Lá thư cha viết cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Tết Tân Hợi 1971 nửa tháng thì tôi nhận được thư nhà. Thế là bao nhiêu mong ngóng, đợi chờ tin tức từ gia đình, quê hương rồi ngày vui cũng đến. Nhưng linh cảm như có điều gì không bình thường, vì thư là của bà thím viết, không phải của cha mình như mọi khi. Vội vàng tìm chỗ vắng người, tôi bóc thư ra. Ngay dòng đầu tiên, thím viết... “Cha của con bị giặc giết rồi!”.

Tôi không thể bình tĩnh để đọc tiếp được nữa, dù thư thím viết rất ngắn. Sau hồi lâu, nén lòng, tôi lướt qua những dòng mực tím trên giấy học trò, trong thư thím chỉ nói ngày tháng cha tôi bị nạn và ông đã bị giặc giết như thế nào đúng vào sáng 30 tháng Chạp năm Canh Tuất. Còn nhớ, thư của thím viết ngay hôm mùng 1 Tết Tân Hợi, nhưng mãi đến nửa tháng sau, tôi mới nhận được, dù từ quê tôi (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đến nơi công tác (huyện Kông Chro) chỉ chừng 2 giờ xe chạy tính theo thời nay. Đêm khuya hôm ấy, anh chị em trong cơ quan tôi đã chìm vào giấc ngủ say, giữa rừng già hiu quạnh, cái rét rừng như cứa thêm vào da thịt cậu nhân viên trẻ vừa nhận được hung tin. Trong lán nhỏ, đống lửa sưởi ấm đã sắp tàn, đầu óc tôi cứ lan man nghĩ về người cha đã ra đi trong ngày vui của dân tộc-đón chào năm mới-để lại nỗi đau cho người thân, gia đình, đặc biệt là 2 đứa con trai mà ông luôn dành tình cảm yêu thương, lo lắng cho dù ông không bên cạnh hàng ngày.

 

Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Ảnh: Đoàn Minh Phụng

Dưới chút ánh sáng chập chờn của đống lửa sắp tàn, trong nhập nhòe nước mắt, tôi đọc lại những dòng thư của thím, vợ của ông chú ruột tôi, rồi lại đọc những dòng thư cha viết cho tôi cách đó đã nửa năm. Đó là lá thư cuối cùng ông viết cho tôi. Trong thư, cha kể cho tôi nào chuyện quê hương, làng xóm đã bị bom đạn giặc Mỹ cày xới thành vùng “trắng”, bà con đa số đã bị chúng dồn vào ấp chiến lược, số còn lại tứ tán nhiều nơi. Nhiều cán bộ, du kích địa phương hy sinh, bị địch bắt tù đày tra tấn dã man; hoạt động của các đội công tác vũ trang, bán vũ trang và cơ sở gặp vô vàn khó khăn. Tuy vậy, cha vẫn dành những lời động viên, nhắc nhở tôi cố gắng công tác, học tập cho tốt và tự hào gia đình, dòng họ đã góp phần máu xương cùng dân tộc cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhanh chóng thành công. Thế mà...

Mấy anh em tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ và bà nội. Khi đã có chút ít hiểu biết, mẹ cho chúng tôi biết sự biền biệt ra đi của cha là đi làm cách mạng. Cũng như bao nam nữ thanh niên cùng làng, cha tôi đã từ biệt gia đình đi theo tiếng gọi của cách mạng, lên đường đi đánh giặc. Làng tôi (thôn Tú Dương, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã không còn bình yên như vốn có của một làng quê chuyên về trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người làng quây quần bên nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Che chở cho làng phía sau lưng là dãy núi Lau, phía trước là những hàng tre bao bọc dọc theo hai bờ con suối lớn chảy qua, quanh năm không cạn, dòng nước luôn trong xanh, mát lành. Cá tôm, cua ốc ở đấy là nguồn khai thác gần như quanh năm của bà con trong làng cho bữa cơm đạm bạc hàng ngày và những phiên chợ Trạm, chợ Tân Dân mỗi khi muốn đổi món. Dòng suối ấy cũng chính là nguồn nước cung cấp cho ruộng đồng trong mùa nắng hạn và thoát nước, tránh lũ trong mùa mưa lụt. Bàu Đá, bàu Tre là những nơi dành cho lũ trẻ chăn trâu, chăn bò, cho cả học trò sau những buổi rong ruổi ngoài đồng, trong lớp. Lớp lớp người quê tôi trưởng thành từ ngôi làng yên bình bao đời là vậy!

