh, thời tiết vùng cao biên giới thường khắc nghiệt, luôn thay đổi nên chúng dễ nhiễm lạnh, cảm cúm. Nhà trường không có tủ thuốc nhưng các thầy vẫn có một số thuốc thông dụng để phòng thân.
Khi biết trẻ hơi sốt, cần phải uống thuốc hạ sốt cũng không dám cho vì sợ phụ huynh... kiện. Thành ra, cứ mỗi khi trẻ sốt, thầy lại phải gọi phụ huynh đến giải thích, và cũng chỉ dám hướng dẫn phụ huynh đưa con về nghỉ, lấy khăn ấm lau người và lấy khăn mát đắp lên trán".
Thầy giáo Lò Văn Hiếu còn nhớ mãi "tai nạn" nghề nghiệp một năm trước. Một mình lo quản gần 40 trẻ người Mông vô cùng hiếu động, nên trong giờ hoạt động ngoài trời, một bé người Mông 5 tuổi đã trèo lên cây rồi bị ngã sái tay.
Hiếu muốn kiểm tra, xử lý tại chỗ, ít nhất là cố định cái tay, nhưng gia đình trẻ kiên quyết không cho các thầy động vào, lại cứ liên tục "bắt đền thầy giáo".
Hiếu cùng một thầy bên trường tiểu học phải ôm đứa trẻ đi gần hai giờ về trạm y tế xã để xử lý, còn phụ huynh cứ ngồi tại trường chờ bắt đền thầy, mặc cho những đứa trẻ khác ngơ ngác, khóc lóc lo sợ thầy đi mất.
Những nỗi niềm Ở Mường Tè, trong khi thầy Phóc, thầy Tiển mỗi năm đi cắm một bản thì thầy Lý Văn Xanh lại có đến 6 năm chỉ cắm duy nhất tại bản Nhóm Pố. Đấy là một bản xa nhất của Tá Pạ mà Tá Pạ là xã xa xôi nhất của Mường Tè. Thầy Xanh kể 6 năm trời ở Tá Pạ, dù cùng trong một huyện nhưng số lần về nhà ở Bum Nưa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có khi 1-2 tháng chỉ về trường chính ở trung tâm xã một lần. Đường đi khó khăn, mỗi lần về xã trở lại điểm trường là thồ một bao lớn nào gạo, muối, cá mắm, thịt ruốc... Bản không có đường, không có điện lưới, điện thoại cũng không. Phương thức liên lạc duy nhất với trường chính là thư tay. Mỗi lần nhà trường cần thông báo hay họp hành gì thì một tuần trước đó phải hỏi khắp xã xem có ai vào bản để nhờ chuyển thư. Những khó khăn của thầy Xanh ở Nhóm Pố được "bù đắp" đáng kể nhất là thầy đã... có được vợ khi cắm bản ở Tá Pạ, là cô giáo Đào Thị Hinh. Sau bao năm cắm bản, thầy Xanh bảo "tất cả vẫn như cũ". Điểm trường cũng như bà con dân bản, vẫn không có điện, không có sóng điện thoại, nước thì khan hiếm, ngày mưa lên đó chỉ có cách là đi bộ. Con cái thì để ông bà nuôi, tiền một nửa hai vợ chồng chi tiêu, một nửa gửi cho ông bà nuôi con. "Còn nhớ con thì sao?". "Thì cũng chỉ nhớ thôi, đợi dịp tết và hè...". |
Lê Đức Dục-Đức Bình/tuoitre