...Luật 10/59 của gia đình trị họ Ngô ở miền Nam ban ra, bỗng dưng những hàng rào “chữ A”, những giao thông hào đầy chông tre, chông sắt dựng lên quanh làng. Một số thanh niên nam nữ nhẹ dạ cả tin nghe theo lời dụ dỗ, lừa phỉnh của chính quyền Diệm-Nhu, trở thành dân vệ, thành nữ bán vũ trang trong tổ chức mang tên “Liên đới”. Đêm đêm, mỗi khi nghe tiếng súng vọng lại từ đâu đó trong làng, sáng hôm sau có gia đình đau đớn vì mất người thân... Vòng kìm kẹp, phong tỏa ấy của giặc rồi cũng bung ra, người làng hò nhau phá ấp chiến lược. Những hàng rào tre, gỗ đồ sộ ấy trong vài ngày đêm đã thành tro bụi. Mẹ tôi bảo, cách mạng về, làng mình giải phóng rồi... Nam nữ thanh niên tòng quân giết giặc. Cha tôi vắng nhà biền biệt từ ấy.

Và, từ ấy cho đến ngày cha hy sinh, tôi chưa một lần gặp lại. Một ngày giữa tháng 6-1966, giặc càn tới làng. Chúng giết nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở, trong đó có mẹ tôi. Khi đó, tôi chỉ mới hơn 10 tuổi. Bà nội tôi trở thành “mẹ”, một nách với mấy đứa cháu thơ dại, mồ côi mẹ, vắng cha. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi đã bị giặc thiêu rụi khi chúng xả súng vào mẹ và đứa em trai chưa đủ tuổi lên 5 của tôi, từ đó ruộng đồng, vườn tược, mồ mả ông bà tổ tiên không còn ai chăm sóc nữa. May thay, ông chú “ngụy quyền”(*) nhận nuôi tôi, các em còn lại bà nội chúng tôi thân cò chăm sóc rau cháo qua ngày đoạn tháng. Rồi ông chú “ngụy quyền” đã thông báo cho đội công tác vũ trang của K8 (An Khê-Gia Lai) chuyện tôi, con của một cán bộ cách mạng từ quê Bình Định lên, hiện đang có mặt nơi nhà ông. Khi đó là mùa đông năm Mậu Thân-1968.

Tôi trở thành chiến sĩ giao liên cho đơn vị trong vùng địch hậu từ sau ngày rời nhà ông chú họ “ngụy quyền” không lâu. Và cha tôi đã liên lạc qua thư với tôi từ ấy. Lần cuối cùng tôi nhận được thư cha đề ngày 29-9-1970. Có đoạn cha kể về bà con, về quê hương điêu tàn dưới đạn bom của giặc; cha kể về đời sống cực nhọc gian khổ, ác liệt của cha và đồng đội nơi quê nhà. Cha bảo: “Tuổi con cha biết, nhưng tát con cha không biết bao lớn...”. Mỗi lần nhớ cha sau những chuyến công tác, tôi lại đem thư ra đọc, một mình một nơi kín đáo, để đồng đội không nhìn thấy và để cho những dòng nước mắt cứ tuôn rơi. Thư cha như tấm bùa hộ mệnh cho tôi, giúp tôi qua bao lần trên đường công tác rơi vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ, có lần nhìn đồng đội gục ngã dưới làn đạn như mưa của giặc thù, như có phép màu đặc biệt, tôi vẫn an toàn trở về đơn vị. Trong thư lần này, thím viết, nói khá tóm tắt, tôi chỉ biết cha mình trên đường công tác vào ngày cuối năm đã rơi vào ổ phục kích của lính ngụy, ông và 2 đồng đội đã hy sinh tại chỗ. Sau ngày miền Nam giải phóng, trở lại quê hương, tôi mới rõ sự tình... Rằng cha đã bị một cơ sở mật phản bội chỉ điểm, khi bà ta mật báo, hẹn nơi để báo cáo tình hình địch trong dịp Tết Nguyên đán và đưa hàng hóa cho đội công tác góp phần để anh chị em vui Xuân, đón Tết; nhưng người “cơ sở mật” đó cũng đồng thời báo cho giặc phục kích sẵn địa điểm theo lời hẹn của bà ta với cán bộ cách mạng. Bị thương nặng, cha đã lê lết bò khá xa nơi gặp nạn, nhiều người dân địa phương chứng kiến điều đó, nhưng với thế chủ động, người đông, vũ khí trang bị đầy đủ, bọn giặc đã truy đuổi, và ông đã vĩnh viễn không thể trở về với đồng đội kể từ buổi sáng ngày 30 Tết năm ấy. Và khi đó ông vừa qua tuổi bốn mươi!

 Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Tùng
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ảnh: Minh Tùng


Chúng đem cha tôi lên một ngã ba của quốc lộ 1 và loan tin đã giết được mấy tên Việt cộng, ai là người nhà hãy đến nhận xác. Trong thư gửi cho tôi, thím thành thật bảo, biết là anh chồng mình hy sinh, xác bị kẻ thù đưa lên đường phơi nắng nhằm đe dọa người thân của các cán bộ, chiến sĩ và những người còn đang theo Việt cộng; cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ thù, nếu thím đến nhận là người thân, chúng sẽ bắt giam ngay. Vì thế mà thím không dám nhận xác cha tôi và đồng đội ông về chôn cất. Đêm mùng 3 Tết, một ông cụ nhà gần nơi cha tôi và đồng đội của ông nằm lại, một mình giữa đêm khuya tự đào huyệt rồi đem xác cha tôi và 2 đồng đội của ông về chôn cất sau vườn nhà. Sau ngày giải phóng ít lâu, ông cụ đã từ giã cõi đời, để lại trong tôi nỗi lòng đau xót, ân hận khi chưa kịp ngỏ lời tạ ơn ông, một người dân lương thiện, biết yêu chính nghĩa, yêu đồng bào mình, thương xót cho người đã khuất mà phần xác còn không được yên nghỉ bởi kẻ thù rình rập, phục kích để chờ đồng đội, người thân đến chúng sẽ bắt, sẽ giết tiếp.

Trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mỹ Hiệp quê tôi có ngôi mộ mang tên liệt sĩ Đoàn Xảo (bí danh là Đoàn Thiệt). Hai bên trái, phải nơi ông nằm là 2 tấm bia ghi trên mộ phần “liệt sĩ chưa biết tên”. Hai đồng chí của cha tôi không là người cùng địa phương nên người dân quê tôi không biết cụ thể họ tên, tuổi... Đó là hai cô chú cùng hy sinh với cha tôi hôm ấy. Cha và bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến chống ngoại xâm, đem lại cho Tổ quốc, quê hương và gia đình ngày nay được sống trong hòa bình, tự do; có cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển... Ở suối vàng chắc cha cũng yên lòng và tự hào về con cháu ngày nay không phụ lòng cha và các thế hệ đi trước!

 

ĐOÀN MINH PHỤNG



-----------------
(*) Ông Đoàn Thắng-Xã trưởng Tú An (An Khê) nhưng là cơ sở của cách mạng những năm 1966-1969.

Có thể bạn quan tâm